Vai trò của Báo Hànôịmới trong thông tin, tuyên truyền thu hút, thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Ngày 18-10, tại Bắc Giang đã diễn ra Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 29 với chủ đề 'Báo Đảng tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế'.

Báo Hànôịmới xin giới thiệu bài phát biểu của Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Nguyễn Minh Đức tại hội thảo.

Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Phương

Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Phương

Kính thưa đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Từ năm 1989 đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hút được 7.495 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 55,73 tỷ USD. Cùng thời gian trên, số vốn FDI đã giải ngân đạt khoảng 29,7 tỷ USD, bằng 53,2% vốn đầu tư đăng ký. Riêng 8 tháng năm 2024, Hà Nội thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI, chiếm khoảng 18,24% số dự án và 8,9% tổng vốn đăng ký.

Đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Hà Nội. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 13,16 tỷ USD (chiếm 23,63% tổng vốn đăng ký) với 1.532 dự án; Singapore đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 11,95 tỷ USD (chiếm 21,37%); Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 9,62 tỷ USD (chiếm 17,27%).

Khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị của mình. Khu vực này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Qua thời gian, các dự án FDI cũng tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước; nhất là trao đổi, chuyển giao công nghệ cho đối tác trên địa bàn.

Sự xuất hiện của khối doanh nghiệp FDI cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực, làm động lực cho doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tác động mạnh tới sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành của các lĩnh vực: Công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp.

Để có những kết quả trên, thành phố Hà Nội thường xuyên duy trì được sức hút, tỏ rõ tiềm năng trong mắt giới đầu tư, nhất là những lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng với sự cải thiện, nâng cấp nhanh chóng về số lượng công trình giao thông.

Đặc biệt, lãnh đạo thành phố luôn cam kết đồng hành, chia sẻ với nhà đầu tư. UBND thành phố đã tổ chức các cuộc gặp, đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư, qua đó nắm tình hình thực tiễn, nhận diện khó khăn, vướng mắc để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ. Các sở, ngành, địa phương đều nghiên cứu phương án, lập kế hoạch và có chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ của mình để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của thành phố.

Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là lấy doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mục tiêu phục vụ, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của Hà Nội. Những cải cách đích thực thể hiện qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp nhà đầu tư tiết giảm thời gian, chi phí liên quan đã và đang phát huy hiệu quả, đưa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của dòng vốn quốc tế.

Hà Nội với vai trò đầu tàu, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc luôn có vị trí dẫn dắt, là trung tâm kinh tế, hợp tác phát triển cũng như hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng trong sự nghiệp phát triển kinh tế nói chung. Trong đó, các hoạt động kinh tế quan trọng, có tính liên vùng và ảnh hưởng sâu sắc tới kết quả tăng trưởng kinh tế của toàn vùng như thương mại nội vùng, hợp tác tài chính - ngân hàng, tiêu dùng nội địa, sản xuất công nghiệp, du lịch… đang ngày càng diễn ra sâu rộng hơn. Hoạt động trao đổi giữa các địa phương về công nghệ, đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực… cũng gia tăng theo thời gian. Tất cả dựa trên quan điểm cởi mở, thiết thực và cùng phát triển, hướng tới tương lai thịnh vượng của cả vùng cũng như đối với mỗi địa phương của vùng.

Lãnh đạo Báo Hànôịmới, Báo Bắc Giang, Báo Vĩnh Phúc đồng chủ trì, điều hành Hội thảo. Ảnh: Ngọc Thủy

Lãnh đạo Báo Hànôịmới, Báo Bắc Giang, Báo Vĩnh Phúc đồng chủ trì, điều hành Hội thảo. Ảnh: Ngọc Thủy

Là cơ quan ngôn luận của Thành ủy, tiếng nói Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Báo Hànôịmới luôn tiên phong đi đầu tuyên truyền các đường lối của Đảng, chủ trương của thành phố. Đối với lĩnh vực kinh tế nói chung và thu hút đầu tư nói riêng, Báo đã mở các chuyên trang, chuyên mục trên tất cả các ấn phẩm điện tử, báo in hằng ngày, cuối tuần và Hà Nội ngày nay.

Trong đó, các chủ đề kinh tế, với những lĩnh vực, hoạt động liên quan rất đa dạng, như đầu tư, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bất động sản, thương mại, chuyển đổi số, tài nguyên - môi trường đến các vấn đề về doanh nghiệp… trên bình diện cả nước và của thành phố đều được quan tâm, phản ánh đầy đủ trên các ấn phẩm của Hànôịmới.

Báo Hànôịmới thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung các luật liên quan đến doanh nghiệp và kinh tế nói chung, như Luật Đầu tư, Chứng khoán, Thuế… cùng các văn bản pháp quy, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, các hướng dẫn thi hành luật… để phục vụ doanh nghiệp. Việc cải cách hành chính trên địa bàn, từ cấp thành phố đến quận, huyện cũng được cập nhật liên tục trên các ấn phẩm, sẵn sàng cung cấp thông tin đến bạn đọc ở trong và ngoài Thủ đô.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng trên địa bàn, Báo Hànôịmới cũng theo dõi, cập nhật diễn biến, tiến độ các công trình, dự án hạ tầng như đường, thông tin, nhất là tiến độ triển khai các khu - cụm công nghiệp. Qua đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tự tham khảo, sàng lọc những thông tin cần thiết, xác định những yếu tố thuận lợi hay phù hợp trước khi quyết định đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất. Đây là điểm mạnh của Thủ đô và công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực vào việc lấp đầy hầu hết các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn.

