Vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac kém hiệu quả trước biến thể Gamma
Vaccine ngừa Covid-19 của Sinova
Một nghiên cứu công bố ngày 9/7 cho thấy, vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac (Trung Quốc) hiệu quả kém trước biến thể Gamma.
Nhóm tác giả nghiên cứu ở Brazil cho biết, biến thể Gamma có khả năng “lẩn tránh” các phản ứng hệ miễn dịch ngay cả ở những người đã được tiêm chủng, cho thấy virus vẫn có thể lây truyền ở những người đã được tiêm vaccine, ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao.
CoronaVac là một trong những loại vaccine chính được sử dụng ở Brazil để đối phó với đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Các nhà nghiên cứu Đại học Campinas ở Brazil đã tìm thấy cả biến thể Gamma và biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2 trong huyết tương của 53 người đã được tiêm chủng và 21 người đã từng mắc Covid-19 trước đây.
Ở nhóm 53 người này, có 18 người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine CoronaVac của Sinovac – một trong những loại vaccine chính được sử dụng ở Brazil để đối phó với đại dịch, trong khi 20 người đã được tiêm mũi thứ 2 và 15 người khác đã được tiêm chủng trong chương trình thử nghiệm lâm sàng của Sinovac hồi tháng 8/2020.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, biến thể Gamma có khả năng lẩn trốn các kháng thể của hầu hết những người tham gia nghiên cứu – những người mới chỉ được tiêm 1 mũi, cũng như những người được tiêm chủng từ năm 2020.
Kháng thể của những người được tiêm chủng gần đây hơn vẫn có hiệu quả trước biến thể Gamma nhưng thấp hơn so với hiệu quả ngăn ngừa các biến thể trước đây.
Nhóm tác giả của nghiên cứu nói rằng, các kết quả nêu trên cho thấy những người từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Vaccine CoronaVac của Sinovac (Trung Quốc) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp hồi tháng 6/2021. Khi đó WHO cho biết, vaccine này có hiệu quả 51% ngăn ngừa các triệu chứng và hiệu quả 100% ngăn ngừa mắc bệnh nặng và nhập viện.
Tuy nhiên, các kết quả từ thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine CoronaVac ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi không tính đến các biến thể mới – đăng tải ngày 9/6 trên tạp chí Lancet cho thấy, liều 2 mũi tiêm có hiệu quả 83,5% trong ngăn chặn các triệu chứng mắc bệnh. Hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ nhập viện là 100%. Nghiên cứu dựa trên 6.559 tình nguyện viện được tiêm vaccine và 3.470 người được tiêm giả dược.