Vắc xin đã thay đổi lịch sử nhân loại như thế nào?
Vào nửa sau thế kỷ XIX, thế giới đã đạt được những thành tựu lớn trong việc tạo ra vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt, bộ môn miễn dịch học thực nghiệm đã giúp nghiên cứu các quá trình xảy ra trong cơ thể sau khi tiêm chủng.
Theo dòng lịch sử
Trong hầu hết toàn bộ lịch sử nhân loại, con người thường bất lực trước những trận dịch lớn. Chẳng hạn, bệnh đậu mùa đã ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm, cướp đi sinh mạng của 20-30% số người mắc bệnh (90% là trẻ sơ sinh). Trong khi đó, những người bình phục thường bị mù mắt và trở nên tàn tật đáng sợ. Căn bệnh này là nguyên nhân gây ra 10-20% số ca tử vong ở châu Âu. Ở châu Mỹ, nơi những kẻ thực dân mang bệnh đậu mùa đến, nó đã tàn sát toàn bộ các dân tộc và bộ lạc bản địa, khi được sử dụng như một vũ khí diệt chủng.
Riêng trong thế kỷ XX, bệnh đậu mùa đã giết chết hơn 300 triệu người. Người ta nhận thấy rằng, những người từng mắc căn bệnh này thì sẽ không bị nhiễm bệnh nữa. Phát hiện này đã mở ra cho nhân loại con đường tạo ra vắc xin. Theo đó, người ta đã nỗ lực gây ra bệnh đậu mùa nhẹ để ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Vào thời Trung cổ, những nỗ lực nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đã được biết đến ở Ấn Độ và Trung Quốc. Phương pháp tiêm chủng (lây nhiễm nhân tạo) đã được sử dụng, tức là tiêm vào người khỏe mạnh chất lỏng lấy từ bọng nước của bệnh nhân mắc đậu mùa dạng nhẹ. Thực tế đã có rủi ro trong việc sử dụng một loại virus gây bệnh cao và tử vong. Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp “xông mũi”, tức là hít chế phẩm đậu mùa dạng bột qua đường mũi. Các phương pháp dân gian tương tự để phòng chống bệnh đậu mùa đã được sử dụng ở những nước khác, trong đó có tại Châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Có người khỏe lại nếu bệnh nhẹ, những cũng có một số khác thì không.
Bệnh đậu mùa đã ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, bao gồm cả người giàu, người nghèo, bình dân và quý tộc. Vì vậy, vào thế kỷ XVIII, phương pháp lây nhiễm nhân tạo trở thành “xu thế” trong xã hội thượng lưu. Khi vua Louis XV của Pháp qua đời vì bệnh đậu mùa vào năm 1774, cháu trai của ông là Louis XVI đã được tiêm phòng. Không lâu trước đó, khi xảy ra những đợt dịch bệnh đậu mùa khác, Nữ hoàng Nga Catherine II đã tìm đến bác sĩ người Anh Thomas Dimsdale để nhờ giúp đỡ. Tháng 10-1768, vị bác sĩ này đã tiêm phòng cho Nữ hoàng và người thừa kế ngai vàng, Hoàng đế tương lai Pavel I. Việc tiêm phòng đã thành công. Đây là sự khởi đầu của việc tiêm chủng đại trà ở Nga. Thậm chí, Nữ hoàng Catherine II đã lên kế hoạch thực hiện một đợt tiêm phòng đầy đủ cho toàn bộ người dân của Đế chế Nga, nhưng không mang lại kết quả. Bởi lẽ, lúc đó nhà nước không có đủ nguồn lực để tiến hành hoạt động quy mô lớn như vậy, trong khi người dân tỏ ra dè dặt với biện pháp phòng dịch mới.
Chiến thắng bệnh đậu mùa
Tuy nhiên, biện pháp phòng dịch này không mang lại sự bảo vệ hoàn toàn, khi tỷ lệ tử vong vẫn trong tỷ lệ khoảng 2-3%.
