Vạch trần thủ đoạn chống phá nguy hiểm

Hiến pháp Việt Nam quy định rõ về quyền bình đẳng của các dân tộc, quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng giữa các dân tộc; quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển về mọi mặt; coi đây là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, các tổ chức chống phá, thù địch vẫn dùng mọi thủ đoạn để phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc tại Việt Nam với những chiêu trò, luận điệu xuyên tạc cũ rích về vấn đề tôn giáo, dân tộc.

Trong báo cáo Tôn giáo do Nhà nước kiểm soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam mới đây, với những ngôn từ "đao to búa lớn", Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) tiếp tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, cố tình "bôi đen" những thành tựu về bảo đảm tự do tôn giáo và phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Lễ cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an tại Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung được tổ chức đúng dịp Rằm Trung Thu (15/8 âm lịch) của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Lễ cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an tại Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung được tổ chức đúng dịp Rằm Trung Thu (15/8 âm lịch) của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

USCIRF đã phớt lờ một cách có chủ đích thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sôi động của người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước. Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo rất đa dạng với nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành ngày hội của cộng đồng dân cư như: Lễ Giáng sinh của Công giáo; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh thu hút nhiều tín đồ tham dự… Hiện nay, Việt Nam có hơn 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Sự tồn tại hài hòa, đoàn kết giữa các tín đồ, giáo dân, người không tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là minh chứng rõ nét về thành tựu của hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.

Những thành quả về bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, tạo nền tảng giúp quan hệ Việt Nam - Vatican nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện thường trú, Tòa thánh mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/2024, Tổng giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard đã đánh giá cao những thành tựu phát triển về mọi mặt của Việt Nam cũng như sự phát triển, đóng góp tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại London, nhà nghiên cứu chính trị-lịch sử Việt Nam, ông Kyril Whittaker, bày tỏ ấn tượng trước quy mô, vẻ đẹp và vai trò của các đền, chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và đền thờ Hồi giáo trong các cộng đồng ông từng đến thăm ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu người Anh nhấn mạnh minh chứng rõ nét của việc Việt Nam đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân là nhiều đền, chùa, nhà thờ và các cơ sở tín ngưỡng được xây dựng như một phần của các cộng đồng dân cư.

Ngoài vấn đề tôn giáo, một số tổ chức và đài phát thanh thiếu thiện chí với Việt Nam như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), RFA, VOA còn rêu rao rằng "Việt Nam phân biệt đối xử các nhóm dân tộc thiểu số" khi viện dẫn trường hợp của Y Quynh Bdap - đứng đầu tổ chức khủng bố "Người Thượng vì công lý", kẻ trực tiếp tuyển mộ, kích động và chỉ đạo thực hiện vụ khủng bố ngày 11/6/2023 tại tỉnh Đắk Lắk, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng này đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử vắng mặt và tuyên phạt 10 năm tù về tội khủng bố, Tòa án Hình sự Bangkok (Thái Lan) đã ra phán quyết sẽ dẫn độ đối tượng về Việt Nam. Dù quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng đã thu thập đầy đủ bằng chứng, căn cứ kết luận về tội ác của Y Quynh Bdap, song các thế lực thù địch vẫn "đổi trắng thay đen", rằng "chính quyền đàn áp người dân tộc thiểu số" hòng kích động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam. HRW, RFA, VOA đã phớt lờ một thực tế rằng ở bất kỳ quốc gia nào, tội phạm khủng bố đe dọa an ninh quốc gia, đe dọa đến an toàn, tính mạng của người khác, đều phải bị xử lý trước pháp luật.

Cần khẳng định rằng với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống của đồng bào thiểu số, xem đây là nguồn lực phát triển đất nước. Giai đoạn 2021 - 2025, lần đầu tiên, Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và và miền núi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, là quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo quyền phát triển cho đồng bào. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%. Đến nay, 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội các khóa, thể hiện vai trò của các dân tộc thiểu số trong cơ cấu hệ thống chính trị Việt Nam. Đây là những sự thực và thành tựu không gì có thể phủ nhận được.

Thực tế bức tranh phát triển hài hòa của các tôn giáo, dân tộc tại Việt Nam hiện nay đã vạch trần thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để gây hận thù, kích động chống phá nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước Việt Nam.

Đặng Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/vach-tran-thu-doan-chong-pha-nguy-hiem-20241210161635798.htm