Vắc xin phòng Covid-19 đưa vào tiêm chủng đều được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn

Trong ba tuần tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận khoảng 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 của chương trình Covax Facility. Sáng 26-3, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại 700 điểm cầu trên cả nước, trong đó tập trung vào vấn đề sàng lọc, xử lý sau tiêm chủng. Đây cũng là buổi tập huấn toàn quốc thứ hai kể từ khi nước ta triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, vắc xin phòng Covid-19 được đưa vào tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Sức khỏe của 40.000 người sau tiêm đều ổn định

Hiện nay, các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam, bao gồm: Hỗ trợ của chương trình Covax Facility và nguồn nhập khẩu do Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) thực hiện.

Ngoài 117.600 liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được nhập về nước vào ngày 24-2 qua VNVC, trong 3 tuần tới, khoảng 811.200 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên từ chương trình Covax Facility sẽ về Việt Nam. VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vắc xin tại Việt Nam, cùng với Covax Facility và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF).

Để tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, sớm đẩy lùi dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến khích tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vắc xin phòng Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 26-2-2021, về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Hiện tại, có Tập đoàn AMV, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Tập đoàn Dược phẩm Vimedimec đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ để có nguồn cung vắc xin phòng Covid-19.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu (AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac...) bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc, xuất xứ để cung cấp vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại tỉnh Quảng Ninh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để có được vắc xin phòng Covid-19 là nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Trong lịch sử phát triển vắc xin, đây là vắc xin phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Chính vì thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả, nên những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu về thời gian bảo vệ của vắc xin có khác nhau. Có đơn vị khẳng định thời gian bảo vệ lên tới 2 năm, có đơn vị khẳng định chỉ được 6 tháng...

Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt có điều kiện, cấp phép lưu hành cho vắc xin AstraZeneca và vắc xin Sputnik V để phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch tại Việt Nam. Theo người đứng đầu ngành Y tế, vì vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới, nên cần triển khai một cách thận trọng. Khi vắc xin nhập về trong nước phải đánh giá lại toàn diện tất cả các thông số an toàn.

"Vắc xin phòng Covid-19 được đưa vào tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tính từ ngày 8-3 đến 25-3, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca đợt 1 cho khoảng 40.000 người tại 19 tỉnh, thành phố và hiện sức khỏe của tất cả người được tiêm đều ổn định.

Bà Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cho biết, cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin phòng Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm. Tuy nhiên, các phản ứng sau tiêm gặp phải đều được các địa phương xử lý kịp thời. Nhờ đó, phản ứng ở các trường hợp sau tiêm chỉ dừng lại ở mức độ xuất hiện, chứ chưa tăng cấp độ nặng lên.

Vắc xin - giải pháp lâu dài trong phòng, chống dịch

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Ðặng Quang Tấn cho rằng, tiêm vắc xin là một trong những giải pháp lâu dài trong phòng, chống dịch Covid-19. Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 của Bộ Y tế đặt ra mục tiêu có tới 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng đủ vắc xin theo từng đợt phân bổ vắc xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19...

Vắc xin phòng Covid-19 được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đưa đến điểm tiêm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, do vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới, nên trong quá trình tiêm chủng, không thể tránh khỏi có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, người dân và những đối tượng được chọn tiêm hết sức yên tâm. Ngoài thẩm định chất lượng vắc xin trước khi đưa vào tiêm chủng, Bộ Y tế cũng tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cả hệ thống tiêm chủng trên cả nước từ trung ương đến địa phương. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men, sẵn sàng xử lý những trường hợp xảy ra phản ứng không mong muốn.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên thành lập tổ cấp cứu lưu động, thông báo số điện thoại cụ thể đến các điểm tiêm, nhất là điểm tiêm ở cộng đồng.

"Tại các địa phương, khi triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cũng phải quán triệt thực hiện nghiêm hướng dẫn tiếp nhận, phân phối và bảo quản vắc xin đến từng điểm tiêm chủng, đồng thời thực hiện tốt việc khám sàng lọc. Tại các điểm tiêm, phải khám sàng lọc thật kỹ, trường hợp nào không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, tuyệt đối không được tiêm chủng. Chúng ta càng chuẩn bị kỹ, càng thực hiện nghiêm các hướng dẫn về chuyên môn, càng bảo đảm kết quả của kế hoạch tiêm chủng đã đề ra", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyến nhấn mạnh.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/994552/vac-xin-phong-covid-19-dua-vao-tiem-chung-deu-duoc-kiem-nghiem-bao-dam-an-toan