Vạch trần lý do vì sao con gái Khang Hi đều đoản mệnh, tuổi thọ không dài
Giống với con gái của các hoàng đế triều Thanh khác, sau khi nhà Thanh chính thức tiến vào Trung Nguyên, các con gái của Huyền Diệp (vua Khang Hi) đều chết sớm, tuổi thọ ngắn ngủi.
Huyền Diệp có 20 người con gái, 12 người chết sớm, chiếm tỉ lệ 60%. Tuổi thọ trung bình của 20 người con gái của ông là khoảng 16 tuổi. Tuổi thọ trung bình của 12 người con gái chết sớm là khoảng 4 tuổi. Tuổi thọ trung bình của 8 người con gái thành niên là khoảng 35 tuổi. Vậy rốt cuộc là nguyên nhân gì khiến các cô con gái yêu kiều của Thiên Tử lại đều đoản mệnh như vậy?
Con gái của Thuận Trị đoản mệnh nhất
So sánh với con gái của vua Thuận Trị Phúc Lâm thì tình trạng đoản mệnh của con gái của Huyền Diệp vẫn chưa được coi là nổi bật nhất. Phúc Lâm có 6 người con gái (trừ con gái nuôi ra) thì 5 người chết sớm, chiếm tỉ lệ khoảng 83%. Tuổi thọ trung bình của 6 người co gái là khoảng 10 tuổi. Nhị công chúa - người duy nhất sống tới tuổi thành niên cũng chỉ sống được tới 33 tuổi.
Hoàng Thái Cực có 14 người con gái, toàn bộ đều sống tới tuổi thành niên, tuổi thọ trung bình khoảng 37 tuổi. Trong đó, từ Hoàng trưởng nữ tới Hoàng ngũ nữ (con gái cả và con thứ 5) đều được gả cho quý tộc Mông Cổ trước khi nhà Thanh chính thức tiến vào Trung Nguyên, tuổi thọ trung bình của họ là khoảng 50 tuổi, con số này không chênh lệch quá nhiều so với tuổi thọ trung bình của cả 8 người con gái của Nỗ Nhĩ Cáp Xích (53 tuổi).
Còn từ Hoàng lục nữ tới Hoàng thập tứ nữ (từ con gái thứ 6 tới con gái thứ 14) đều lần lượt sinh ra vào năm Thiên Thông thứ 7 (năm 1633) tới năm Sùng Đức thứ 6 (năm 1641), khi nhà Thanh chính thức tiến vào Trung Nguyên, tuổi của cả 9 người ở trong khoảng từ 4 tuổi tới 12 tuổi, tuổi thọ trung bình chỉ có 30 tuổi, thấp hơn rất nhiều so với 5 vị Hoàng tỷ của mình.
Có thể thấy, tình trạng sức khỏe và tuổi thọ của các cô con gái của 4 vị vua đầu tiên của triều Thanh có sự khá biệt rất lớn giữa ngoài Trung Nguyên và trong Trung Nguyên. Con gái của Nỗ Nhĩ Cáp Xích đều sinh ra trước khi ông thành lập nên Kim Hãn Quốc, đều sống tới hơn 50 tuổi. Trong giai đoạn này, bao gồm các quy tắc điển chương trong chế độ hậu cung vẫn chưa hoàn thiện, ảnh hưởng của tư tưởng lý luận phong kiến còn khá nhỏ, các công chúa ít bị ràng buộc như trong vùng Trung Nguyên, được hoạt động giữa đất trời bao la.
Những nhân tố này đều có ích rất nhiều cho sự phát triển và lớn lên của họ. Môi trường sống của 5 người con gái đầu của Hoàng Thái Cực cũng không có gì khác biệt lớn so với họ, thế nên giống với các con gái của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, họ đều có tuổi thọ khá cao.
Vận động quyết định sinh mệnh
Sau khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, các công chúa của vua trước khi kết hôn đều sống trong chốn thâm cung, hầu như là cách biệt với thế giới bên ngoài. Các hoàng tử thì từ nhỏ đã bắt đầu học cưỡi ngựa, bắn cung, bơi lội,… lớn hơn một chút thì lại thường xuyên được ra ngoài cùng với vua cha, tham gia các cuộc vi hành, từ đó được mở mang tầm mắt, cơ thể cũng khỏe mạnh hơn. Còn các công chúa thì không có những điều kiện này, họ bị hạn chế bên trong chốn thâm cung, từ nhỏ đã phải chịu sự ràng buộc, gò bó bởi những lý luận thường cương và những lễ tiết phiền phức trong cung, đa phần sức khỏe đều yếu ớt, khả năng miễn dịch, chống lại bệnh tật đương nhiên sẽ kém hơn rất nhiều.
Đầu thời Thanh, bệnh đậu mùa hoành hành, có ảnh hưởng nhất định tới việc đoản mệnh và chết sớm của các công chúa, nhưng không phải là nguyên nhân quyết định. Độ nguy hại của bệnh đậu mùa đối với công chúa và hoàng tử không hề có gì khác biệt, tuy nhiên, ví dụ như hoàng tử của Huyền Diệp (Khang Hi), tỉ lệ sống sót và trường thọ cao hơn các công chúa rất nhiều.
