Vắc xin ngừa nCoV sẽ sớm được thử nghiệm trên người

Hiện tại, có 3 loại vắc xin ngừa nCoV dựa trên những công nghệ tân tiến nhất đang được phát triển, WHO sẽ lựa chọn loại vắc xin đầu tiên để đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Chỉ trong vòng 5 năm qua, thế giới đã phải đối mặt với các dịch bệnh mới như Ebola, Zika, MERS và giờ là nCoV. nCoV là dạng virus mới khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh. Không có thuốc đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, không giống như nhiều đại dịch trước đó, phải mất tới hàng năm trời để phát triển vắc xin, nghiên cứu ra một loại vắc xin để đẩy lui đại dịch này nhanh chóng được tiến hành ngay sau khi xác định ra virus.

Các quan chức Trung Quốc công bố đã giải mã gene nhanh chóng virus. Thông tin này giúp các nhà khoa học quyết định xem liệu virus này đến từ đâu, nó có thể biến thể thế nào khi dịch tiến triển và làm thế nào để bảo vệ người dân chống lại nCoV.

Cùng với tiến bộ công nghệ và cam kết mạnh mẽ của các chính phủ trên toàn thế giới nhằm tài trợ cho nghiên cứu về bệnh dịch mới nổi, các cơ sở nghiên cứu sẽ có thể sớm hành động nhanh chóng.

INO-1800, Vắc-xin ngừa nCoV dựa vào công nghệ ADN

Tại phòng thí nghiệm Inovio ở San Diego, các nhà khoa học đang sử dụng một loại công nghệ ADN khá mới để phát triển một loại vắc xin tiềm năng. Được gọi là "INO-1800", vắc xin mới ngừa nCoV này sẽ thử nghiệm trên người vào đầu mùa hè năm nay.

Bà Kate Broderick, phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển tại Inovio cho biết: "Một khi Trung Quốc đã cung cấp chuỗi gene ADN của loại virus này, chúng tôi đã có thể thông qua công nghệ máy tính của phòng thí nghiệm thiết kế một loại vắc xin trong vòng 3h đồng hồ."

"Vắc xin y học ADN rất mới mẻ bởi cách sử dụng xếp chuỗi gene ADN từ virus để nhắm tới những phần cụ thể của mầm bệnh mà chúng ta tin rằng cơ thể sẽ phản kháng mạnh mẽ nhất với nó."

Các nhà khoa học hy vọng vắc xin mới ngừa nCoV sẽ được thử nghiệm trên người vào đầu mùa hè 2020

Các nhà khoa học hy vọng vắc xin mới ngừa nCoV sẽ được thử nghiệm trên người vào đầu mùa hè 2020

"Sau đó chúng tôi đã sử dụng chính tế bào của người bệnh để trở thành "một nhà máy" sản xuất vắc xin, tăng cường cơ chế kháng virus tự nhiên của chính cơ thể".

Inovio cho biết, nếu thử nghiệm ban đầu trên người thành công, sẽ tiến hành tiếp các cuộc thử nghiệm rộng rãi, lý tưởng nhất là thử nghiệm ngay tại vùng dịch Trung Quốc trên diện rộng vào cuối năm 2020. Khó có thể dự đoán được là liệu dịch nCoV đã chấm dứt vào khi đó hay chưa. Nhưng nếu theo đúng lịch trình, thì đây sẽ là loại vắc xin mới từng được phát triển và thử nghiệm nhanh nhất từng có tính từ thời điểm dịch xảy ra. Tương tự, loại virus SARS xuất hiện vào năm 2002, vào thời gian vắc xin xuất hiện thì dịch đã qua lâu rồi. Ngày 10/1, Trung Quốc chia sẻ mã gene của virus corona mới thì ngay hôm sau, 11/1, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu vắc xin, vào đúng ngày khẳng định ca đầu tiên tử vong do nCoV.

Vắc xin ngừa nCoV ở cấp độ phân tử, trúng đích, chống lại mầm bệnh đa virus

Hiện tại, Liên minh sáng kiến chuẩn bị cho dịch bệnh (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations - Cepi) gồm nhiều chính phủ và các tổ chức từ thiện trên thế giới tài trợ cho nghiên cứu vắc xin ngừa nCoV. Cepi được thành lập kể từ khi dịch Ebola xảy ra ở Tây Phi nhằm để cấp vốn cho việc đẩy nhanh việc phát triển vắc xin ngừa các bệnh dịch mới.

TS. Melanie Saville, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Cepi cho biết: "Sứ mệnh nhằm đảm bảo dịch bệnh không còn là mối đe dọa với nhân loại và để phát triển vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi."

Ngoài ra, Cepi cũng đang tài trợ 2 chương trình khác để phát triển vắc xin ngừa nCoV. Đại học Queensland đang tiến hành nghiên cứu một loại vắc xin ở cấp độ phân tử, "có khả năng nhắm trúng đích và sản sinh vắc xin nhanh chóng chống lại mầm bệnh đa virus".

Công ty Moderna Inc ở Massachusetts cũng đã phối hợp cùng Viện Các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ để đẩy nhanh nghiên cứu vắc-xin ngừa nCoV.

WHO sẽ quyết định vắc xin nào được thử nghiệm đầu tiên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều phối các hoạt động toàn cầu này nhằm tìm ra vắc xin mới ngừa nCoV. WHO cho biết, đang theo dõi sát sao tiến triển của một loạt các cơ sở nghiên cứu, bao gồm 3 cơ sở trên do Cepi tài trợ.

Mặc dầu những nỗ lực để cho ra đời vắc xin ngừa nCoV được đẩy nhanh, nghiên cứu vẫn ở giai đoạn ban đầu tại tất cả các cơ sở trong cuộc đua tìm ra vắc xin. Thử nghiệm lâm sàng cần thời gian và nên được tiến hành ở vùng tâm dịch.

WHO sẽ là cơ quan quyết định xem vắc xin nào sẽ được thử nghiệm trên người đầu tiên vào những ngày tới. Bà Ana Maria Henao-Restrepo từ chương trình khẩn cấp về y tế của WHO cho biết, WHO sẽ quyết định vắc xin của ứng viên nào sẽ được thử nghiệm đầu tiên. "Các chuyên gia sẽ xem xét nhiều tiêu chí, bao gồm mức độ an toàn, phản ứng miễn dịch phù hợp và thời gian cung cấp liều lượng vắc xin khả thi."

Inovio thông báo sẽ phối hợp với một công ty công nghệ sinh học ở Bắc Kinh có thể giúp đỡ thử nghiệm vắc xin ngừa nCoV bắt đầu vào mùa hè năm nay. TS. Joseph Kim, Chủ tịch và CEO của công ty này cho biết hợp tác này sẽ giúp họ sớm thâm nhập Trung Quốc và phân phối vắc xin vào những vùng cần nhất sớm nhất.

Nguyễn Vân

(theo BBC)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-nha-khoa-hoc-chay-dua-de-phat-trien-vac-xin-ngua-ncov-n168343.html