Vài cảm nhận 'Về người ơi miền hư không' của Trần Tất Tiến
'Về người ơi miền hư không', là tập thơ thứ tư của Trần Tất Tiến. Anh chưa bao giờ coi mình là nhà thơ nhưng trong cả thi tập của mình ý thức và tâm niệm của một người viết chân chính luôn thường trực trăn trở trong những câu thơ là phần trách nhiệm cao cả với đời sống nhân sinh luôn thao thức. Suốt tập thơ là những cuộc đối thoại nội tâm dù trực ngôn hay ẩn ý, tạo nên sự ám ảnh trong người đọc.
Nghĩ về người làm thơ, về thơ lúc thấp thoáng ẩn hiện trong bóng dáng những bậc thơ lưu danh kim cổ như Nguyễn Du, Lý Bạch, lúc hiển hiện trong cuộc đối thoại với một nhà thơ gần gũi, giản dị mà hào sảng kiêu hãnh ngay bên cạnh mình. Có lúc Trần Tất Tiến dành cả bài, hoặc một phần bài thơ dài để bàn luận, gửi gắm tâm tư, ước vọng về cái cao đẹp mà thi ca đem đến cho đời cũng như cái khổ hạnh của người cầm bút.
Từ “Cái bóng” trong bài thơ cùng tên, Trần Tất Tiến đã dựng lên hai hình tượng lao động với hai loại hình đặc trưng đó là nhà nông và nhà thơ. Nhà nông sáng trưa chiều trên cánh đồng vào vụ, trên đất màu rơm rạ, theo luống cày lật ải với cái bóng lúc mảnh mai, khi tròn vo, lúc dài ngoẵng. Người nông dân nhìn bóng mình mà biết hạn định của công việc nhưng người thơ không thể là cái bóng chính họ. Nhà thơ, kẻ khất thực trên trang giấy, “sấp mặt kiếp đai đeo” để làm “chấm sao Khuê trên bầu trời màu trứng sáo” - một biểu tượng của văn chương, truyền khát khao cho em nhỏ. “Nhà thơ sợ cái bóng tròn vo đang sống của chính mình”. Không bao giờ thấy mình đã tròn đầy, hoàn hảo. Bài thơ hay nhất là bài thơ còn chưa viết ra. Hai hình tượng lao động không nhằm so sánh cao thấp mà nhằm nhấn mạnh khác biệt của người viết.
Ở bài “Con người hoan lạc” quan điểm của nhà thơ tỏ rõ cái khổ hạnh của người thơ. Người làm thơ không phải người thợ khéo tay, tác phẩm không thể là “đồ giả kim mạ vàng” không “ảo thuật ngôn từ”, “nhào lộn trí tuệ”, hóa trang che mắt hay lò luyện của tâm linh. Thơ phát ngôn tư tưởng người viết, biến mọi thứ trên đời thành ngôn từ: “Nhà thơ trút rỗng mình/ Ngồi trong tột đỉnh cô đơn/ Hoan lạc”. Đó là cái nhìn về con đường dấn thân đầy khắc nghiệt, cô đơn. Đơn độc cả khi giữa muôn khuôn mặt, lời nói. Hạnh phúc trong thiếu thốn để tạo ra “tinh huyết và phiêu linh”. Đó là cái nhìn khách quan và cũng nóng hổi cảm xúc về nghề tự nguyện làm “phu chữ”. Hạnh phúc của người viết là cảnh giới được tạo dựng bằng hành trình cô đơn, khắc khổ và cuốn hút, người có “mệnh” bị hút trong ma lực của nó và cảm nhận được niềm vui sướng trong cảnh giới đó. Trần Tất Tiến đã ngẫm ngợi sâu xa và bằng thể nghiệm cá nhân viết lên cảm nhận nhiều người mà không phải người viết cũng dễ nhận ra, viết ra và viết bằng hình tượng ám ảnh và thuyết phục.
