Vài suy ngẫm về những dãy đèn lồng trang trí trên đường phố

So với nhiều năm trước, cùng với cờ hoa rực rỡ sắc màu, Xuân Giáp Thìn 2024 còn xuất hiện những dãy đèn lồng ở một vài tuyến phố trên địa bàn Thành phố như phường Hợp Giang, phường Sông Hiến... Sự xuất hiện đèn lồng được xem như một hiện tượng văn hóa mới lạ chung vui tết, đón xuân. Thời gian thấm thoát 'thoi đưa', đến nay đã quá nửa năm, những dãy đèn lồng đã bạc màu vẫn còn đó như nhắc nhở chúng ta cảm nhận về nét văn hóa chính nó với nhiều trăn trở khác nhau của mỗi người, kể cả khách lữ hành đi qua.

Tôi thẫn thờ ngắm từng chiếc đèn lồng và đọc được dưới lớp bụi mờ dòng chữ bay bướm “Chúc mừng năm mới”, các bên đối xứng có hàng chữ tấn tài, tấn lộc, đúng là chiếc đèn xuất hiện để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng tết đã qua lâu rồi. Lẽ ra nó cũng được “thu xếp ổn thỏa” như cành đào, cây quất, bóng bay sau tết, tôi chợt lóe lên suy nghĩ chẳng hiểu có suy diễn quá không. Thực ra cứ mỗi năm tết đến, xuân về, bà con ai cũng có ý thức chăm chút nhà cửa, vệ sinh sạch sẽ trong nhà, ngoài ngõ, sắm câu đối đỏ, cây quất, cây đào, cây nêu (nay còn xuất hiện ở những bản làng nông thôn); trang điểm phố xá cờ hoa, đèn nhấp nháy lung linh “khoác tấm áo mới” lên cả cây to trước nhà... để làm tươi mới thị thành. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống, mang bản sắc các dân tộc Cao Bằng và nhằm phục vụ khách du lịch. Có lẽ, việc mua sắm đèn lồng để trang trí đường phố cũng không nằm ngoài mục đích đón xuân, cho mùa xuân thêm không khí rộn ràng, ấm cúng; thậm chí có người còn hào hứng cho rằng đó là sự sáng tạo mới.

Trên tuyến phố Xuân Trường, phường Hợp Giang đèn lồng vẫn được treo từ Tết Nguyên đán 2024.

Trên tuyến phố Xuân Trường, phường Hợp Giang đèn lồng vẫn được treo từ Tết Nguyên đán 2024.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nghiên cứu cho thấy loại đèn lồng bà con ta đang treo trên đường phố là nét đặc trưng văn hóa lâu đời của Trung Hoa. Bên đó, họ treo đèn lồng trước nhà, đường phố gần như quanh năm, không chỉ vào các ngày lễ, tết. Họ quan niệm rằng đèn lồng được coi là biểu tượng của sự ấm áp, đủ đầy, may mắn và chống được tà ma. Hầu như nhà nào, phố xá, làng bản nào bên đó cũng treo đèn lồng. Có người hỏi tôi rằng: Các dãy phố treo đèn lồng là đông người Hoa sinh sống phải không? nhiều phố xá không treo đèn lồng vì ở đó không có người Hoa? Còn một số du khách đến đây, họ cảm nhận như là một thị trấn nào đó ở bên kia biên giới. Khá nhiều người cho rằng việc treo đèn lồng tết không phù hợp với tập quán truyền thống văn hóa của địa phương chúng ta, còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều chưa được nhất quán, tường minh trong sự việc này.

Theo chúng tôi, việc trang trí đường phố là việc làm mang tính rộng rãi của toàn xã hội, là “bộ mặt” của thành phố, thị trấn, một việc làm rất cần thiết để “khoe” diện mạo chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đời sống của nhân dân trước bàn dân thiên hạ. Từ tượng đài, pa nô, áp phích, quảng cáo, khẩu hiệu, cờ, hoa, cây cảnh, cây bóng mát..., mỗi sản phẩm, tác phẩm, công trình đều phản ánh một góc nhìn của toàn bộ đời sống thành phố, thị trấn, hiện hữu trước bao người trong và ngoài tỉnh. Do đó, đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố, thị trấn phù hợp thời đại ngày nay gắn với phát triển du lịch. Vì vậy, việc trang trí đường phố phải dựa trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân tộc. Từng chi tiết loại hình đưa vào trang trí đường phố rất cần được xem xét thận trọng, lựa chọn thấu đáo, phù hợp với văn hóa bản địa và đảm bảo môi trường cảnh quan bền vững, lâu dài.

Mặt khác, mỗi khu phố đều có đặc điểm nổi trội riêng nên các tuyến đường đi qua khu phố cần được nghiên cứu tỉ mỉ để trang trí đường phố làm nổi bật đặc trưng văn hóa của khu phố ấy, tạo nên sự phong phú, đa dạng và sinh động toàn thành phố, thị trấn. Đảm bảo mỗi cung đường qua phố như một bông hoa tươi thắm trong vườn xuân thành phố, thị trấn. Mỗi lần trang trí phục vụ lễ, tết hay các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, kỷ niệm các ngày lễ lớn..., cần tổ chức nghiệm thu, tránh sai sót làm mất thời gian, công sức, kinh phí tu sửa lại trong khi đã ra mắt công chúng.

Những chiếc đèn lồng trang trí đã hỏng, phai màu theo thời gian mất mỹ quan đô thị.

Những chiếc đèn lồng trang trí đã hỏng, phai màu theo thời gian mất mỹ quan đô thị.

Một việc làm hệ trọng như vậy rất cần sự quản lý Nhà nước, định hướng và đề ra các tiêu chí làm đẹp đô thị văn minh, tạo nên sự nhất quán, hài hòa trong chỉ đạo thực hiện, đồng thời, cụ thể hóa thành quy hoạch, kế hoạch thực hiện. Làm tốt điều đó, chúng ta sẽ đảm bảo đường phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, đưa công tác quản lý đô thị thành nền nếp, hiệu quả. Tránh được tình trạng tự phát, trang trí lòe loẹt, rườm rà, phản cảm, thiếu chiều sâu văn hóa, gây nên ô nhiễm môi trường. Kể cả việc làm đó là nguồn kinh phí xã hội hóa của nhân dân cũng cần có sự vào cuộc hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Đèn lồng được trang trí ở một vài tuyến phố để đón xuân đã qua hơn nửa năm nay đều phai màu, bàng bạc, phủ trên đó lớp bụi thời gian, bụi đường, có chiếc đã hỏng và xẹp; giờ đây chúng lại làm mất mỹ quan đô thị, nên chăng cần được tháo gỡ sớm. Nếu không 5 tháng nữa lại đến Tết Nguyên đán 2025.

Lê Chí Thanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/vai-suy-ngam-ve-nhung-day-den-long-trang-tri-tren-duong-pho-3171166.html