Phỏng đoán của bác sĩ người Anh Edward Jenner (1749-1823) đã có ích trong việc này. Trong thời gian dài, ông đã thu thập thông tin về tỷ lệ mắc bệnh đậu mùa xảy ra ở bò đối với nông dân. Mọi người đều biết rằng, bệnh đậu mùa ở bò không nguy hiểm cho con người, trong khi hầu hết những người đã mắc bệnh này thì sẽ không bao giờ bị nhiễm bệnh đậu mùa nữa. Bác sĩ Jenner đã đi đến kết luận rằng, có thể lây nhiễm nhân tạo cho một người mắc bệnh đậu mùa ở bò để bảo vệ người đó tránh các bệnh tự nhiên.
Năm 1796, bác sĩ Edward Jenner tiến hành một thí nghiệm bằng cách tiêm vắc xin cho cậu bé 8 tuổi, James Phipps. Sau một thời gian, cậu bé bị nhiễm bệnh đậu mùa, nhưng bệnh không phát triển. Những người khác cũng đã thực hiện các thí nghiệm tương tự, nhưng chính Jenner là người đã công bố phương pháp của mình và bắt đầu thực hành trên khắp thế giới.
Tại Anh, việc tiêm phòng bệnh đậu mùa là bắt buộc trong quân đội và được đặt tên là “vắc xin”, bắt nguồn từ chữ “vacca” trong tiếng Latinh, có nghĩa là con bò. Tại Nga, vắc xin theo liệu pháp của bác sĩ Jenner lần đầu tiên được bào chế vào năm 1801 bởi giáo sư Efrem Mukhin.
Chế phẩm tiêm phòng là thành phần của mụn mủ (áp xe) của trẻ em được tiêm, là loại vắc xin “nhân bản”, do đó có nguy cơ cao lây nhiễm thứ phát với các bệnh viêm quầng, giang mai… Do vậy, A. Negri năm 1852 đã đề xuất lấy vắc xin đậu mùa từ những chú bê đã được tiêm phòng. Bệnh đậu mùa về sau đã bị đẩy lùi ở nhiều nơi trên thế giới.
Như vậy, chương trình xóa sổ bệnh đậu mùa đã được đề xuất vào năm 1958 bởi phái đoàn Liên Xô tại Hội nghị lần thứ XI của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Năm 1967, WHO đã khởi động một chương trình tiêm phòng đậu mùa quy mô lớn. Điều này cho phép chiến thắng bệnh đậu mùa, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và nâng cao tuổi thọ.
Bệnh dại, bệnh dịch hạch và bệnh tả
Vào nửa sau thế kỷ XIX, khoa học thế giới đã đạt được những thành tựu lớn. Đặc biệt, bộ môn miễn dịch học thực nghiệm đã giúp nghiên cứu các quá trình xảy ra trong cơ thể sau khi tiêm chủng. Nhà khoa học, nhà hóa học và vi sinh học lừng danh của Pháp, người sáng lập ngành vi sinh vật học và miễn dịch học Louis Pasteur (1822-1895) đã kết luận rằng, phương pháp tiêm chủng có thể được áp dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm khác. Dựa theo mẫu bệnh dịch tả gà, nhà khoa học đã đưa ra kết luận có cơ sở thực nghiệm rằng, một căn bệnh mới sẽ giúp ngăn chặn loại bệnh tiếp theo. Pasteur đã định nghĩa việc không tái phát bệnh truyền nhiễm sau khi tiêm là “khả năng miễn dịch”.
Năm 1881, nhà miễn dịch học người Pháp đã phát hiện ra vắc xin ngừa bệnh than. Sau đó, vắc xin ngừa bệnh dại đã được nghiên cứu và điều chế. Năm 1885, trạm phòng chống bệnh dại đầu tiên xuất hiện ở Paris. Trạm thứ hai do Ilya Mechnikov thành lập ở Nga. Học trò của ông là Nikolai Gamaleya đã cùng nghiên cứu bào chế với ông. Ngay từ thời Liên Xô, Gamaleya đã trở thành nhà vi sinh vật học lỗi lạc nhất và là người đứng đầu Viện dịch tễ học và vi sinh vật học Moscow.