Đặc biệt, Báo Hànôịmới luôn kịp thời phát hiện, cổ vũ những bài học, nhân tố mới, cách ứng xử khoa học và văn minh của cơ quan chức năng hoặc cán bộ, viên chức khi làm nhiệm vụ giải quyết công việc với doanh nghiệp và người dân. Trong đó nhấn mạnh thái độ ứng xử, khả năng tương tác với sự chủ động, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ. Một số mô hình, cách làm hay đã được ghi nhận, tuyên truyền để rút kinh nghiệm và nhân lên như: Các cuộc gặp, đối thoại giữa UBND thành phố với cộng đồng doanh nghiệp; trao đổi, giải đáp khúc mắc, cách thực thi quy định chuyên ngành giữa cơ quan Hải quan, Thuế… với doanh nghiệp, thiết lập Bàn cung cấp thông tin - tiếp nhận và giải đáp câu hỏi của doanh nghiệp ở văn phòng các sở chuyên ngành,…

Hànôịmới là đơn vị báo chí chủ công trong tuyên truyền các định hướng lớn về kinh tế, gồm cả mở rộng và thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Thủ đô với đối tác trong và ngoài nước; trong đó chú trọng nội dung quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng to lớn của Hà Nội trong mắt giới đầu tư quốc tế; tạo sức hấp dẫn, đẩy mạnh thu vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” là sự kiện thường niên, có tầm vóc, quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô, được xác định là điểm nhấn, tập trung tuyên truyền sâu đậm và toàn diện, với thời lượng lớn luôn được bạn đọc tìm xem, đón nhận. Nhờ đó, giới đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn về tiềm năng, lợi thế cũng như bản sắc đặc biệt của Hà Nội, có tác dụng kích đẩy nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Được biết, mô hình sự kiện này đã trở thành một “đặc sản” của Hà Nội, được một số tỉnh bạn quan tâm, tham khảo. Như vậy, vai trò đầu tàu, khả năng vận động, tạo sức lan tỏa của Hà Nội đã và đang được thể hiện rõ nét, ngày càng gần gũi với cộng đồng các tỉnh, thành phố phía Bắc…

Bên cạnh đó, Hànôịmới cũng quan sát, nêu ý kiến phản biện, đề xuất từ phía doanh nghiệp với cơ quan công quyền, nhắm tới sự nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá khách quan trước những hạn chế, tồn tại để “gạn đục khơi trong” trong quá trình phục vụ doanh nghiệp. Thông qua các bài báo, chúng tôi thu thập, phản ánh vấn đề, nguyện vọng của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn với lãnh đạo thành phố. Trong đó, có những vấn đề rất quan trọng, liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của doanh nghiệp, như đất đai, điện, hạ tầng, thủ tục hành chính, quy định mới, thủ tục về thuế…

Báo Hànôịmới đã từng nêu rõ quan điểm, phản ánh ý kiến góp ý của doanh nghiệp trước một số trường hợp thờ ơ, thiếu quan tâm của cán bộ trong tiếp xúc, giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Trong trường hợp này, chúng tôi đã “nói hộ” ý kiến của doanh nghiệp: “Trong tình huống đặc biệt, một doanh nghiệp có thể thất bại, buộc phải rút lui khỏi thị trường khi bị đối xử thờ ơ, thiếu nhiệt tình hoặc vô cảm từ phía cán bộ của cơ quan chức năng”. Một ví dụ tưởng như “vụn vặt” ấy nhưng lại là sinh tử đối với doanh nghiệp, có thể giúp doanh nghiệp tồn tại…

Kinh nghiệm tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hànôịmới đa dạng và dễ hiểu đối với bạn đọc dù đó là công chức, nhà quản lý, doanh nghiệp hay người dân. Hànôịmới là nhật báo, xuất bản hằng ngày nên tính thời sự và cập nhật sự kiện rất cao, đòi hỏi sự vào cuộc nhanh nhạy của cả bộ máy, từ tòa soạn đến từng phóng viên, biên tập viên. Đặc biệt, việc làm báo hiện đại được quan tâm, đầu tư xứng đáng về công sức, trí tuệ. Hànôịmới đã có thêm clip, video phóng sự, phục vụ các sự kiện quan trọng hoặc phản ánh vấn đề nóng của xã hội. Chúng tôi cũng chủ động làm thực hiện các thể loại đồ họa, multimedia, infographic, hình ảnh minh chứng số liệu, thể hiện các con số kinh tế một cách sinh động, dễ tiếp thu với bạn đọc. Từ đó, đưa đến bạn đọc một góc nhìn thân thiện và hấp dẫn hơn, giảm bớt sự nặng nề so với sự thể hiện qua ngôn ngữ báo viết truyền thống, được bạn đọc đồng thuận, ghi nhận.

Gần đây, Báo Hànôịmới tiếp tục tăng cường tổ chức tọa đàm giữa doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý, nhằm mở ra diễn đàn để các bên trao đổi, tương tác. Và điều quan trọng hơn cả là từ thực tiễn triển khai có thể rút ra bài học, kiến nghị giải pháp thúc đẩy hơn nữa môi trường trường kinh doanh thông thoáng, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho thành phố.

Ngoài ra, Báo cũng chủ động gặp gỡ, phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo bạn nhằm trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm bên cạnh việc tổ chức một số khóa học nâng cao kiến thức và phổ cập cách làm báo hiện đại; trong đó nhấn mạnh vào những nội dung gắn liền ứng dụng kỹ thuật số, gia tăng kết nối nội bộ, thực hiện liên thông, giảm bớt các công đoạn bất hợp lý, tăng cường sử dụng các biểu đồ, đồ họa...

Việc đa dạng hóa, cập nhật cách làm báo hiện đại chính là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tập trung vào nội dung cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Hà Nội.

Hànôịmới

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vai-tro-cua-bao-hanoimoi-trong-thong-tin-tuyen-truyen-thu-hut-thuc-day-dau-tu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thu-do-681788.html