Ở đối thoại khác như “Uống rượu cùng Lý Bạch” bằng tri âm cùng một hồn thơ bạo liệt phóng túng, vượt ra mọi ràng buộc "Đêm thu loáng bóng con thuyền/ Dang tay vớt ánh trăng huyền đây sông”. Để rồi: “Say say quên hết sự đời/ Cầm ngang ngọn gió đôi trời chia nhau”, người thơ khiêm nhường thú nhận Lý Bạch tửu lượng ba trăm chén mình chỉ ba chén, nhưng khí phách thi nhân xưa đã làm cho người nay cách mặt bao thời thế, không gian mà vẫn mong được uống rượu cùng.
Có lúc hình tượng nhà thơ lại hiện lên nhỏ bé đáng yêu như hồn “Hoa dại trong vườn”: Những màu hoa/ nhú trong kẽ đá/ Đẫm sương đêm nhưng thi sĩ đã hít hà, đặt lên bàn viết, trân trọng như bất kỳ loài hoa lộng lẫy nào. Chỉ vì trong hồn thi sĩ hoa là đẹp, hoa đều đẹp sắc hương riêng của chính nó.
Hoa cũng như mọi giá trị đời sống này, người thơ nếu biết nhìn tỏ tường vào giá trị của nó sẽ biết quý giá cái tinh túy của cây đời trong mỗi kết tinh hương sắc.
Quan điểm cho rằng nhà thơ là một người lao động trên cánh đồng chữ nghĩa khắc nghiệt, cô đơn và đầy khổ hạnh được nhắc lại, khắc đậm trong bài thơ dài như một tiểu trường ca, tên bài lấy cho tên tập thơ “Về người ơi miền hư không”. Bài thơ gồm 7 khúc, mỗi khúc đề cập đến một vấn đề về nhân sinh thế sự. Phần 5 của bài, Trần Tất Tiến đề cập đến “Giấc mơ của nhà thơ”. Đó là giấc mơ “làm cho con người được sống như trong mộng”. Chức năng của thơ phải đem đến cho người đọc cảm nhận trời cao, biển rộng quanh mình. Con người “Hạnh phúc ở nơi thái độ/ Không phải ở nơi phương tiện”. Thơ không đánh lừa người ta mà hướng người ta cảm nhận hạnh phúc.
Như vậy từ quan niệm về thơ, người làm thơ, Trần Tất Tiến đã nâng tầm thơ lên bậc mới. Thơ phải làm cho người ta biết khát khao cuộc sống, định giá và trân trọng giá trị cuộc đời này. Khi người ta biết yêu quý những bức họa, một bản nhạc phiêu linh, hàm ơn ân nghĩa trong hạt gạo, lắng nghe hơi thở chánh niệm mỗi ngày, lúc đó con người ta hạnh phúc. Theo nhà thơ, cảm nhận hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ, ý thức thụ hưởng giá trị của cuộc sống và điều đó cũng là nhiệm vụ của thơ, là công việc của nhà thơ.
Bàn về hạnh phúc và đưa ra quan điểm của mình về cảm nhận là một vấn đề nhân sinh thú vị và nhiều bàn luận, bằng chiêm nghiệm bản thân và quan niệm về giá trị, trong đó có thi ca, Trần Tất Tiến khẳng định thơ ca như một phần tất yếu của cuộc sống, can dự vào hạnh phúc của con người; nhà thơ phải tạo ra giá trị và gánh trách nhiệm to lớn của thi ca là vậy.
Khi chúng ta đang sống trong thời thơ nở mỗi ngày nhiều màu vẻ, người ta dùng thơ để giải trí, giao tiếp, giao duyên nơi nơi thì một bộ phận người viết vẫn trung thành với chức năng “phu chữ” nặng nhọc, khắc nghiệt và đầy hứng thú.
Bàn luận bằng thơ về điều này cũng là mạch cảm hứng lớn, nét đáng quý của tập thơ. Có thể ở một số bài thơ, Trần Tất Tiến chưa chủ định tu từ, tìm tòi sự mới mẻ về ý tứ, làm mới từ vựng, cho ta cái thú của cuộc chơi chữ với những bất ngờ thi vị nhưng trên cả thơ ông viết ra không dễ dãi, mỗi bài đều thể hiện tư tưởng rõ rệt và đáng trân trọng về tình yêu, thi ca, con người, vạn vật và quê hương, đất nước. Xuyên suốt trong sáng tác của Trần Tất Tiến là trái tim yêu thương trân trọng cuộc sống dưới cái nhìn thấu cảm và minh triết.