'Vắc xin tinh thần' giúp người trẻ vượt qua nỗi sợ 'overthinking' dưới góc nhìn tâm lý học
Khi đối diện với những trở ngại cuộc sống lẫn học tập, người trẻ thường có xu hướng suy nghĩ quá mức, thái quá (overthinking). Vậy 'liều thuốc' nào giúp người trẻ giảm bớt tình trạng suy nghĩ quá mức, tăng cường 'vắc xin tinh thần'?
Thoát khỏi “đại dương” suy nghĩ quá mức
Trong buổi talkshow, chủ đề Gỡ: Thoát khỏi đại dương suy nghĩ, sự kiện do sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) tổ chức, TS Tâm lý Tô Nhi A đã có những chia sẻ về 'overthinking'. 'Overthinking' gọi "nôm na” là những suy nghĩ quá mức, khiến bạn rời xa vấn đề hiện tại, hình dung ra những điều mà bản chất câu chuyện của nó chưa được chứng thực.
Theo TS Tô Nhi A, 'overthinking' được phân loại theo mức độ có thể kiểm soát và ở mức bệnh tâm lý. Nếu phân loại theo tiến trình, có 'overthinking' về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ (như chuyện tình cảm đã tan vỡ, chuyện từng thi rớt) và 'overthinking' về những chuyện còn đang ở tương lai (như lo sợ thi rớt, không có việc làm).
Nếu phân loại theo nhóm biểu hiện, có 'overthinking' biểu hiện về mặt sinh lý (mỏi cơ, đau bao tử, nhức đầu, mất ngủ…), 'overthinking' biểu hiện về mặt tâm lý (chức năng ghi nhớ, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực…). Tuy nhiên, để xác định, việc một người gặp phải vấn đề suy nghĩ quá mức có phải là bệnh lý hay không thì cần sự đánh giá chuyên môn về tâm lý học và tâm bệnh học.
Bảo Nhi (khoa Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ, cô có lẽ đang bị 'overthinking' bởi thường xuyên khó tập trung, mất ngủ và cảm thấy không vui. TS Tô Nhi A đã gợi ý để Bảo Nhi và nhiều bạn trẻ khác giảm bớt tình trạng 'overthinking'. Theo phân tích của TS Tô Nhi A, sự xuất hiện của 'overthinking' là cơ chế để bảo vệ cơ thể trước những khó khăn. Những suy nghĩ quá mức khiến cơ thể có cảm giác được an ủi, yên tâm, từ đó suy nghĩ được nuôi dưỡng và đi rất xa. Nếu tình trạng đến mức rối loạn, việc trị liệu tâm lý là cần thiết, đồng thời cũng phải duy trì điều trị bằng thuốc. “Để chữa trị các vấn đề tâm lý, chúng ta tập trung vào hành vi. Thuốc chỉ là giai đoạn đầu. Trong lúc hành vi của bạn chưa đủ lớn thì mới cần dùng đến thuốc”, nữ TS giải thích.
Để thoát khỏi dòng suy nghĩ quá mức, giải pháp trước mắt được chuyên gia khuyến cáo là hãy thực hành chánh niệm (tập trung chú ý vào đời sống hiện tại). Giải pháp lâu dài hơn, người trẻ phải thay đổi hành vi và lối sống một cách kỷ luật. Chẳng hạn, phải đặt ra mục tiêu bằng các con số cụ thể của việc vận động và dinh dưỡng mỗi ngày.
“Những hoạt động như đi bộ, bơi lội, yoga… giúp cơ thể khởi tạo hoạt động của các nhóm cơ, tiêu hao năng lượng dẫn đến nhu cầu cần ngủ đúng giờ một cách tự nhiên. Đồng thời, bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, học thêm các kỹ năng mới để bản thân tốt hơn một ít. Việc thực hành những hoạt động thể chất lẫn tinh thần tốt lên mỗi ngày giúp bạn bớt hoài nghi về năng lực cá nhân, từ đó giảm 'overthinking' hiệu quả”, TS Tô Nhi A chia sẻ.
Đừng tùy tiện gọi tên nỗi sợ ‘overthinking’ là bệnh lý
Cũng trong buổi tọa đàm, Vy Quỳnh Trúc Linh (KOL, 23 tuổi) chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi theo đuổi công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Nhiều bạn sinh viên thắc mắc, công việc của Trúc Linh sẽ thường xuyên tiếp nhận những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, cách cô giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Trúc Linh cho biết, có một lần, cô chia sẻ quan điểm rằng: “Tôi lựa chọn không làm việc với người sếp không biết kiểm soát cơn nóng giận. Những vị sếp này mà khi công việc không diễn ra theo ý muốn hay nhân viên làm sai, họ thường quát tháo, nổi giận, chất vấn nhân viên kiểu “tại sao cậu làm như thế?, “sao không làm đúng theo ý tôi muốn”... Trúc Linh cho rằng, người sếp mà không kiểm soát được cảm xúc cá nhân thì điều quản lý được ai?
Quan điểm của Trúc Linh nhanh chóng gây ra phản ứng trái chiều. Nhiều bình luận nói cô rằng: “Bạn đã trải nghiệm vị trí sếp chưa mà dám phán xét?”; “Người ta làm sếp thì đi kèm với trách nhiệm bạn ạ”...
