Vắc xin của Pfizer giảm thiểu nguy cơ mắc Omicron ở trẻ em

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em tại La Paz (Bolivia). Ảnh: AFP/TTXVN

Nguy cơ mắc Omicron giảm đáng kể ở trẻ em và thanh thiếu niên tuổi từ 5-15 nếu được tiêm hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech COVID-19. Đây là kết luận của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ trong nghiên cứu công bố ngày 11/3.

Tại Mỹ, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022, trẻ từ 5-15 tuổi hằng tuần phải xét nghiệm với SARS-CoV-2 dù có triệu trứng hay không. Kết quả cho thấy khoảng 50% trẻ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là trẻ chưa tiêm vắc xin và không có triệu chứng.

Theo CDC, việc tiêm hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 làm giảm nguy cơ nhiễm Omicron của 31% trẻ từ 5-11 tuổi và 59% thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi.

CDC Mỹ đã lần lượt cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi và trẻ từ 5-11 tuổi vào tháng 5/2021 và tháng 11 cùng năm.

* Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ tính đến 8 giờ ngày 12/3 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 1,68 triệu ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 455.052.099 ca, trong đó có 6.057.244 ca tử vong. Số ca bình phục là 388.981.589 ca. Hiện có 66.469 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 81,15 triệu ca nhiễm và 993.043 ca tử vong. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với hơn 42,98 triệu ca, nhưng đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 515.833 ca.

Với hơn 29,3 triệu ca mắc và 654.612 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với 164.042.074 ca nhiễm, trong đó có 1.736.435 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 124,4 triệu ca nhiễm và 1.369.361 ca tử vong.

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 95,6 triệu ca nhiễm, trong khi Nam Mỹ ghi nhận hơn 55,1 triệu ca. Số ca nhiễm tại châu Phi hiện hơn 11,6 triệu ca, trong khi châu Đại Dương ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm.

Biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở châu Âu, khiến số ca mắc COVID-19 trong khu vực tiếp tục tăng. Đức dẫn đầu khu vực với 245.342 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 16.881.948 ca.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo nước này đang rơi vào tình trạng “y tế nguy cấp” mới, khi số ca mắc COVID-19 theo ngày liên tiếp ghi nhận “kỷ lục buồn". Theo ông Karl Lauterbach, những thông tin cho rằng biến thể Omicron ít độc lực hơn chỉ đúng một phần.

Ông nhấn mạnh việc cho rằng “chúng ta đã kiểm soát được đại dịch” là quá chủ quan và không thể hài lòng khi mỗi ngày có 200-250 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Lauterbach cảnh báo nếu không áp đặt tiêm chủng bắt buộc, nước Đức sẽ không thể vượt qua đại dịch vào mùa thu tới.

Trong khi đó, Pháp ghi nhận 72.399 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 23.381.279 ca. Hà Lan cũng ghi nhận thêm 69.186 ca mắc mới, Italy có thêm 53.127 ca. Anh báo cáo 72.828 ca mắc mới và thêm 149 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 19.530.485 ca và 162.738 ca.

Với 50.743 ca mắc mới được ghi nhận, số ca mắc tại Nga hiện là 17.242.043 ca, trong khi số ca tử vong vì COVID-19 là 359.585 ca sau khi có thêm 674 người không qua khỏi.

Tại châu Á, Hàn Quốc cũng đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron khi số ca mắc mới theo ngày vượt 380.000 ca. Cụ thể, ngày 12/3, Hàn Quốc ghi nhận 383.665 ca mắc mới, trong đó có 383.590 ca lây nhiễm trong nước.

Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bùng phát. Số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 6 triệu ca, tăng 1 triệu ca chỉ trong ba ngày. Nước này cũng ghi nhận thêm 269 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 10.144 người, tỉ lệ tử vong là 0,16%.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271921/vac-xin-cua-pfizer-giam-thieu-nguy-co-mac-omicron-o-tre-em.html