Vắc xin AstraZeneca trở thành một vũ khí chính trị, thảm họa PR như thế nào?

Mới bị Mỹ cáo buộc thao túng dữ liệu liên quan tới vắc xin COVID-19 của mình, AstraZeneca đã phải đối mặt với sự giám sát chưa từng có trong sáu tháng qua.

Ảnh: AP

Bài liên quan

Bất chấp nhiều chỉ trích, Canada vẫn khuyến nghị sử dụng vắc xin của AstraZeneca

Vắc xin AstraZeneca đạt hiệu quả 100% trong phòng ngừa bệnh nặng

EU cảnh báo cấm xuất khẩu vắc xin AstraZeneca nếu không cung cấp đủ cho khối này

Tìm ra nguyên nhân gây cục máu đông sau tiêm vaccine của AstraZeneca

Vắc xin của AstraZeneca được quảng cáo là vắc xin để đưa thế giới ra khỏi đại dịch COVID-19. Nhưng trong sáu tháng qua, AstraZeneca, công ty sản xuất vắc xin để cứu sống hàng nghìn người không vì lợi nhuận, đã vấp phải một con đường chông gai, đối mặt với những cáo buộc về hiệu quả, nguồn cung cấp và tác dụng phụ của vắc xin liên tục.

Hệ quả của Brexit?

Tuần này, AstraZeneca đã phải đối mặt với sự chỉ trích công khai chưa từng có ở Mỹ từ một cơ quan khoa học cấp cao cho rằng công ty này đã thao túng dữ liệu từ cuộc thử nghiệm trước đó.

Và tại Ý, cảnh sát quân sự đã thay mặt ủy ban châu Âu tiến vào một nhà máy điều tra tích trữ 29 triệu liều vắc xin, được cho là nhằm mục đích vận chuyển đến Anh. Ủy ban đang yêu cầu AstraZeneca cung cấp nhiều mũi tiêm chủng hơn cho châu Âu, đồng thời đưa ra các quy định có thể chặn xuất khẩu vắc xin sang Anh cùng nhiều nước khác.

Cáo buộc chính trị hóa vắc xin của Oxford/ AstraZeneca đặc biệt rõ ràng ở châu Âu, nơi việc phân phối thuốc chậm trễ hơn nhiều so với ở Anh. Một nguồn tin của chính phủ Anh cho rằng cuộc đột kích vào nhà máy ở Ý, điều "vô tình" giúp Bỉ có thêm hàng triệu liều vắc xin, đang giúp "đám đông thoải mái chống lại công ty này dưới vỏ bọc chính trị".

Vào đầu năm nay, có vẻ như sự thù hận hậu Brexit có thể là nguồn cơn của vụ việc. Vào ngày 25/1, tờ báo Đức Handelsblatt đã gây bão với một câu chuyện trên trang nhất tuyên bố loại vắc xin này chỉ có 8% hiệu quả ở người cao tuổi.

Ảnh: Yahoo

Vào ngày 29/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng vắc xin này "gần như không hiệu quả" ở những người trên 65 tuổi. Đức và Pháp đã từ chối sử dụng vắc xin cho nhóm tuổi đó. Mặc dù những hạn chế đó đã được dỡ bỏ, nhiều người ở các quốc gia này vẫn chần chừ trong việc tiêm phòng.

Giờ đây, đối mặt với làn sóng bùng dịch thứ ba ở châu Âu, khi bị các bác sĩ chỉ trích là tuyên truyền cho việc chống vắc xin, chính phủ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu lại khuyến khích sử dụng lại loại vắc xin này. Tổng thống Pháp Macron nói rằng ông sẽ rất vui khi được tiêm phòng, trong khi Thủ tướng Jean Castex đã được tiêm vắc xin trực tiếp trên sóng truyền hình.

Tuy nhiên, vẫn còn những hệ quả để lại. Tuần này, nhà làm luật Philippe Lamberts của Bỉ đã cáo buộc công ty không trung thực và kiêu ngạo. Ông nói, AstraZeneca đã “hứa hẹn quá mức và giao hàng dưới mức”, đồng thời ám chỉ rằng vẫn còn những vấn đề về an toàn mặc dù Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã chính thức thông qua vắc xin này.

Hệ quả của việc sản xuất vắc xin phi lợi nhuận?

Các nhà khoa học của AstraZeneca cảm thấy họ đã bị người khác cố tình mang ra làm mục tiêu vì cố gắng làm điều đi ngược lại với mục tiêu lợi nhuận trong ngành dược phẩm: sản xuất một loại vắc xin giá rẻ, dễ sử dụng sẽ hoạt động tốt cho các nước thu nhập thấp và trung bình, dù điều này sẽ không thể mang lại lợi nhuận cho công ty trong ngắn hạn.

Ông John Bell, giáo sư Đại học Oxford, người đã giúp thúc đẩy sự phát triển của vắc xin, cho biết tinh thần tại AstraZeneca đang giảm mạnh và họ chưa bao giờ nhận được tín nhiệm xứng đáng cho quyết định tung ra vắc xin phi lợi nhuận. Những công ty khác như Moderna đang dự kiến doanh thu 18 tỷ đô la trong năm nay từ vắc xin COVID-19 và Pfizer / BioNTech là 15 tỷ đô la.

Theo ông Bell cho biết, công ty có thể suy nghĩ lại lập trường từ thiện của mình.

