Vải thiều Việt Nam 'đi máy bay' sang khắp thế giới
Vải thiều Việt Nam có mặt rộng rãi tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, chinh phục những thị trường xuất khẩu khó tính nhất.
Năm nay, thị trường xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang, Hải Dương được xác định là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc)...
Đổ bộ Mỹ, châu Á, châu Âu
Tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết, ngày 20/6, lô hàng vải thiều tươi đầu vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang qua đường hàng không đã đến Houston (Mỹ). Ngay sau đó, vải thiều tươi Việt Nam được bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất ở Houston, Texas. Giá bán lẻ cho khách hàng là 14-15 USD mỗi pound (tương đương khoảng 780.000 đồng mỗi kg); hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5kg), tương đương 3,2 triệu đồng (640.000 đồng/kg).
Với chất lượng ngày càng cao, quy trình trồng vải theo hướng hữu cơ, vải thiều Việt Nam đã có mặt rộng khắp và chính phục cả những thị trường “khó tính” nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Năm nay thị trường xuất khẩu lớn nhất của vải thiều là Trung Quốc. Nhưng cùng với đó, các thị trường khác cũng rộng mở với loại quả đặc sản của Việt Nam. Hiện trái vải thiều chín sớm của huyện Tân Yên, Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 10 tấn; các nước EU, Úc, Trung Đông, Nhật Bản, Đông Nam Á ước đạt khoảng hơn 25 tấn.
Tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu lượng vải thiều tăng khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để có thể xuất khẩu, chinh phục những thị trường khó tính ngoài trồng theo tiêu chuẩn trái vải thiều chín sớm phải đạt nhiều cầu khắt khe.
Trước đó, ngày 9/6, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũng công bố vải thiều Thanh Hà xuất khẩu đi các nước: Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2023 là năm đầu tiên khoảng 20 tấn vải thiều Thanh Hà đã được đưa lên suất ăn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 60 nghìn tấn. Hơn 50% sản lượng sẽ phục vụ xuất khẩu. Trong đó, khoảng 10% xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia; còn lại xuất khẩu sang các thị trường truyền thống Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia.
Đột phá với vải không hạt
Ngoài vải thiều truyền thống, năm 2023 Việt Nam ghi nhận những thành công đột phá của giống vải không hạt, có chất lượng và sản lượng đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu.
Giữa tháng 6/2023, lần đầu tiên hơn một tấn vải thiều không hạt được trồng tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Anh. Trong đó, 500 kg được xuất sang Nhật Bản, 600 kg còn lại xuất sang Anh.
Tại thị trường Nhật Bản, vải thiều không hạt đang được bán với giá 4.500-5.000 yen/kg, tương đương 750.000-840.000 đồng/kg.
Giống vải này được công ty trên phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo, trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, một đơn vị phân phối sản phẩm vải thiều không hạt khác của Tập đoàn Hồ Gươm cũng đã xuất khẩu lô hàng hơn 100 kg từ Việt Nam đến Nhật Bản thông qua Công ty CP The Domino (Tokyo) để phân phối ở một siêu thị châu Á tại Nhật Bản.
Tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đang bán vải không hạt với mức giá 250.000-800.000 đồng một hộp tùy loại và trọng lượng. Trong đó, hộp đặc biệt giá 800.000 đồng loại một kg, hộp 2 kg giá 550.000 đồng; hộp một kg giá 280.000 đồng.
Riêng loại 800.000 đồng một kg là những trái vải được tuyển chọn từ các nông trại trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, tỷ lệ đường thấp, chứa đường đơn nên phù hợp cho người tiểu đường ăn kiêng, vi lượng gấp 3 lần vải bình thường.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/vai-thieu-viet-nam-di-may-bay-sang-khap-the-gioi-ar801550.html