Vắc xin Vero Cell đã được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, Bộ Y tế cấp phép

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khi đề cập đến vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Đây là 1 trong 6 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng Covid-19, người dân hãy nhanh chóng tiêm vắc xin ngay khi tới lượt để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm cho các chuyên gia nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hồ Văn

Triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp nhận và triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm do TP.Hồ Chí Minh chuyển giao để tiêm cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trước đó, ngành y tế cũng đã hoàn thành kế hoạch tiêm 17.000 liều vắc xin cho các chuyên gia, người lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cao nhất. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh đã có 942.111 người tiêm vắc xin trong đó có 900.133 người tiêm mũi 1 và 41.978 người tiêm mũi 2.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nhấn mạnh: Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Vắc xin là vũ khí hữu hiệu để phòng, chống dịch Covid-19, ngay sau khi đến lượt người dân hãy nhanh chóng đi tiêm vắc xin và không nên kén chọn vắc xin. Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi và trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội.

Nói về phản ứng sau tiêm của vắc xin Sinopharm, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm: Phản ứng sau tiêm vắc xin Sinopharm hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn gồm: phản ứng tại chỗ tiêm rất phổ biến là đau ở chỗ tiêm, không phổ biến đỏ, sưng, cứng, ngứa. Phản ứng toàn thân phổ biến nhất là đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa. Đây là những phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin, những dấu hiệu này cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với vắc xin, cụ thể là kháng nguyên, một chất kích hoạt đáp ứng miễn dịch. Do đó, các phản ứng sau tiêm phổ biến và ở mức độ nhẹ hoặc trung bình là một dấu hiệu tốt cho thấy vắc xin đang hoạt động. Các dấu hiệu này thường tự biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, không gặp tác dụng phụ thì không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả. Nói cách khác, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm vắc xin. Riêng về phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin Sinopharm hiện chưa đủ thông tin để ước tính.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, không có khuyến cáo tiêm trộn vắc xin Sinopharm với các loại vắc xin phòng Covid-19 khác như: AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vắc xin Sinopharm với vắc xin phòng Covid-19 khác. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm đủ hai liều vắc xin Sinopharm. Nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cách tối thiểu 14 ngày với tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh khác.

Tổ chức Y tế thế giới đã thẩm định

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Hiện nay, có 6 loại vaccine phòng Covid-19 gồm AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm và Janssen đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tất cả các vắc xin được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vắc xin Sinopharm đã được cấp số đăng ký lưu hành giống như các vắc xin phòng Covid-19 khác trong trường hợp khẩn cấp và có điều kiện do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 7929/QĐ-BYT ngày 8-7-2021. Vắc xin này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định và nằm trong hệ thống COVAX Facility nên việc kiểm định của Việt Nam cũng tuân thủ theo hướng dẫn của WHO dành cho vắc xin phòng Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.

Việc kiểm định chất lượng bao gồm nhiều nội dung, diễn ra theo quy trình nghiêm ngặt, như: Đánh giá hồ sơ sản xuất, mẫu của lô sản phẩm, giấy phép xuất xưởng NRA của nước sở tại, giấy chứng nhận phân tích COA của nhà sản xuất, đánh giá dây chuyền bảo quản lạnh trong quá trình nhập và vận chuyển vắc xin (để cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô trước khi lưu hành). Vắc xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd., Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

“Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vắc xin Covid-19 Vero Cell bất hoạt của Sinopharm có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh Covid-19 là 79%; bảo quản ở 2-8 độ C. Lọ vắc xin chưa mở được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C được phép sử dụng trong vòng 24 tháng kể từ ngày sản xuất. Vắc xin này được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau từ 3-4 tuần. Trường hợp mũi thứ 2 bị trì hoãn quá 4 tuần thì cần được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thêm.

Tại Việt Nam, vắc xin Vero Cell đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Tháng 7-2021, Việt Nam tiếp nhận 500 ngàn liều vắc xin Vero Cell do Chính phủ Trung Quốc viện trợ. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm vắc xin này với 88,1 ngàn liều mũi 1, tiếp đó là TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Hoàng Linh

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/vac-xin-vero-cell-da-duoc-to-chuc-y-te-the-gioi-tham-dinh-bo-y-te-cap-phep-a255089.html