Vài suy ngẫm về thơ nữ Ninh Bình nhân ngày 20/10

Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa trong đó có truyền thống thi ca. Từ ngàn xưa đã có nhiều danh nhân thi sỹ người Ninh Bình sáng tác thơ và để lại nhiều tác phẩm thi ca có giá trị. Có thể kể tên các tác giả như: Trương Hán Siêu, Vũ Phạm Khải, Ninh Tốn, Vũ Duy Thanh...

Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày thơ Việt Nam tại huyện Yên Mô năm 2020.

Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày thơ Việt Nam tại huyện Yên Mô năm 2020.

Nối tiếp mạch nguồn thi ca ấy, bước sang thời hiện đại, nhiều nhà thơ Ninh Bình đã không ngừng sáng tác, tạo ra nhiều thi phẩm có giá trị, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Trong sự nỗ lực chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của các nhà thơ nữ.

Thơ nữ Ninh Bình thời hiện đại tuy chưa tạo ra nhiều dấu ấn so với các nhà thơ khác phái, tuy nhiên qua thời gian, thơ nữ Ninh Bình cũng dần tập hợp được đội ngũ sáng tác tương đối đông đảo, như: Nguyễn Thị Bình, Phạm Tâm An, Diệu Thoa, Hoàn Nguyễn, Phạm Nga, Bùi Thị Nhài, Bùi Hồng, Cầm Thị Đào, An Thị Quế, Vũ Thiên Hà, Sơn Đỗ Quyên, Nguyễn Thị Liên...

Nhìn chung, phần lớn các tác giả thơ nữ Ninh Bình là các nhà thơ trẻ, do vậy độ dày của tác phẩm chưa nhiều, kinh nghiệm sáng tác cũng có hạn, tuy nhiên điều này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng các sáng tác, vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Có thể kể tên một số tác phẩm của các tác giả tiêu biểu như: Giọt thời gian, Chạm vào nỗi nhớ, Gót mềm vương cọng cỏ mê (Nguyễn Thị Bình); Con của đồng quê, Thơ tình cho người đến muộn, Cỏ phố (Phạm Tâm An); Cưới thơ (Hoàn Nguyễn); Trái tim kiêu hãnh (Cầm Thị Đào); Gió từ chân sóng (Diệu Thoa); Lời hoa (Bùi Thị Nhài)...

Mỗi tập thơ là một thế giới nghệ thuật riêng, một giọng điệu, cảm xúc riêng không hề trộn lẫn. Tác giả Hoàn Nguyễn, ngay từ tập thơ đầu tay "Cưới thơ" đã xác lập cho mình một giọng điệu, phong cách thơ rất riêng, giàu cá tính nghệ thuật. Thơ Hoàn Nguyễn là thơ của nỗi buồn, nỗi cơ đơn đến kiệt cùng trong trái tim rướm máu của một người phụ nữ. Mỗi bài thơ như một mảnh vỡ tâm hồn buốt sắc.

Nhà thơ Cầm Thị Đào lại kiếm tìm một lối đi riêng với giọng thơ vừa giàu tính triết luận, vừa đằm thắm, trữ tình và đậm đặc "thiên tính nữ". Cái hay trong thơ của nhà thơ họ Cầm là ở chỗ Cầm Thị Đào ít khi nói về những điều to tát. Thơ Đào tựa như những tự sự về thế giới riêng của những người phụ nữ. Ở đó những người đàn bà hiện lên với tất cả sự ngây thơ, cả tin, tốt bụng lẫn những sầu muộn, phiền phức. Và có lẽ chính vì điều ấy mà họ trở nên quyến rũ (hoặc vĩ đại) hơn chăng? Thơ Cầm Thị Đào sở dĩ hấp dẫn người đọc vì cô nói được nhiều về "thiên tính nữ" trong thơ.

Tác giả Phạm Nga lại hé lộ một thế giới khác trong tâm hồn người phụ nữ với rất nhiều thái cực. Có nỗi cô đơn, niềm kiêu hãnh và cả những âu lo, trăn trở của nỗi đời, phận người. Ở một góc khác, thơ của Diệu Thoa với những con chữ chở nặng nỗi niềm tâm sự. Mỗi bài thơ chị tựa như mỗi cơn sóng lòng cứ nối nhau dội lên những âm ba từ cuộc sống, hoài niệm, quá vãng...

Thơ là thế giới tâm hồn vi diệu của người làm thơ, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mỗi thi phẩm chính là một phần sự hiện thân, phần sâu kín nhất "những góc khuất tâm hồn"của những người phụ nữ. Qua thơ họ, những người đọc phần nào cảm nhận được các sắc thái tâm hồn vừa tinh tế, vừa phức tạp của những người phụ nữ.

Cuộc sống thường nhật vốn dĩ chiếm rất nhiều thời gian của nữ giới. Để thể hiện thiên chức của mình, phụ nữ đã phải chịu khuất lấp đi bởi rất nhiều những ràng buộc bởi cái gọi là nghĩa vụ, trách nhiệm. Chỉ khi đối diện với thơ, những người phụ nữ mới là chính họ, được là chính họ.

Vì thế dễ hiểu, vì sao các tác phẩm thơ của những nhà thơ nữ Ninh Bình ít nói nhiều đến chính trị, xã hội, đến luật pháp, dân chủ, lịch sử..., mà điều họ quan tâm là những gì liên quan thiết cốt đến chính họ.

Phần nhiều thơ của tác giả nữ là thơ về những xúc cảm cá nhân, những kỷ niệm, hồi ức, những âu lo, hy vọng về hạnh phúc, gia đình. Các nhà thơ nữ Ninh Bình thường thiên về cảm nhận hơn là luận giải về cuộc sống, thiên về cảm xúc hơn là lý tính. Có lẽ chính thiên tính nữ trong mỗi người đã quy định cách cảm, cách nghĩ, góc nhìn của mỗi nhà thơ về con người, cuộc đời.

Có một điểm đáng mừng là đội ngũ sáng tác thơ nữ Ninh Bình tuy chưa hẳn là đông nhưng chất lượng các sáng tác tương đối tốt. Sức viết, khả năng sáng tạo của những cây bút nữ Ninh Bình không hề thua kém so với mặt bằng chung của thơ nữ cả nước. Nhiều tác giả thơ nữ như Nguyễn Thị Bình, Tâm An, Hoàn Nguyễn, Cầm Thị Đào.., dù số lượng tác phẩm chưa nhiều nhưng bước đầu tạo dấu ấn phong cách thơ riêng, được nhiều bạn đọc ưa thích.

Nền thơ Ninh Bình, càng về sau càng có sự tham gia nhiều của các tác giả nữ trẻ với thế năng sáng tạo càng lớn, ý thức về nữ quyền càng sâu đậm. Điều này phản ánh sự tiến bộ của xã hội ngay trong đời sống tinh thần. Ở đó, những người phụ nữ, trong đó có những nhà thơ ngày càng ý thức sâu hơn vai trò của chính mình trong gia đình, xã hội, càng đòi hỏi nhiều hơn sự quan tâm của phần còn lại của thế giới đối với phụ nữ.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/vai-suy-ngam-ve-tho-nu-ninh-binh-nhan-ngay-20-10/d20211018154237425.htm