'Vaccine' tự nhiên ngừa virus

Tỏi, hành, gừng… ngoài là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, còn là 'vaccine', là kháng sinh tự nhiên giúp tăng đề kháng, phòng, chống lại rất nhiều bệnh như cảm cúm, viêm đường hô hấp...

Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, tiểu tiện khó, bụng trướng đầy, tiêu nhọt, đờm và hạch ở phổi, tẩy uế.

Dù hiện nay đã có nhiều loại vaccine và các phương pháp hiện đại khác ngăn ngừa và trị bệnh cúm, nhưng tỏi vẫn là vị thuốc dân gian hàng đầu mỗi khi dịch bệnh này xuất hiện. Chất allicin trong tỏi làm tăng tính miễn dịch của cơ thể với vi trùng, virus có hại, nhưng lại không tiêu diệt những vi khuẩn có lợi cho cơ thể.

Vị hăng cay của tỏi kích thích dạ dày tiết ra nhiều dịch vị chua; dịch vị này chuyển một tín hiệu lên phổi khiến phổi tiết ra nhiều dung dịch lỏng làm long đờm và đưa ra khỏi phổi. Đó là lí do vì sao sau khi dùng tỏi, các triệu chứng của bệnh cảm cúm như ho, nghẹt mũi, khó thở đều biếm mất.

Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin, carbon hydrat, polisaccarit, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Cách tốt nhất là ăn tỏi tươi.

Cũng giống như tỏi, gừng vừa là một gia vị không thể thiếu trong rất nhiều món ăn, vừa là vị thuốc quý. Các chất trong gừng có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm, chống co thắt, chống nôn, chống loét và tăng cường tiêu hóa, ức chế thần kinh trung ương và có tính miễn dịch.

Đông y dùng gừng để khai vị, trợ tiêu hóa, trị cảm mạo phong hàn, đau bụng nôn ói tiêu chảy, đau bụng do ngộ độc tôm cua cá… Nước ép gừng tươi có tác dụng tiêu đờm, chữa trúng phong mê man, kéo đờm cấm khẩu.

Hành có tính cay ôn hòa, có tác dụng giải hàn, ôn thông dương khí, giải độc... Cổ xưa đã coi hành là thứ thuốc tốt. Phần hành trắng là vị thuốc chính dùng chữa trị phong hàn, cảm cúm.

Ngoài làm át mùi tanh, tăng thêm mùi vị thơm ngon của thực phẩm, hành có thể phân giải lòng trắng trứng thành pepton - một loại chất hữu cơ có thể kháng bệnh, nâng cao được khả năng hấp thu protein của cơ thể. Thức ăn có hành còn có tác dụng giải độc, tăng cường tiêu hóa.

Cha ông ta từ xưa đã dùng tỏi, gừng và hành dự phòng, trị cảm mạo. Cho đến giờ, các bài thuốc này vẫn có giá trị.

Các bài thuốc trị cảm cúm: Giã vài củ tỏi, vắt lấy nước cốt, pha thêm nước (tỉ lệ 1/10), trước khi đi ngủ nhỏ vài giọt vào mũi.

Tỏi 15 g, gừng 15 g, cắt nhỏ, sắc với 1 bát nước đến khi còn nửa bát thì cho đường đỏ lượng vừa đủ vào khuấy đều, uống 1 lần trước đi ngủ.

Cắt nhỏ vài tép tỏi và vài lát gừng, trộn đều rồi ăn trong bữa cơm.

Tỏi 2 củ, hành 1 củ, gừng sống 4 lát đun với 100 ml nước khoảng 5 phút rồi cho thêm đường đỏ vừa đủ. Uống khi còn nóng.

1 củ gừng tươi cạo sạch vỏ, thái thành từng lát mỏng, đun với một ít nước trong 5 phút rồi cho 1 thìa mật ong, uống nóng.

100 g tỏi, 100 g gừng tươi rửa sạch, thái nhỏ, rồi cho vào lọ ngâm với 500 ml dấm trong 30 ngày, sau đó dùng để pha nước chấm, hoặc mỗi ngày uống 10 ml sau bữa ăn.

Tỏi 1 củ bóc vỏ, rửa sạch giã nát, chế thêm nước đun sôi rồi cho dấm gạo vào, đổ vào ấm pha trà, dùng hơi nóng để xông mũi và miệng.

Tỏi 10 g, lá bạc hà 20 g, lá ngải cứu 30 g, lá đại thanh 12 g, thạch xương bồ 12 g… tất cả giã nát, rồi bỏ vào trong một cái túi vải, đeo trước ngực để phòng chống cảm cúm.

Để trị cảm cúm gây đau đầu phát sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi… lấy gừng tươi 10 g, kinh giới 10 g, lá chè 6 g, tía tô 10 g, đường đỏ 30 g đun sôi 15-20 phút, rồi cho đường đỏ vào, hòa tan, uống khi còn nóng. Ngày dùng 2 lần. Hoặc gừng tươi 15 g, hành củ 15 g nấu sôi rồi đập trứng gà vào thành canh, ăn khi còn nóng rồi nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.

Trị ho, viêm phổi: Tỏi 120 g bóc vỏ rửa sạch, giã nát, rồi đổ 120 g dấm gạo, 60 g đường đỏ và ngâm trong 7 ngày, sau đó lọc bỏ bã, lấy nước uống, mỗi lần 6 g hòa với nước sôi để nguội. Ngày 3 lần.

Tỏi 40-60 g làm sạch, trộn đều với 6 g đường phèn, cho thêm 50 ml nước hấp chín. Mỗi ngày 1 thang trên. Uống liền 3-6 ngày hiệu quả rõ rệt.

Tỏi 500 g rửa sạch tách nhánh rồi cho vào bình sạch, đổ 500 g dấm ăn, 200 g đường ngâm 30 ngày trở lên. Hằng ngày ăn 2-3 tép con tỏi và uống ít nước giấm ngâm tỏi đó. Dùng trong vòng nửa tháng liền. Bài thuốc này không những trị hen suyễn mà còn có tác dụng chữa huyết áp cao.

Củ cải 1 củ thái miếng, nấu với 3 bát nước còn 2 bát, sau đó cho 15 g gừng tươi, 6 củ hành vào sắc tiếp còn 1 bát. Ăn, uống khi còn nóng để chữa cảm lạnh, nhiều đờm, đau mỏi, sợ lạnh.

Gừng tươi, trần bì, thần khúc, ba thứ lượng bằng nhau sấy khô tán nhỏ, trộn mật ong giã nhuyễn, viên bằng hạt đậu xanh. Tối trước khi đi ngủ uống 30-50 viên với nước ấm để trị ho kinh niên, ho lâu không khỏi.

Để trị viêm phế quản mạn tính: Gừng tươi 50 g, rễ cây chè 100 g cho vào ấm, đổ nước vừa đủ sắc một lúc, gạn lấy nước, rồi cho mật ong lượng vừa đủ vào khuấy đều, bỏ lọ dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 g.

Chữa đau đầu, nghẹt mũi: Lấy 4-5 khía hành, 20 g đậu xị nhạt, 20 g gừng tươi đun sôi uống.

Lương y Tuấn Lương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/vaccine-tu-nhien-ngua-virus/422763.vgp