Vài nét văn hóa của dân tộc Mông
Cùng với 53 dân tộc anh em, đồng bào Mông luôn là một phần của sự thống nhất trong khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ảnh: Phan Trang
Dân tộc Mông có câu thành ngữ “Lửa cháy đến đâu người Mông theo đến đó” hay “Người chạy theo nương” để mô tả về cuộc sống du canh, du cư trước đây. Thế nhưng, chính đồng bào dân tộc Mông cũng đã đúc kết được nỗi gian truân, cực khổ của dân tộc mình qua câu: “Giàu di cư sẽ nghèo, giàu di cư sẽ chết” để cảnh tỉnh những ai “đứng núi này trông núi nọ”, tư tưởng du canh du cư. Phần lớn dân tộc Mông làm nương rẫy và trồng các loại cây lương thực, như: Ngô nếp, ngô tẻ trắng, lúa nương, lúa nếp cẩm; các loại bí và các loại đậu, đỗ; trồng cây lâu năm như táo mèo, đào mèo. Đặc biệt, các sản phẩm được làm từ cây táo mèo (cây sơn tra) đã có thương hiệu và bày bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm từ nông nghiệp nổi tiếng của người Mông là gạo mèo, gạo nếp cẩm, bánh dày, bánh mềm, rượu ngô, nổi tiếng như rượu Hang Chú, rau cải mèo... về chăn nuôi, bà con thường nuôi trâu cày, ngựa thồ, lợn vỗ béo, gà đen và hiện nay có một số vùng, đồng bào Mông hay nuôi gà tây, loại gà có thịt thơm ngon được du nhập từ nước ngoài. Một số vùng cao dồi dào nước nguồn như: 5 xã vùng cao của huyện Bắc Yên, đồng bào Mông khai hoang ruộng bậc thang để trồng lúa nước, định canh định cư, ổn định đời sống lâu dài.
Các bản người Mông trước đây chỉ có vài chục nóc nhà, nhưng hiện nay do gia tăng dân số nên đã có nhiều bản có từ vài chục cho đến hàng trăm nóc nhà. Nhà người Mông là loại nhà trệt, ba gian, hai chái, có từ 2 đến 3 cửa, gồm một cửa chính và hai cửa phụ. Hiện nay, đa số đồng bào Mông làm nhà kê, thưng ván, lợp ngói hoặc fibrôximăng, một số hộ đã làm nhà xây. Thực tế cho thấy hiện nay, những ngôi nhà mái tranh, vách nứa còn rất ít trong các bản người Mông của tỉnh Sơn La.
Vùng người Mông sinh sống thường có chợ phiên, như huyện Thuận Châu có chợ phiên Co Mạ, Mường Bám; chợ phiên Làng Chếu, mỗi một phiên chợ là dịp để bà con trong vùng đến bán các sản phẩm nông sản, vật nuôi tự làm ra, nuôi được và mua các đồ gia dụng đem về. Chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hóa, vừa là nơi thể hiện nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt văn hóa. Đặc biệt, ngày Tết Độc lập (mùng 1 và mùng 2 tháng 9 hàng năm), bà con người Mông các vùng miền đều tập trung về thị trấn Mộc Châu, Vân Hồ và trung tâm 6 xã vùng cao Co Mạ của huyện Thuận Châu trong không khí thật đông vui, nhộn nhịp. Chợ phiên cũng là nơi để các chàng trai, cô gái tìm hiểu, tỏ tình, e ấp trao cho nhau những kỷ vật mộc mạc và hò hẹn gặp lại trong chợ phiên sau.
Dân tộc Mông cũng như một số dân tộc ít người khác có tín ngưỡng đa thần theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Dòng họ người Mông nào cũng có tập tục thờ cúng tổ tiên và thờ những người đã khuất từ ba đời trở lại, thể hiện sự tỏ lòng thành kính với các bậc sinh thành, cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ để con cháu có cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc. Cùng với thờ cúng tổ tiên, dân tộc Mông còn tồn tại một hệ thống ma nhà với lễ thức cúng bái riêng biệt. Các dòng họ người Mông có cùng quan niệm: người cùng họ là những người anh em cùng tổ tiên, có thể chết và làm lễ tang trong nhà của nhau được nên phải giúp đỡ và cưu mang nhau, sống chết có nhau trong cuộc sống đời thường.
Dân tộc Mông cũng có nền văn hóa, văn nghệ phong phú, đặc biệt là văn học dân gian truyền miệng, có rất nhiều thể loại như: truyện thần thoại, truyện cổ tích, trong đó truyện cổ tích về Ông Bụt mà người Mông gọi là “Zơưs Sâuz” luôn cứu vớt những con người có mảnh đời éo le, gian khó và những anh hùng dân tộc chiếm khá nhiều. Người Mông thường say đắm dân ca của dân tộc mình, đó là tình ca, hát đối giao duyên trong những ngày lễ, tết, tiếng hát cưới xin người Mông gọi là “jax yôngz” trong đám cưới nhằm chúc phúc cho chàng rể và nàng dâu hạnh phúc bền lâu. Những bài hát dân ca không chỉ thể hiện bằng lời mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ dân tộc như: sáo, khèn, kèn lá, nhị và đàn môi.
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của mình. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, để văn hóa phát triển hòa nhập mà không bị hòa tan và không mất bản sắc riêng thì việc bảo tồn văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự tâm huyết, nghiên cứu, bền bỉ, lâu dài. Có như thế, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ mãi mãi trường tồn, gìn giữ và phát huy.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vai-net-van-hoa-cua-dan-toc-mong-24712