Huyền Diệp có 35 người con trai, có 15 người chết sớm, chiếm tỉ lệ 43%. Tuổi thọ trung bình của 35 người con trai là khoảng 32 tuổi. Tuổi thọ trung bình của những hoàng tử chết sớm là 3 tuổi. Tuổi thọ trung bình của 20 vị hoàng tử sống tới tuổi trưởng thành là khoảng 54 tuổi.
Tỉ lệ chết yểu của các công chúa của các vị vua nhà Thanh sau khi tiến vào Trung Nguyên khá cao, tuổi thọ trung bình thấp, nguyên nhân rất phức tạp, bên trên chỉ là những mặt cơ bản trong đó. Trong 8 người con gái sống tới tuổi trưởng thành của Huyền Diệp, có 6 người được gả cho Vương công Mông Cổ, số lượng rất nhiều, đứng đầu trong số các thời vua sau khi nhà Thanh vào Trung Nguyên. Không chỉ có vậy, số lượng cháu gái và tông thất của Huyền Diệp, con gái dòng họ Giác La gả cho người Mông Cổ cũng không phải là ít. Họ đều là những người có công gia tăng tính đoàn kết của dân tộc, thúc đẩy thống nhất đất nước.
Hoàng Thái Cực từng gả 10 người trong số 14 con gái của ông cho người Mông Cổ, Huyền Diệp cũng gả đa số các con gái của mình cho các Vương công Mông Cổ để liên hôn, rõ ràng có ý làm theo cách làm của tổ tiên. Ngoài ra, tổ mẫu (bà nội) của Huyền Diệp là Hiếu Trang Thái Hoàng Thái Hậu, Đích Mẫu Hiếu Huệ Hoàng Thái Hậu đều xuất thân từ những gia đình quý tộc Mông Cổ, Huyền Diệp sắp xếp hôn sự cho con gái của mình như thế cũng là để quan hệ giữa hai bên thân càng thêm thân, làm vui lòng các bậc trưởng bối. Đương nhiên, dựa theo nhu cầu cầu thế cục thời Thanh, mượn hành động này để củng cố liên minh Mãn Mông, tăng cường thống trị, cũng là điều mà Huyền Diệp cân nhắc hàng đầu.
Gả tới Mông Cổ xa xôi, không phải là một việc tốt đối với các con gái của Huyền Diệp. Trong những năm tháng dài đằng đẵng trước khi hình thành thể thống nhất Mãn Tộc, Tộc Nữ Chân (sau gọi là tộc Mãn) là dân tộc tương lân với tộc Mông Cổ, sống giáp ranh với nhau, có quan hệ qua lại mật thiết. Về văn hóa, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tộc Mông Cổ. Thêm vào đó là môi trường tự nhiên tương đồng, thế nên tập tục của cả hai dân tộc đều có nhiều điểm tương đồng, điều này đã tạo ra điều kiện thuận lợi để hai bên liên hôn với nhau. Tuy nhiên, trường hợp Huyền Diệp gả con gái cho người Mông Cổ không còn giống với ngày xưa.
Trước khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, mức sống giữa các quý tộc Mãn Mông không có khác biệt lớn, còn con gái của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và những người con gái đầu của Hoàng Thái Cực lại đều giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, tố chất cơ thể khá tốt. Sau khi tới vùng thảo nguyên Mông Cổ, họ đều không thấy quá lạ lẫm đối với môi trường ở đây. Nhưng con gái của Huyền Diệp lại không như vậy.
Tuy họ có những tố dưỡng văn hóa của Mãn Hán khá cao, nhưng thể chất lại tương đối yếu ớt, thêm vào đó là điều kiện sống quá tốt bên trong Tử Cấm Thành, khác biệt hoàn toàn so với môi trường sống khắc nghiệt ngoài thảo nguyên của tộc Mông Cổ. Những nhân tố này đã làm giảm đi khả năng thích ứng với môi trường mới của họ, khiến họ gặp khó khăn sau khi gả tới Mông Cổ, cả về thể chất lẫn tinh thần đều bị ảnh hưởng bất lợi.
Huyền Diệp (Khang Hi) là một vị vua nhân từ, ông đã sớm dự tính được sự khó khăn và gian khổ mà các con gái sẽ phải gặp sau khi gả tới Mông Cổ. Biện pháp tương ứng mà ông sử dụng là cố gắng kéo dài tuổi thành hôn của các con gái, để họ có thể chuẩn bị khả năng chịu đựng tương đối mạnh đối với mọi sự thay đổi sau khi kết hôn, xử lý mọi việc cũng biết tự ứng biến.Thế nên, tuổi kết hôn của 8 người con gái của Huyền Diệp là từ 18 tuổi tới 22 tuổi, trung bình là 19 tuổi, còn 7 người con gái của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, họ có tuổi thành hôn trung bình là 15 tuổi, con gái của Hoàng Thái Cực có tuổi thành hôn trung bình là 13 tuổi.
- Video: Ngắm sự kỳ vĩ và lộng lấy của Tử Cấm Thành từ trên cao. Nguồn: Sky Eye.