Vai trò cây cao bóng cả trong gia đình Việt
Người già là cây cao bóng cả, chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Ảnh: THIÊN LÝ
Người cao tuổi là cây cao bóng cả, người giữ kỷ cương, nếp sống trong gia đình, góp phần hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con trẻ; từ đó bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của gia đình Việt.
Trong mỗi gia đình, người cao tuổi là tài sản quý giá, lực lượng quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội, có những tác động trực tiếp, quyết định sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu.
Phát huy vai trò nêu gương
Bà Hoàng Thị Sâm ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) năm nay đã ngoài 60 tuổi, cả cuộc đời bà là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Đó là niềm kính yêu, biết ơn bậc sinh thành. Cả khi chồng còn sống hay lúc đã mất, bà luôn kính trọng và dành tình yêu thương hết mực cho hai bên nội, ngoại. Trong ứng xử với bạn bè, chòm xóm, bà luôn kết giao vui vẻ, chan hòa, chân tình. Đặc biệt, bà biết cách đối diện với nỗi buồn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bà cũng tự tìm cho mình suy nghĩ tích cực nhất.
Bà Sâm chia sẻ: “Là người lớn trong gia đình, tôi luôn tự nhủ bản thân phải sống mẫu mực để dạy dỗ con cháu trong nhà, nhất là trong cách đối nhân xử thế. Trong đó, sự yêu thương, chia sẻ, tha thứ, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau là điều mà tôi luôn nhắc nhở con cháu. Với tôi, “nhân vô thập toàn”, đã là con người không ai không thiếu sót nên cần phải sống với những người thân yêu của mình và mọi người xung quanh bằng một tấm lòng rộng mở, bao dung”.
Cùng quan điểm nguời cao tuổi có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách con cháu, bà Trần Thị Trúc ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) cho rằng: Trong gia đình, ông bà là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với con cháu, họ là người từng trải trong cuộc sống, có kinh nghiệm thực tế và suốt đời hy sinh vì hạnh phúc của con cháu nên lúc nào, vợ chồng bà Trúc cũng luôn quan tâm con cháu, phát huy và giữ gìn truyền thống gia đình.
Bà Trúc cho hay: “Vợ chồng tôi luôn dạy con cháu phải yêu thương, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi. Mỗi thành viên trong gia đình tôi đều chung tay góp sức xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong cuộc sống, chúng tôi luôn tôn trọng, bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ và thông cảm cho nhau, biết nhường nhịn và giữ hòa khí. Đây chính là điều mà bậc làm cha làm mẹ, ông bà như chúng tôi có thể làm để vun đắp, bồi dưỡng, giáo dục lối sống, đạo đức cho con cháu mình”.
Chỗ dựa tinh thần cho con cháu
Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành, tôn trọng là tiêu chí ứng xử đầu tiên. Đây là tiêu chí có nhiều khía cạnh và có những nội dung sâu sắc. Đặc biệt, tôn trọng về tuổi tác: kính già - yêu trẻ; đi hỏi già về hỏi trẻ. Người già là cây cao bóng cả được mọi người tôn kính, được tin yêu, được nghe lời, được chăm sóc tốt nhất từ miếng ăn đến giấc ngủ và sự dưỡng lão cần thiết, tốt nhất trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thiếu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ: “Hạnh phúc không đến từ những điều quá lớn lao. Vợ chồng tôi thường bảo nhau phải biết kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình; thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống... thì gia đình mới thật sự gắn kết và yêu thương nhau”.
Theo ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), truyền thống văn hóa Việt Nam luôn tồn tại hình thức truyền thụ, giáo dục về các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong mỗi gia đình. Rất nhiều câu thành ngữ đúc kết quá trình giáo dục về cách ứng xử: Ăn xem nồi, ngồi xem hướng; Học ăn, học nói, học gói, học mở; Giấy rách phải giữ lấy lề; Lời chào cao hơn mâm cỗ; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ nguồn... được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không ai khác, người cao tuổi trong mỗi gia đình bằng những trải nghiệm, thu nhận, rèn luyện của mình sẽ trao truyền cho con cháu những bài học cụ thể nhất, sinh động nhất, phù hợp với những chuẩn mực của gia đình và xã hội. Từ đó hình thành nên văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa xã hội.
Trong thời kỳ hội nhập, người cao tuổi trong gia đình sẽ là người chọn lọc, truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời sẽ định hướng cho các thế hệ con cháu biết lựa chọn những nét văn hóa tiến bộ của nhân loại để phát triển văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Nhờ đó mới hình thành nên một nếp sống lành mạnh, xã hội văn minh vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. “Qua đó một lần nữa cho thấy, vai trò quan trọng của gia đình trong việc nuôi dưỡng, hình thành nên các giá trị đạo đức tốt đẹp, giúp con người trưởng thành về nhân cách, đạo đức, lối sống. Trong đó, người cao tuổi chiếm một vị trí hết sức quan trọng khi là cây cao bóng cả, người giữ kỷ cương, nếp sống trong nhà, chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Bởi nhờ ông bà, cha mẹ mà con cháu được giáo dục toàn diện hơn về lối sống, đạo đức, kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế”, ThS Hoa Hữu Vân nhìn nhận.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/303428/vai-tro-cay-cao-bong-ca-trong-gia-dinh-viet.html