Vaccine Covid-19 và nghịch lý càng dễ tiếp cận càng nhiều hoài nghi
Sự xuất hiện của các biến thể mới và sự chần chừ liên quan đến vaccine Covid-19 đã gây khó khăn cho kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và áp dụng trở lại một số quy tắc thông thường.
Theo tờ Financial Times, bất kỳ người dân nào đã tiêm vaccine phòng Covid-19 tại bang Ohio (Mỹ) đều có thể giành được một trong 5 giải thưởng xổ số trị giá 1 triệu USD. Trong khi đó, ở New Jersey, người dân sẽ được cung cấp các loại bia miễn phí.
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, Mỹ đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Với hơn 160 triệu người được tiêm ít nhất một mũi, Mỹ đã sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng mà Tổng thống Joe Biden đặt ra và dự định hoàn thành trước ngày 4/7.
Thế nhưng, nếu tính cả trẻ em, thì vẫn chưa đến một nửa dân số Mỹ được tiêm chủng và tốc độ tiêm chủng ở một số khu vực đã bắt đầu chậm lại. Kết quả là, các tiểu bang và doanh nghiệp đang chuyển sang các biện pháp không chính thống để khuyến khích người dân di tiêm vaccine.
Anh, một trong số những quốc gia có chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương đối hiệu quả, cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề tương tự. Mặc dù người dân đã bớt do dự về việc tiêm vaccine, nhưng việc tiếp nhận tại các địa phương lại không đồng đều.
Chẳng hạn, phần lớn 23 người nhập viện tại Bolton ở Tây Bắc nước Anh, nơi mà biến thể có khả năng lây nhiễm cao và được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đang lan rộng, đủ điều kiện để tiêm chủng, nhưng mới chỉ có 5 người được tiếp nhận.
Cuối năm 2020, thông tin vaccine phòng Covid-19 có thể đạt hiệu quả hơn 90% đã mang lại hy vọng chiến thắng dịch bệnh này. Thế nhưng, trong vài tháng qua, hy vọng lớn đó đã nhường chỗ cho một thực tế phức tạp hơn. Đối với các chính phủ, sự xuất hiện của các biến thể mới và sự chần chừ liên quan đến vaccine đã gây khó khăn cho kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và áp dụng trở lại một số quy tắc thông thường.
Khi nào đạt miễn dịch cộng đồng?
Các nhà dịch tễ học đã đặt câu hỏi: khi nào các nước mới đạt được miễn dịch cộng đồng cho dù có nguồn cung vaccine dồi dào. Miễn dịch cộng đồng là khả năng loại trừ một bệnh truyền nhiễm sau khi cộng đồng đã đạt đến ngưỡng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh. Theo lý thuyết, sau khi cộng đồng đã vượt qua ngưỡng đó, quá trình lây lan của virus sẽ chậm lại và virus cuối cùng sẽ biến mất.
Khi đại dịch mới bùng phát, một số nhà khoa học hy vọng ngưỡng này là 60%. Theo Peter Hale, Giám đốc điều hành của Tổ chức nghiên cứu vaccine tại Washington DC (Mỹ), các cơ quan y tế Mỹ đã xác định ngưỡng này ở mức khoảng 75%, tuy rằng đây không phải là con số chính thức.
Cũng theo Hale, kết quả thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 được bào chế theo công nghệ mRNA do BioNTech/Pfizer và Moderna phát triển cho thấy khả năng qua ngưỡng này.
Thế nhưng, do biến thể B.1.1.7, xuất hiện đầu tiên ở Anh và đang lây lan mạnh ở Mỹ, có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các chủng phổ biến trong năm 2020, nên ngưỡng miễn dịch hiện nay có thể bị nâng lên mức gần 80%.
Khả năng lây lan của biến thể Ấn Độ, được cho là dễ lây nhiễm hơn cả những biến thể trước đó, gây khó khăn cho Anh trong việc tính toán về khả năng miễn dịch cộng đồng. Kết quả là, nếu không thể thuyết phục những người đang do dự về việc tiêm vaccine thay đổi ý định và nếu các biến thể mới của virus tiếp tục lây lan, thì nhiều quốc gia sẽ phải chật vật tìm cách dập tắt đại dịch. Hiện tại, các quốc gia vẫn có khả năng đối mặt với các đợt bùng phát mới và có thể phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Lauren Ancel Meyers, Giám đốc chương trình nghiên cứu mô hình Covid-19 của Đại học Texas (Mỹ), ước tính tỷ lệ dân số cần được tiêm phòng để đạt được khả năng miễn dịch dao động từ 60% đến 80%.