Năm 1886, một “trạm Pasteur” đã xuất hiện ở Odessa. Trạm này trở thành trung tâm nghiên cứu vi khuẩn học đầu tiên tại Nga. Không lâu sau, các trạm phòng bệnh dại mang tên Pasteur đã được xây dựng ở các thành phố khác của Nga.
Thành công này đã giúp nhà khoa học Louis Pasteur tránh được làn sóng chỉ trích những phương pháp phòng bệnh của ông. Năm 1888, một viện đặc biệt phòng chống bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm khác đã được thành lập tại thủ đô Paris của Pháp, sau này được đặt theo tên của người sáng lập ra nó - Viện Pasteur.
Những phát minh của Mechnikov và Ehrlich đã giúp nghiên cứu bản chất của khả năng miễn dịch cá thể sinh vật đối với các bệnh truyền nhiễm. Họ đã tạo ra học thuyết thống nhất về khả năng miễn dịch và được trao giải Nobel năm 1908.
Năm 1892, một học trò khác của Mechnikov là Vladimir Khavkin đã tạo ra vắc xin đầu tiên ngừa bệnh tả, được ông thử nghiệm trên chính cơ thể mình. Năm 1893, với sự giúp đỡ của nước Anh, ông đã phát động chương trình tiêm chủng đại trà chống lại bệnh dịch tả ở Ấn Độ, nơi khi đó dịch bệnh đang hoành hành. Khi ở Ấn Độ bắt đầu lây lan đại dịch hạch, một trong những dịch bệnh mới nhất trong lịch sử nhân loại, Khavkin đã tạo ra một loại vắc xin chống lại căn bệnh này. Vì vậy, tên của nhà khoa học này đã được đặt cho Viện miễn dịch học Trung ương Mumbai.
Vắc xin của Khavkin đã cứu sống nhiều người ở Ấn Độ, nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa được biết đến. Một nhà khoa học người Nga khác, Magdalena Pokrovskaya, đã điều chế vắc xin phòng ngừa dịch hạch bằng virus sống. Trong cuộc nội chiến Nga, nhà khoa học nữ này đã điều tra các đợt bùng phát bệnh dịch hạch và sốt rét ở miền Đông Nam nước Nga. Năm 1934, một loại vắc xin hoạt động đã được tạo ra. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, Magdalena Pokrovskaya đã tạo ra công nghệ điều trị các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng bằng cách sử dụng vi khuẩn, loại virus đặc biệt tiêu diệt vi khuẩn.
Những chiến thắng của Liên Xô trên mặt trận vô hình
Năm 1919, chính phủ Liên Xô ban hành Sắc lệnh về việc tiêm chủng bắt buộc phòng bệnh đậu mùa. Sau cuộc nội chiến Nga kết thúc, khi nhiều người chết do dịch bệnh và khả năng miễn dịch suy yếu (suy dinh dưỡng, nạn đói, điều kiện vệ sinh kém…), sự lây lan bệnh đậu mùa ở Liên Xô được giảm thiểu và cuối cùng đã bị đẩy lùi vào những năm 1930.
Năm 1925, việc tiêm phòng bệnh lao cho trẻ em đã được tiến hành đại trà. Sau đó, việc tiêm ngừa đại trà chống bệnh bại liệt ở Liên Xô bắt đầu từ năm 1959, và đến cuối năm 1960, tất cả công dân Liên Xô dưới 20 tuổi đều được tiêm phòng bệnh này.
Năm 1958, lịch trình tiêm chủng phòng ngừa đã được áp dụng và nó có hiệu lực tại Nga cho đến ngày nay. Ban đầu, lịch trình này bao gồm những vắc xin phòng bệnh đậu mùa, bệnh lao, ho gà, bạch hầu và bại liệt. Sau đó tiêm vắc xin ngừa uốn ván và quai bị đã được đưa vào lịch trình. Trong hơn 30 năm qua, một số chủng ngừa đã được bổ sung, bao gồm chống viêm gan B, nhiễm trùng máu khó đông, cúm, nhiễm khuẩn HIB.
QUỐC KHÁNH (theo Topwar)