“Có một điểm mà AstraZeneca chỉ có thể nói, chúng tôi sẽ ngừng tính giá vốn ngay bây giờ vì chúng tôi không nhận được bất kỳ sự ghi nhận nào cho những gì chúng tôi đang làm. Giá cổ phiếu của công ty đã đi xuống chứ không phải tăng. Chúng tôi đang tạo ra nhiều loại vắc xin hơn tất cả những người khác. Đây là một loại vắc xin an toàn và hiệu quả, nhưng dường như không ai quan tâm”, ông nói trong tuần này.

Thật khó để chỉ ra một lý do duy nhất tại sao AstraZeneca thường xuyên bị lên án, nhưng tai ương của họ bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái khi thử nghiệm của họ bị tạm dừng vì một phản ứng bất lợi được báo cáo ở Anh, điều thực ra là chứng viêm tủy sống không liên quan tới vắc xin.

Cơ quan quản lý của Vương quốc Anh đã cho phép khởi động lại các thử nghiệm trong vòng vài ngày, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, cơ quan phê duyệt thuốc ở Mỹ, đã duy trì việc đình chỉ trong sáu tuần. Họ không hài lòng khi không được thông báo về vấn đề đủ kịp thời và không hài lòng với những giải thích của công ty.

Không duy trì thử nghiệm theo tiêu chuẩn của FDA

Nhưng đội ngũ của Oxford / AstraZeneca cũng thất bại trong việc duy trì được sự đơn giản. Các cơ quan quản lý dược đối phó với các công ty dược phẩm thu lợi nhuận đã quen với việc xem dữ liệu từ một thử nghiệm lớn, đánh dấu tất cả các ô cho độ tuổi, dân tộc, tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác có thể làm sai lệch kết quả. Pfizer/ BioNTech và Moderna đã làm điều đó và đưa ra một con số ấn tượng lớn về hiệu quả: khoảng 95%.

Oxford/AstraZeneca thì không. Các nhà khoa học của Đại học Oxford nghiên cứu cách tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh này. “Tôi nghĩ rằng một số khó khăn là các thử nghiệm được Oxford thiết lập để trả lời các câu hỏi về sức khỏe cộng đồng, trong khi các thử nghiệm rất rõ ràng của Pfizer/ BioNTech và Moderna ở Mỹ đã được thiết lập để được FDA chấp thuận”, ông Stephen Evans, giáo sư dược lý học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London cho hay.

Ảnh: GA

Oxford/ AstraZeneca đã đưa ra hai con số mà không phải một: hiệu quả tổng thể là 62% ở dân số chung và 78% ở những người ban đầu đã nhận được một nửa liều do vấn đề cung cấp. Nhà phân tích ngành, Tiến sĩ Adam Barker, thuộc Shore Capital, cho biết mọi người đã quên hy vọng về một loại vắc xin hiệu quả 50% và so sánh kết quả với Pfizer.

Cách thức công ty trình bày cũng khiến nhiều người mơ hồ, đồng thời việc thiếu số liệu ở người trên 65 tuổi vì lý do đạo đức khiến cho thử nghiệm này trở thành cái đích để nhiều người nhắm vào.

Ông Barker nói: “Chắc chắn rằng những thất bại và nhầm lẫn trong việc giải thích dữ liệu và tất cả ồn ào mà chúng ta đã thấy đều ảnh hưởng đến niềm tin vào vắc xin”.

Giao tiếp dường như là chìa khóa cho cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học với ban giám sát và an toàn dữ liệu (DSMB) ở Mỹ. Thông thường, ông Evans nói, “DSMB là một nhóm rất riêng tư. Bạn không biết ai có mặt trong đó, vì vậy họ không thể bị áp lực. Việc họ công khai lên tiếng là rất bất thường. Tuy nhiên, vào đêm thứ Hai (22/3), chưa đầy 24 giờ sau khi AstraZeneca báo cáo thành công của vắc xin trong các thử nghiệm ở Mỹ, DSMB cho biết công ty đã trình bày dữ liệu 'lỗi thời và có khả năng gây hiểu nhầm' cho thế giới".

Chưa một công ty sản xuất vắc xin nào trên thế giới phải chịu kết cục như AstraZeneca.

Vắc xin của họ đã bị đình chỉ ở một số nước châu Âu vì đông máu cục, mặc dù đã có báo cáo tương tự với tất cả các loại vắc xin và một trường hợp tử vong đang được điều tra ở Mỹ cùng nhiều nước khác. Nguồn cung cho các loại vắc xin khác cũng không hề đơn giản. Pfizer đã sa sút trong sản xuất và Johnson & Johnson cùng Novavax đã cảnh báo rằng nguồn cung có thể thấp hơn dự kiến ban đầu.

Nhưng AstraZeneca luôn bị giám sát chặt chẽ. Có thể là vì mong muốn cứu thế giới được công ty mạnh mẽ tuyên bố. Có thể là do một hoặc hai bước sai lầm trong chiến lược. Đó có thể là do họ thu hút sự bùng nổ chính trị như một đại diện cho Vương quốc Anh, đặc biệt là trong một thế giới hậu Brexit.

Dù thế nào đi nữa, Đại học Oxford và công ty hiện đang hy vọng rằng bằng chứng tích lũy về cách hoạt động tốt của vắc xin trong thế giới thực sẽ giúp giảm bớt căng thẳng, dù điều kiện tiên quyết vẫn là giải quyết vấn đề nguồn cung.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vac-xin-astrazeneca-tro-thanh-mot-vu-khi-chinh-tri-tham-hoa-pr-nhu-the-nao-post125221.html