Vaccine tiềm năng ngừa virus chikungunya cho kết quả khả quan

Loại vaccine tiềm năng do nhà sản xuất dược phẩm Valneva (liên doanh Pháp - Áo) phát triển để ngăn ngừa virus chikungunya đã cho kết quả đầy hứa hẹn trong một cuộc thử nghiệm quy mô lớn thực hiện mới đây.

Theo Valneva, vaccine tiềm năng VLA1553 do hãng này bào chế là loại vaccine ngừa virus chikungunya đầu tiên được nhà chức trách y tế xem xét sau khi nộp đơn xin cấp phép tại Mỹ và Canada.

Một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet ngày 12/6 cho biết các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 một cách ngẫu nhiên và có kiểm soát bằng giả dược đối với loại vaccine sống giảm độc lực (live-attenuated vaccine) này.

Theo phương pháp này, các nhà khoa học lấy chính các virus gây bệnh còn sống nhưng đã bị làm cho suy yếu để tạo ra phản ứng miễn dịch ở cơ thể vật chủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 266 người được tiêm VLA1553, có 263 người (tương đương 99% số người tham gia) đã phát triển kháng thể có thể vô hiệu hóa virus chikungunya.

Trong một cuộc thử nghiệm khác với sự tham gia của 4.100 người trưởng thành khỏe mạnh, các nhà khoa học cũng kết luận rằng loại vaccine 1 mũi này "khá an toàn" khi chỉ có các tác dụng phụ tương tự các loại vaccine khác. Theo kết quả nghiên cứu, chỉ có 2 trường hợp phát sinh các tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan vaccine và cả hai hiện đã bình phục hoàn toàn.

Bà Martina Schneider - Giám đốc chiến lược lâm sàng của hãng Valneva, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu trên - đánh giá những kết quả này là "đầy hứa hẹn". Bà nhấn mạnh: “Đây có thể là vaccine ngừa chikungunya đầu tiên dành cho những người sinh sống ở vùng lưu hành bệnh, cũng như cho khách du lịch đến vùng lưu hành bệnh hoặc những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh”.

Dịch sốt Chikungunya do muỗi Aedes truyền cho người. Các triệu chứng bệnh gồm sốt cao trong 3-4 ngày, đau khớp, mỏi cơ, đau đầu, nôn, suy nhược cơ thể và phát ban. Thông thường, Chikungunya không gây chết người và hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi sau một tuần, nhưng người bệnh có thể tử vong nếu mắc các bệnh lý nền như sốt rét, sốt vàng da và viêm màng não. Hiện tại chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị nào đối với virus này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ sau khi được xác định lần đầu tiên tại Tanzania vào năm 1952, bệnh chikungunya đã lây lan tại hơn 110 quốc gia. Các đợt bùng phát dịch bệnh này thường xảy ra ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Các chuyên gia y tế lo ngại rằng chikungunya có thể là một mối đe dọa đại dịch tiềm ẩn trong tương lai, khi tình hình biến đổi khí hậu đã khiến muỗi Aedes di dời địa bàn sinh sống.

Hãng Valneva cho biết Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có thể phê duyệt vaccine VLA1553 vào cuối tháng 8 tới. Hiện Valneva cũng đang thử nghiệm vaccine này đối với thanh thiếu niên ở các khu vực của Brazil, nơi virus chikungunya lưu hành.

Ngoài Valneva, hiện hãng dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch cũng đang phát triển vaccine ngừa chikungunya và đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba đối với loại vaccine này.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vaccine-tiem-nang-ngua-virus-chikungunya-cho-ket-qua-kha-quan-20230613161523346.htm