Bà nói: “Thay vì nói rằng khả năng miễn dịch cộng đồng là điều không cần phải bàn cãi, tôi sẽ nói rằng khả năng miến dịch ở hầu hết các cộng đồng, hầu hết các thành phố ở Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới là điều khó đạt được trong tương lai gần”.
Hoạt động của virus và hành vi của con người
Các ước tính về khả năng miễn dịch cộng đồng rất khác nhau vì chúng phụ thuộc vào hai biến số không thể đoán trước: cách thức hoạt động của virus và hành vi của con người. Các nhà khoa học không biết trước mức độ lây lan của biến thể mới, cũng như số người sẽ được tiêm phòng.
Việc thực hiện tiêm chủng vaccine tạo ra nhiều biến số hơn. Ở Seychelles, virus đã bùng phát trở lại mặc dù tỉ lệ tiêm phòng ở đảo quốc này đạt mức cao. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là do Seychelles dựa vào vaccine Sinovac của hãng dược phẩm Sinopharm Trung Quốc, mà theo một số nghiên cứu chỉ đạt hiệu quả khoảng 50%.
Các nhà nghiên cứu cũng không biết rõ hiệu quả của các mũi tiêm trong việc ngăn ngừa khả năng lây nhiễm, mặc dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy Sinovac hạn chế khả năng lây nhiễm virus ở những người được tiêm chủng. Cũng không rõ liệu loại vaccine này có hiệu quả đối với các biến thể xuất hiện trong tương lai hay không.
Các nhà khoa học hiện có xu hướng coi khả năng miễn dịch cộng đồng là một quá trình tích lũy, chứ không phải một vạch đích để vượt qua. Theo giáo sư John Edmunds thuộc Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, mức độ miễn dịch trong cộng đồng càng tăng, thì tốc độ lây lan của virus càng giảm.
Ông nói: “Cuối cùng, mức độ miễn dịch trong công đồng sẽ tăng đến mức virus sẽ không thể lây lan cho dù không có bất kỳ biện pháp hạn chế xã hội nào. Điều không may là chúng ta vẫn còn một chặng đường dài kể từ thời điểm này”.
Nếu một khu vực thực sự đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, thì ngay cả những ca nhiễm từ bên ngoài cũng sẽ không thể khiến virus lây lan. Jonathan Ball, giáo sư về virus tại Đại học Nottingham (Anh), đưa ra ví dụ về bệnh sởi, vốn chỉ bùng phát khi mức độ miễn dịch cộng đồng giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định.
Ông nói: “Một khi hầu hết dân số Anh đã được tiêm phòng, thì một lượng nhỏ người nhiễm bệnh sởi đến nước này hàng năm cũng sẽ không khiến dịch bệnh bùng phát”.
Giáo sư y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia nhận thấy “rất nhiều người, ngay cả những người làm nghề y, đã hiểu sai về ý nghĩa của miễn dịch cộng đồng. Ông nói: “Họ nhầm lẫn khả năng giảm tỷ lệ lây nhiễm nhờ tiêm phòng với khả năng miễn dịch cộng đồng thực sự”.
Hunter thắc mắc liệu có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2 bằng bất kỳ loại vaccine nào hiện có hay không khi mà vẫn có người do dự về việc tiêm chủng và khả năng bảo vệ của vaccine, kể cả những loại tốt nhất, có thể sẽ giảm theo thời gian.
Ông nói: “Theo tôi, việc lạm dụng thuật ngữ 'miễn dịch cộng đồng' có thể gây tổn hại vì hai lý do. Một là, một số cá nhân có thể hiểu nhầm rằng họ không cần phải tiêm chủng khi những người xung quanh họ đã được tiêm chủng. Hai là, mọi người đang sử dụng miễn dịch cộng đồng như một cái cớ để nhanh chóng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội”.
Hiện tại, người dân ở nhiều khu vực lớn trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng. Vì vậy, việc cho phép đi lại giữa các khu vực có khả năng làm bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới tại các khu vực có tỉ lệ tiêm phòng thấp.
Bà Meyers nói: “Các thành phố có thể trở thành những ổ chứa cho virus tiếp tục phát triển, và chúng ta rất có thể sẽ thấy các biến thể xuất hiện và lây lan trên toàn cầu”.
Tin tưởng hay hoài nghi
Tại Mỹ, các chuyên gia y tế công cộng tin rằng các biện pháp khuyến khích như phát bia miễn phí hoặc coi việc tiêm chủng là điều kiện để tuyển dụng hoặc tuyển sinh có thể thu hút những người không quan tâm đến vaccine đi tiêm phòng.