Đứng trước vấn đề gây tranh cãi, Trúc Linh tìm giải pháp là đi hỏi bạn bè, đồng nghiệp nhận định thế nào về quan điểm của mình. Cô nhận thấy, góc nhìn của mình không có gì sai trái cả, nó chỉ thể hiện ý kiến cá nhân. Cô lựa chọn “nói không” với người sếp và người khác có thể có ý kiến ngược lại. Điều đó là chuyện bình thường.
“Càng trải qua nhiều vấn đề, tôi có thêm kinh nghiệm bình tĩnh xử lý vấn đề hơn. Đồng thời, tôi có cái nhìn “bất cần” hơn một chút về những bình luận trái chiều, biết cách để tâm vào những gì xứng đáng hơn. Mỗi khi gặp vấn đề 'overthinking', tôi sẽ thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, vận động thể thao… tạm quên những suy nghĩ tiêu cực và tiếp tục làm điều mình thích”, Trúc Linh nói.
Từ chia sẻ của KOL Trúc Linh, câu hỏi đặt ra là, tại sao hội chứng 'overthinking' là vấn để nổi bật ở giới trẻ? Theo TS Tâm lý Tô Nhi A, sự xuất hiện của Internet, yếu tố tác động thông tin từ mạng xã hội, những người suy nghĩ quá mức dễ dàng chia sẻ nhiều hơn. Mặt khác, cuộc sống đầy đủ vật chất, bố mẹ bao bọc nhiều hơn cũng khiến người trẻ ít rèn luyện kỹ năng, dễ nảy sinh lo âu khi va chạm với khó khăn của cuộc sống.
“Chẳng hạn, khi đang giờ học, thay vì tập trung nghe giáo viên giảng bạn, các bạn sinh viên thường vừa học, vừa lướt mạng xã hội. Bỗng dưng, bạn xem video của một người chia sẻ rằng, “tôi không cần học đại học vẫn có việc làm”. Lướt tiếp, bạn lại thấy video, “tôi học đại học, ra trường và đang thất nghiệp”... Ngay lúc đó, bạn ráp nối thành câu chuyện, rồi suy diễn quá mức theo hướng riêng. Bạn tự hỏi, “vậy giờ mình có nên học đại học nữa không?”. Ngay lúc đó, bạn hãy tắt điện thoại, tập trung vào bài giảng của giáo viên, học thật tốt tiết học… để cắt đứt dòng suy nghĩ quẩn quanh”, TS Tô Nhi A phân tích.
Bên cạnh đó, TS Tô Nhi A cũng cho biết thêm, hiện nay, chúng ta hay có xu hướng tùy tiện gọi tên các bệnh lý tâm lý học như: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD - Obsessive - Compulsive Disorder), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), trầm cảm… Cũng theo chuyên gia, những chẩn đoán bệnh tâm lý cần dựa vào những tiêu chuẩn rõ ràng, người gặp vấn đề bệnh tâm lý cần trải qua rất nhiều bài test. Từ đó, bác sĩ đưa ra kết luận mức độ bệnh lý đang ở giai đoạn nào.
“Mặt trái của việc bạn tùy tiện gọi tên bệnh tâm lý là khiến những người bị bệnh tâm lý thực sự sẽ trở nên bình thường hóa trong cách nhìn của dư luận, họ sẽ không được hỗ trợ đúng đắn. Theo tôi, bản chất hội chứng 'overthinking' không có vấn đề, nếu những xáo trộn cuộc sống của bạn vẫn chưa diễn ra. Khi gặp phải 'overthinking', đầu tiên, chúng ta cần tiếp nhận vấn đề, không vội vàng kết luận đó là bệnh tâm lý. Bạn cần tạo ra các hoạt động hữu ích trong 24 giờ mỗi ngày. Nếu tình trạng suy nghĩ quá mức khiến bạn mất ăn, mất ngủ, đau đầu, chất lượng cuộc sống giảm sút… thì bạn nên có sự hỗ trợ điều trị tâm lý từ các chuyên gia tâm lý”, TS Tô Nhi A chia sẻ.
Nói đến điều này, chuyên gia tâm lý muốn nhấn mạnh, hội chứng 'overthinking' không có vùng cấm. Dù bạn là ai, trải nghiệm vị trí nghề nghiệp nào, đều có thể rơi vào tình trạng suy nghĩ quá mức. Theo TS Tô Nhi A, hoạt động thể chất là rất cần thiết và hiệu quả để chúng ta giảm bớt tình trạng 'overthinking'.
Mỗi người cần phải đo lường được sự phát triển của bản thân bằng những việc cụ thể để tránh hoài nghi bản thân. Sự đo lường đó có thể là hôm nay mình đã làm được 2 bài tập, hôm nay mình học thêm được ngôn ngữ mới, hôm nay, mình đã ngủ sớm trước 10h tối… “Bạn nên cảm thấy mình tốt hơn phiên bản chính bạn của ngày hôm qua là được. Những điều mình làm có quá sức không, quá sức thì giảm mà yếu thì tăng dần. Từ đó, bạn tái tạo một tư duy, suy nghĩ tích cực trong các vấn đề của cuộc sống”, nữ tiến sĩ tâm sự.