Vải thiều Việt vào mùa: ngọt lành từ vườn nhà ra thế giới

Thời điểm này, các vùng vải Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang) đang bước vào vụ thu hoạch. Những vườn vải sai trĩu cành, báo hiệu một mùa thu hoạch bội thu. Người dân, doanh nghiệp (DN), chính quyền đều đã sẵn sàng cho hành trình tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều năm 2025.

Vải thiều được mùa, chất lượng cao nhất từ trước đến nay

Lục Ngạn (Bắc Giang) là thủ phủ vải thiều của cả nước. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang, năm 2025, toàn tỉnh duy trì ổn định diện tích vải thiều với 29.700ha. Thời gian thu hoạch vải sớm sẽ diễn ra từ ngày 20/5 - 15/6, trong khi vải chính vụ bắt đầu từ 10/6 kéo dài đến 20/7. Sản lượng năm 2025 dự kiến đạt 165.000 tấn, trong đó, diện tích vải sớm 8.000ha, chiếm 27%, sản lượng hơn 60.600 tấn; vải chính vụ 21.700ha, chiếm 73%, sản lượng hơn 104.000 tấn.

Vải chín sớm đầu mùa của Bắc Giang có giá bán từ 40.000 - 80.000 đồng/kg tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải Vân

Vải chín sớm đầu mùa của Bắc Giang có giá bán từ 40.000 - 80.000 đồng/kg tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải Vân

UBND huyện Lục Ngạn đã làm việc với các DN xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Toàn huyện hiện có hơn 400 mã số vùng trồng đã được cấp cho mục đích xuất khẩu, cùng hơn 300 cơ sở sơ chế và đóng gói đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quốc tế.

Năm 2025, Lục Ngạn dự kiến xuất khẩu 43.300 tấn vải thiều, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn (90%). Đáng chú ý, huyện đã chủ động tiếp cận và duy trì các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Mỹ. Sản phẩm vải thiều tươi và sấy khô được xuất khẩu thông qua cả đường chính ngạch và các đối tác logistics lớn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết: "Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay cao hơn năm trước và có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay. Hiện tại, tỉnh có 16.000ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204ha đạt GlobalGAP và 10ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Giá trị sản xuất vải thiều năm 2025 được kỳ vọng đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.”

Tại tỉnh Hải Dương, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương, năm 2025, toàn tỉnh có 2.850ha vải thu hoạch sớm, 5.850ha vải thiều thu hoạch chính vụ. Địa phương này có 12 vùng được chứng nhận GlobalGAP và 56 vùng đạt chứng nhận VietGAP, với diện tích 721ha. Hải Dương cũng đã được cấp 198 mã số vùng trồng vải để phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Sản lượng vải thiều năm nay đạt khoảng 60.000 tấn, trong đó, vải sớm 32.500 tấn và vải chính vụ khoảng 27.500 tấn. Riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 38.000 tấn (vải sớm 28.000 tấn, vải chính vụ 10.000 tấn).

Chủ động xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường

Niên vụ vải 2025, bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, Bắc Giang chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan và Canada. Sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả vải tươi và vải chế biến, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị gia tăng.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đang tích cực đổi mới phương thức tiêu thụ vải thiều bằng cách kết hợp giữa hình thức bán hàng truyền thống và thương mại điện tử. Sản phẩm vải thiều đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, đồng thời được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như: TikTok, Facebook, Zalo và YouTube. Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ đầu mối cũng được khuyến khích mở rộng mạng lưới thu mua và ưu tiên phân phối vải thiều, nhằm đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm tươi ngon nhất.

Ngày 30/5 tới đây, UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà nhằm tăng cường kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc sản vải thiều tại thị trường trong nước và quốc tế. Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 60 đại biểu nước ngoài tại 20 điểm cầu, 150 đại biểu từ tỉnh Hải Dương, cùng 70 đại diện các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh, các sàn thương mại điện tử, hợp tác xã và cơ sở sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Vải Thanh Hà (Hải Dương) xuất khẩu được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa

Vải Thanh Hà (Hải Dương) xuất khẩu được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhận định, đối với cây vải thiều, việc thu hoạch có tính chất mùa vụ rất cao, thời gian rất ngắn chỉ từ 1 - 2 tháng và sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là quả vải tươi. Vì vậy, để đảm bảo về thị trường cũng như giá cả ổn định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động phối hợp cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể từ sớm, đặc biệt là các hoạt động trong chính vụ như thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện hạ tầng thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, đặc biệt là bảo quản quả vải tươi nhằm giảm áp lực vào thời điểm chính vụ. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng và nhân lực trong việc kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho quả vải tươi, nhằm chuẩn bị cho việc xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với chuyên gia của các nước nhập khẩu, các cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu để tiến hành các hoạt động tiền kiểm, cũng như mở luồng xanh cho mặt hàng trái vải xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, niên vụ vải thiều năm 2025 trúng mùa với sản lượng dự kiến 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024 nhờ thời tiết thuận lợi và kiểm soát tốt sâu bệnh. Thời gian thu hoạch vải thiều ngắn từ 20/5 – 25/7, chia thành 2 giai đoạn: vải sớm (20/5 - 10/6) và vải chính vụ (10/6 - 25/7).

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vai-thieu-viet-vao-mua-ngot-lanh-tu-vuon-nha-ra-the-gioi.717030.html