VAFI đề xuất giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm
Ngày 22/6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Chính phủ và cơ quan ban ngành đề xuất giải pháp hạ dần lãi suất tiền đồng về mức 0%/năm. Để kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp, trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.
Theo VAFI, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm là rất cao so với các nước và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình. Trong khi các nước Âu - Mỹ, các nước Đông Âu đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2 - 5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay). Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2 - 0,7%/năm.
Lãi suất tiền gửi và cho vay tại Việt Nam vẫn còn rất cao do chưa có hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế, đồng thời cũng ngăn chặn được nó chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế. Do đó VAFI kiến nghị các giải pháp để đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. Các giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm. Để làm được việc này thì Bộ Tài chính cần sửa chính sách để bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu cho các đối tượng tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm góp phần hạ thấp lãi suất huy động. Ngân hàng Nhà nước cần rà soát luật hiện hành để đảm bảo người dân khi đầu tư vào trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành thì được bảo đảm tiền đầu tư như là tiền gửi tiết kiệm, cần thiết phải có chính sách bảo đảm này để hướng được dòng tiền nhàn rỗi vào kênh đầu tư dài hạn.
Khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ, VAFI cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô… Đồng thời kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hằng năm, loại bỏ các ngân hàng yếu kém…
Tuy nhiên, đề xuất này của Vifa gặp phải nhiều ý kiến phản biện, đơen cử như ý kiến của chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực phân tích như sau.
Thứ nhất, so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế như vậy là khập khiễng bởi lẽ mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực, trong mẫu so sánh (thí dụ, Việt nam xếp hạng BB theo S&P(Mỹ) trong khi đó của Indonesia, Philippine là BBB, Thái Lan (BBB+), Malaysia (A-), Trung Quốc (A+), Hàn Quốc (AA), Singapore (AAA)…v.v.
Theo quy luật kinh tế - tài chính, rủi ro cao thì lãi suất phải cao hơn (để bù đắp rủi ro đó). Vì thế, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đi vay vốn nước ngoài bằng USD trung hạn (1-5 năm), bên cho vay hoặc mua trái phiếu thường yêu cầu lãi suất USD từ 3-6%/năm, tùy thuộc vào thời hạn và mức độ rủi ro, tiềm năng của doanh nghiệp đó cũng như bản thân dự án đầu tư. Nên lưu ý rằng, khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như S&P, Moody’s) xếp hạng mỗi quốc gia hay doanh nghiệp tại quốc gia đó, họ đã tính đến hầu hết các tiêu chí mà Vafi đã nêu như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, hệ thống tài chính – ngân hàng, tiềm lực trả nợ… v.v.
Thứ hai, lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Năm 2020 chẳng hạn, CPI của Việt Nam là 3,2% trong khi toàn cầu là 2%, Trung Quốc 2,5% và ASEAN-4 là 1%. Năm nay, dự báo lạm phát của Việt Nam có thể khoảng 3,5%, trong khi toàn cầu khoảng 2,8%, Trung Quốc 1,8% và ASEAN-4 khoảng 2%. Chính vì vậy, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương, không bị "mất tiền" một cách vô hình. Đó cũng là tâm lý rất đời thường và hợp lý của người dân.
Thứ ba, giả sử chúng ta đưa được lãi suất tiền gửi VND là 0% trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng? trong khi có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Khi đó, hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Vậy thì, hệ thống tài chính – tín dụng có thể bị rối loạn và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, lấy đâu ra nguồn lực để tăng trưởng, để bảo đảm công ăn việc làm… v.v. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, dòng vốn tín dụng hiện nay chiếm khoảng gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, huy động qua thị trường chứng khoán (TTCK) khoảng gần 20%, còn lại là vốn FDI, đầu tư công và đầu tư tư nhân… v.v.
Thứ tư, lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân, doanh nghiệp sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… vừa rủi ro hơn lại vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Thực tế trong 5,5 tháng đầu năm nay đã diễn ra như vậy; tiền gửi ngân hàng chỉ tăng khoảng 3%, tín dụng tăng 5%, trong khi dòng tiền cá nhân đổ vào chứng khoán, bất động sản... cao hơn nhiều.
Thứ năm, giả sử dòng tiền đó chảy vào TTCK, như lập luận của Vafi, khi đó doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, do không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là tín chấp, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất khá cao (như hiện nay lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 10-12%/năm, thường cao hơn so với đi vay ngân hàng khoảng 1-3%/năm). Như vậy, liệu đây có phải là bài toán huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp? Chưa kể là, nếu doanh nghiệp đó chẳng may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào ngân hàng. Chưa kể, như trên chuyên gia có nêu cấu trúc huy động vốn, hiện nay huy động vốn của doanh nghiệp từ kênh TTCK vẫn chỉ chiếm khoảng 20%.
Trên các diễn đàn tài chính mạng xã hội, rất nhiều nhận định đây là chính sách “ trên giời” và “bất khả thi” tại thời điểm hiện nay.