Vai trò chiến lược của Hàn Quốc và New Zealand ở Nam Thái Bình Dương
Seoul và Wellington có hành động muộn màng hơn các nước khác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng giờ đây, họ đang có cơ hội thể hiện quyền lực của các cường quốc tầm trung trong khu vực, theo The Diplomat.
Trong bối cảnh địa chính trị năng động của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò của các cường quốc tầm trung đã nổi lên như một yếu tố then chốt trong việc hình thành cán cân quyền lực và ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực.
Vai trò mới của Hàn Quốc và New Zealand
Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hai cường quốc bậc trung như Hàn Quốc và New Zealand nhận thấy mình đang ở ngã ba đường trong việc định hình quỹ đạo tương lai của khu vực. Tháng 12/2022, Hàn Quốc mới công bố văn bản "Chiến lược cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng" còn New Zealand chỉ đưa ra một văn bản chiến lược chung có tên "Điều hướng một thế giới đang chuyển đổi" vào tháng 7 năm nay.
So với các nước như Nhật Bản (bên đầu tiên đưa ra khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở) hay như Australia và Ấn Độ đã nhanh chóng triển khai các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính thức, thì các bước đi của Hàn Quốc và New Zealand dường như chậm hơn.
Trong bối cảnh các nước lớn đang cạnh tranh gay gắt ở nhiều khu vực, trong đó có Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì cả Hàn Quốc và New Zealand, hai quốc gia phụ thuộc vào thương mại, đều được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thời hậu chiến, đang nhận ra rằng việc thay đổi trật tự hiện tại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia của mỗi nước. Lúc này, cả Seoul và Wellington đều nhận thức rõ ràng rằng họ phải gánh vác vai trò của mình trong các vấn đề khu vực.
Tận dụng sức mạnh kinh tế, tiến bộ công nghệ và vị trí địa lý chiến lược, Hàn Quốc đã nổi lên như một nhân tố quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách giữa các cường quốc lớn và các quốc gia nhỏ hơn. Là một quốc gia có nền kinh tế phát triển dựa vào xuất khẩu và có năng lực công nghệ toàn cầu, Hàn Quốc tích cực tham gia vào mạng lưới đổi mới và hội nhập kinh tế, góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định của khu vực.
Quan tâm đến an ninh khu vực, các mối quan hệ đối tác và liên minh chiến lược của Hàn Quốc đã nâng cao ảnh hưởng của nước này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều mặt của Seoul bao gồm một loạt yếu tố, như không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, hợp tác phát triển, biến đổi khí hậu, an ninh toàn diện, an ninh kinh tế và thúc đẩy pháp quyền cũng nhằm mục đích củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của nước này.
Mặc dù có sức ảnh hưởng nhỏ hơn nhưng sự quan tâm của New Zealand vào các giá trị dân chủ, nhân quyền và môi trường cũng phù hợp với các ưu tiên đang phát triển của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Là một quốc gia có lịch sử tham gia mạnh mẽ vào các tổ chức đa phương, New Zealand đóng góp tích cực vào các cuộc thảo luận của khu vực về biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và hợp tác kinh tế. Cách tiếp cận ngoại giao của nước này, thường được đánh dấu bằng sự sẵn sàng hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, cũng định vị New Zealand là một bên đối thoại đáng tin cậy giữa các cường quốc lớn hơn và các quốc gia nhỏ hơn, thúc đẩy môi trường hợp tác và chia sẻ trách nhiệm.
Vai trò của New Zealand ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đang vượt ra ngoài các mối quan ngại an ninh truyền thống và mở rộng tới sự phát triển bền vững và trao đổi văn hóa. Với trọng tâm thúc đẩy quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương, New Zealand đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng phục hồi của khu vực trước những thách thức môi trường và sự chênh lệch về kinh tế xã hội. Thông qua các chương trình viện trợ và sáng kiến phát triển, New Zealand củng cố cam kết của mình đối với sự tăng trưởng công bằng và ổn định trong khu vực.
Hợp tác Hàn Quốc - New Zealand mang lại hiệu quả mới
Bất chấp khoảng cách địa lý, sự khác biệt về quy mô và năng lực kinh tế, Hàn Quốc và New Zealand là những đối tác tự nhiên trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, đặc biệt là ở Nam Thái Bình Dương. Nam Thái Bình Dương đang nổi lên như một khu vực mới diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cung cấp viện trợ và đầu tư phát triển với mong muốn thể hiện mình là đối tác tốt nhất của các quốc đảo Thái Bình Dương (PIC). Tuy nhiên, đằng sau hành động của hai siêu cường này chủ yếu là những lo ngại về quốc phòng và an ninh. Lúc này, các cường quốc tầm trung như Hàn Quốc và New Zealand có thể hợp tác để đưa ra các lựa chọn khác cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.
Chính tại khu vực Nam Thái Bình Dương, New Zealand và Hàn Quốc có thể hợp tác và cùng nhau tạo ra các tác động lớn hơn. Sự hội tụ trong các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc và New Zealand là rất đáng kể khi cả hai nước đều có cam kết chung về hợp tác, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực. Cả hai quốc gia đều thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác kinh tế và quan hệ thương mại trong khu vực. Sự tập trung của Hàn Quốc vào quan hệ đối tác kinh tế và hợp tác công nghệ sẽcộng hưởng với sự chú trọng của New Zealand vào tăng trưởng kinh tế, khả năng phục hồi và hợp tác phát triển, đặc biệt là ở Thái Bình Dương.
Một lĩnh vực hội tụ rõ rệt nằm ở cam kết chung của họ về giảm thiểu biến đổi khí hậu và bền vững môi trường. Lập trường chủ động của New Zealand về hành động vì khí hậu sẽ bổ sung cho sự tham gia của Hàn Quốc trong các sáng kiến bảo vệ môi trường và năng lượng sạch. Cả hai quốc gia đều thừa nhận sự dễ bị tổn thương của các quốc đảo Thái Bình Dương trước tác động của khí hậu và mong muốn hợp tác giải quyết những thách thức này. Những nỗ lực của họ trong lĩnh vực này phản ánh khát vọng chung nhằm xây dựng khả năng phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng xanh và giải quyết các mối quan ngại về môi trường toàn cầu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.