Jennifer Reich, tác giả cuốn sách “Kêu gọi tiêm chủng: Tại sao cha mẹ từ chối vaccine?”, cho rằng vấn đề ưu tiên hàng đầu là khuyến khích những người không cố ý phản đối vaccine nhưng cũng không có động cơ đi tiêm vaccine.
Tuy nhiên, với những nhóm còn lại, việc kêu gọi còn phức tạp hơn nhiều. Có một số nhóm do dự, hoài nghi hoặc thậm chí cố tình chống lại việc tiêm chủng vaccine. Ở Mỹ, các nhóm này bao gồm những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump – vốn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch - và những người theo chủ nghĩa cánh tả - vốn tẩy chay bất cứ thứ gì không tự nhiên.
Tuy nhiên, tình trạng phản đối vaccine không chỉ giới hạn ở Mỹ. Kết quả của cuộc khảo sát tại 14 quốc gia do Đại học Imperial (Anh) và tổ chức thăm dò dư luận YouGov (Anh) thực hiện từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021 cho thấy cứ 10 người thì chỉ có khoảng 6 người sẵn sàng tiêm vaccine. Trong đó, Pháp, Singapore và Nhật Bản là những nước có tỉ lệ sẵn sàng cao nhất.
Gần đây, những lo ngại về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca đã gây ra khủng hoảng niềm tin. Theo YouGov, sau khi việc tiêm vaccine này bị đình chỉ vào tháng 3, số người cho rằng nó an toàn đã giảm đáng kể ở Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha.
Những thông tin gần đây về các tác dụng phụ, cho dù hiếm gặp, đã ảnh hưởng đến thái độ của người dân về việc tiêm vaccine. Alex De Figueedlyo, thành viên của một dự án nghiên cứu đang thực hiện tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, cho biết nhiều người không chắc chắn về việc có nên tiêm chủng hay không chủ yếu là do lo lắng về sự an toàn tổng thể và tình trạng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng việc lựa chọn vaccine sẽ làm tăng sự tự tin. Vì vậy, việc Anh quyết định cho phép những người dưới 40 tuổi được lựa chọn vaccine sẽ thúc đẩy tốc độ tiêm chủng.
Ngay cả khi không lo ngại về các tác dụng phụ mà các nhà quản lý cho rằng phổ biến hơn ở người trẻ, nhiều người trong nhóm này vẫn do dự vì họ ít có khả năng bị bệnh nặng hơn. Bà Reich nói: “Thách thức hiện tại là chúng tôi đã vô tình thông báo cho những người trẻ tuổi rằng họ có lẽ không phải lo lắng về điều này. Nhiều người trẻ tuổi mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng và do đó có khả năng lây nhiễm cho người khác cao hơn”.
Vaccine Pfizer hiện đã được Mỹ chấp thuận để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi, và điều này giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều bậc cha mẹ sẽ do dự vì cho rằng đây là một trò may rủi và biết rằng ngày càng ít trẻ em bị bệnh nặng khi nhiễm Covid-19. Bà Meyers nói: “Chúng ta đang sẽ phải đối mặt với cuộc chiến giữa những người lớn và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể phải đối mặt với một trận chiến lớn hơn nữa khi nói đến việc tiêm chủng cho trẻ em”.
Người dân ở các nước đang phát triển có xu hướng tin tưởng hơn vào lợi ích của việc tiêm chủng. Vì vậy, khi nhận được nhiều nguồn cung hơn, họ có thể sẽ tham gia tiêm chủng nhiều hơn.
Kết quả một cuộc khảo sát ở 149 quốc gia từ năm 2015 đến năm 2019 (trước khi đại dịch xảy ra) được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh) cho thấy những người được hỏi ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và nhiều nơi ở châu Á tin rằng vaccine an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, ở một số nước như Brazil, sự hoài nghi của các quan chức về vaccine đã khiến một số người dân miễn cưỡng tiêm chủng.
Theo Tiến sĩ Kate O'Brien, Giám đốc chương trình tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của Tổ chức y tế thế giới (WHO), một số người do dự vì các quyết định chính sách và quy định ở châu Âu. Tuy nhiên, nhìn chung, người dân ở các quốc gia nằm trong chương trình COVAX của WHO đều mong muốn có được vaccine.
Theo giáo sư Ball, người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đều biết rõ tác hại của các bệnh truyền nhiễm. Mặc dù cuộc tranh luận về việc làm thế nào để tăng nguồn cung cho các nước đang phát triển vẫn tiếp diễn, nhưng ông đã chỉ ra thực tế trớ trêu là những người không thể tiếp cận vaccine lại là những người có nhiều mong muốn sử dụng chúng nhất.
(Theo Financial Times)