Vai trò của cán bộ tinh thông nghiệp vụ trong việc mở rộng địa bàn vay vốn ở Tĩnh Gia
Nhằm thực hiện tốt sứ mệnh của mình, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã, đang đẩy mạnh hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng, cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính thân thiện, hiệu quả tới các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ tại Thanh Hóa, nhất là các đối tượng là phụ nữ và hộ gia đình chính sách.
Gia đình chị Tình ở thị trấn Tĩnh Gia vay vốn tài chính vi mô phát triển nghề tranh kính trang trí.
Từ tháng 5-2015, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tĩnh Gia với 15 cán bộ tinh thông nghiệp vụ. Chỉ sau 5 năm triển khai tại huyện Tĩnh Gia, tổng số khách hàng được vay vốn là 3.000, trong đó riêng phụ nữ vay vốn là 2.556 với tổng dư nợ là trên 44 tỷ đồng.
Với các thủ tục vay vốn đơn giản, không phải thế chấp tài sản và lãi suất thấp, mức vay ban đầu cho mỗi khách hàng từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và mức vay cao nhất đối với hộ kinh doanh buôn bán nhỏ có thể lên tới 30.000.000 đồng hoặc 50.000.000 đồng là điều hết sức thuận lợi cho khách hàng đầu tư tham gia sản xuất, buôn bán nhỏ, lẻ. Bên cạnh việc cho vay vốn phát triển sản xuất, TCVM khu vực huyện Tĩnh Gia còn mở rộng hình thức cho vay vốn cho các gia đình đang cần đầu tư giáo dục cho con cái từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; vốn vay cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Trong số khách hàng vay vốn, đã có 48 khách hàng tham gia gửi tiết kiệm trở lại, với số tiền lên đến 904.799.000 đồng. Ngoài ra, số khách hàng tham gia tiết kiệm bắt buộc 5.477 khách hàng, với dư nợ hơn 10 tỷ đồng. Mục đích của việc lập sổ tiết kiệm là để các hộ gia đình có một kế hoạch chi tiêu hợp lý, không lãng phí, lại có một món tiền tiết kiệm, phòng khi cuộc sống có những việc đột xuất cần chi tiêu, hay ốm đau, bệnh tật, sẽ chủ động được nguồn tài chính, tránh trường hợp phải vay lãi nóng của các tổ chức “tín dụng đen”, gây nhiều bất hạnh cho các gia đình và có nhiều rủi ro khó lường. Kế hoạch đến hết năm 2019, TCVM huyện Tĩnh Gia sẽ phát triển vùng vay vốn ra các xã Xuân Lâm, Phú Lâm, Các Sơn, Tân Trường, Hải Lĩnh và Anh Sơn.
Kết quả của việc mở rộng địa bàn vay vốn và các đối tượng vay vốn là nhờ đội ngũ cán bộ khu vực huyện Tĩnh Gia tinh thông nghiệp vụ, nắm bắt và triển khai kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Tổ chức TCVM tỉnh. Trong số nhiều cán bộ tiêu biểu của TCVM huyện Tĩnh Gia, có anh Lê Hữu Quang là cán bộ tín dụng, sinh năm 1992, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa. Với tình yêu nghề nghiệp và lòng mong mỏi được đem những đồng vốn đến cho nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế nhằm xóa nghèo bền vững, anh đang quản lý 2 xã với 372 khách hàng, dư nợ 5.169.886.500 đồng. Anh là cán bộ tiêu biểu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hay như chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, sinh năm 1990, quê quán xã Đông Thịnh (Đông Sơn), có số khách hàng quản lý ở 2 xã là 428 khách hàng, dư nợ quản lý 5.946.584.400 đồng. Chị không quản nắng mưa, đường sá xa xôi để đến với bà con nhằm tư vấn vay vốn, tư vấn làm các thủ tục vay sao cho đúng đối tượng, chị luôn là cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ và được các hộ gia đình vay vốn quý mến. Còn anh Ngô Kim Trọng, sinh năm 1995, quê xã Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa), có số khách hàng quản lý 377 người vay vốn, ở 2 xã với số dư nợ 6.193.122.800 đồng. Anh là một cán bộ trẻ, năng động và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong nhiều khách hàng vay vốn phát triển kinh tế hiệu quả có gia đình chị Lê Thị Ngân ở thôn Bản Cát, xã Mai Lâm (Tĩnh Gia). Trước đây hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn. Chồng chị chẳng may qua đời sớm, một mình chị lao động cật lực để nuôi 5 con đang tuổi ăn học. Với công việc chính là làm nông nghiệp, vốn liếng thiếu thốn, ban đầu chị chỉ nuôi đàn gà vài chục con, trồng thêm rau màu, thu nhập cho cả gia đình vẫn quanh năm thiếu thốn. Chị luôn lo nghĩ đến nguy cơ các con chị phải bỏ học giữa chừng. Được biết Tổ chức TCVM Thanh Hóa tại huyện Tĩnh Gia đang cung cấp vốn vay ngay tại xã và các cán bộ tín dụng về tận thôn tư vấn vay vốn mà không phải thế chấp tài sản. Chị mạnh dạn tham gia vay để mở rộng tổ chức chăn nuôi. Đến nay, sau 2 chu kỳ vay vốn, chị đang có gia trại gà trên 500 con, thu nhập gia đình được trang trải và kinh tế tăng hơn trước, cuộc sống ổn định, các con chị được đầu tư học hành chu đáo.
Vai trò cán bộ tổ chức TCVM tinh thông nghiệp vụ trong việc mở rộng địa bàn vay vốn ở huyện Tĩnh Gia, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế hiệu quả cao, xóa nghèo bền vững đang là một trong những mô hình điểm của cả tỉnh.
Bài và ảnh: Lan Anh