Vaccine chống biến thể SARS-CoV-2: Tín hiệu khả quan

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới đang có những tín hiệu khả quan hơn khi các loại vaccine mới cho thấy hiệu quả trong việc phòng chống các biến thể nguy hiểm của SARS-CoV-2.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới đây, theo Reuters, các nhà khoa học Nga đã tuyên bố một thử nghiệm nhằm kiểm tra hiệu quả của việc tiêm nhắc lại vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 để bảo vệ cơ thể trước những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã cho những kết quả rất khả quan.

Chuyên gia Denis Logunov, Phó Giám đốc Viện Gamaleya, đơn vị phát triển vaccine Sputnik V, nghiên cứu do trung tâm này thực hiện tại Nga cho thấy việc tiêm nhắc lại vaccine Sputnik V có hiệu quả trong phòng ngừa các biến thể mới của virus, đặc biệt là các biến thể được phát hiện ở Anh và Nam Phi. Các kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành đánh giá hiệu quả phòng ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mà các loại vaccine ngừa COVID-19 phát triển trong nước mang lại. Chỉ thị nêu rõ việc đánh giá cần được hoàn tất trước ngày 15/3.

Một vài nước thành viên EU, trong đó có Đức, Áo và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự quan tâm tới vaccine của Nga nếu vaccine này được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng. Trong khi đó, Hungary đã trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiêm chủng vaccine Sputnik V của Nga vào ngày 12/2 vừa qua.

Ngày 27/2, hãng dược Moderna của Mỹ cũng bắt đầu thử nghiệm một phiên bản mới của vaccine COVID-19, được thiết kế đặc biệt để nhắm vào chủng biến thể tìm thấy lần đầu ở Nam Phi.

Công ty thông báo rằng họ đã chuyển các liều vaccine mới đến Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ để thử nghiệm lâm sàng. Mũi tiêm này là một phần trong nỗ lực của Moderna nhằm chống lại các chủng biến thể của virus Corona đang lưu hành và chống lại các chủng biến thể của virus liên tục đột biến.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine của Moderna, cũng như các vaccine COVID-19 khác, ít có khả năng bảo vệ chống lại chủng biến thể Nam Phi. Tuy nhiên, Moderna cho biết ngay cả với vaccine thế hệ đầu của họ thì mức độ kháng thể trung hòa quan sát được vẫn ở trên mức có thể tạo ra khả năng miễn dịch.

Một phân tích ban đầu cho thấy vaccine thế hệ đầu của Moderna có hiệu quả chống lại chủng biến thể Vương quốc Anh, hiện đang lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới.

Moderna sẽ bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của mũi tiêm bổ sung chống chủng biến thể. Công ty cũng sẽ cố gắng tạo ra một vaccine kết hợp vaccine thế hệ đầu với phiên bản cập nhật để tạo thành một liều duy nhất.

Trong thử nghiệm lần này, Moderna sẽ đánh giá các phản ứng miễn dịch ở những người đã được tiêm chủng và bây giờ tiêm bổ sung, cũng như ở những người tiêm lần đầu.

Trước đó, ngày 25/2, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) thông báo đang tiến hành nghiên cứu về việc tiêm bổ sung thêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 vào cơ chế tiêm chủng gồm 2 mũi hiện nay.

Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp này cũng chuẩn bị thử nghiệm một phiên bản mới của vaccine nhằm vào biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi. Hai hãng sẽ thảo luận với các cơ quan quản lý y tế về tiến thành thử nghiệm phiên bản sửa đổi của vaccine gốc nhằm đối phó với biến thể này, vốn được cho là có mức độ nguy hiểm hơn nhờ khả năng tránh được một số hoạt động bao vây của kháng thể nhằm vào các virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine COVID-19 của hãng Johnson & Johnson. Đây là vaccine COVID-19 thứ 3 được Mỹ cấp phép.

Trước khi đưa ra quyết định trên, FDA tuyên bố vaccine của Johnson & Johnson, có tên là Jassen, cho thấy hiệu quả cao trong việc phòng ngừa COVID-19, kể cả các biến thể mới.

“Đây là thông tin tuyệt vời đối với mọi người dân Mỹ, là một tiến triển đáng khích lệ trong nỗ lực của chúng ta nhằm chấm dứt khủng hoảng này”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về thông tin mới nhất.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả của Jassen đối với bệnh nặng lên đến 85,9% tại Mỹ, 81,7% tại Nam Phi và 85,6% tại Brazil.

Ý tưởng về một loại “vaccine toàn năng”

Theo các chuyên gia, ý tưởng hiện đang được đặt nhiều kỳ vọng là việc tạo ra một thứ "vaccine toàn năng" có thể chống được mọi chủng virus độc hại cùng các biến thể của chúng, cụ thể là tìm ra và tập trung tấn công vào các “vùng bảo tồn” của mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 thì xem như có thể bào chế được loại vaccine toàn năng dập được dịch COVID-19.

“Trong những năm sắp tới, những chủng virus của các dòng SARS, MERS... có thể sẽ tạo ra tiếp các đại dịch. Các mầm bệnh trong tương lai có khả năng khó chịu hơn nhiều và việc tạo ra vaccine ngăn chặn sẽ lâu hơn, thậm chí dòng SARS-CoV-2 cũng có các biến thể mới”, nhà di truyền học Eric Topol và Giáo sư Dennis Burton, chuyên về miễn dịch và vi trùng học của Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ), nêu cảnh báo trong bài viết trên Nature News gần đây.

Theo 2 chuyên gia này, cộng đồng thế giới cần chung tay làm việc và tài trợ cho việc nghiên cứu một loại vaccine toàn năng.

"SARS-CoV-2 có 79% cấu thành giống với SARS-CoV-1 và 52% giống với MERS-CoV. Nếu chúng ta tìm ra các "vùng bảo tồn" của các chủng virus trên và tạo ra hiệu ứng miễn dịch tập trung vào đó thì về lý thuyết có thể vô hiệu được chúng", bà Morgane Bomsel, nhà vi trùng học làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và Viện Cochin, nêu nhận định.

Theo bà Marie-Paule Kieny, Giám đốc nghiên cứu ở Viện Y tế và Nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM) và là Chủ tịch Ủy ban Vaccine của Pháp, ý tưởng về một loại "vaccine toàn năng" không hề mới khi nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đã và đang tìm kiếm ra loại vaccine có thể trị được cúm mùa.

Theo bà, loại vaccine toàn năng có thể diệt mọi loại virus không phải là nhiệm vụ bất khả thi nhưng là một sứ mệnh khó. Có thể nói rằng, ngoài các ông lớn dược phẩm đã và đang cho ra mắt các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay, cũng có một số phòng thí nghiệm thử nghiệm những hướng mới tính đến khả năng cho một loại vaccine hữu hiệu hơn.

Vũ Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vaccine-chong-bien-the-sarscov2-tin-hieu-kha-quan/424517.vgp