Vai trò của cấp ủy đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế
Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng xã Cốc Mỳ đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng đến gần với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Thôn Vĩ Kẽm (xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát) là nơi sinh sống của 64 hộ, gần 300 nhân khẩu, trong đó 98% dân số là người Dao. Năm 2023, thôn đón niềm vui khi tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Năm 2022, thôn có 19 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, nay còn 6 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Kết quả này không chỉ phản ánh sự nỗ lực của đồng bào nơi đây mà còn cho thấy sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong phát triển kinh tế đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả.
Ông Đặng Thanh Toàn, Bí thư Chi bộ thôn Vĩ Kẽm
Hơn chục năm trước, giống nhiều vùng quê khác ở xã Cốc Mỳ nói riêng và huyện Bát Xát nói chung, cây chuối mô bắt đầu xuất hiện ở thôn Vĩ Kẽm. Sau thời gian dài trồng ở địa phương, cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế như trước, nhiều diện tích bị sâu bệnh, kém hiệu quả.
Để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, bám sát định hướng của xã và tình hình thực tế ở thôn, Chi bộ thôn đề ra giải pháp khuyến khích bà con đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao thay cây trồng cũ. Những năm gần đây, quế là cây trồng được lựa chọn với hy vọng mang lại cơ hội đổi đời cho người dân. Chỉ tính riêng năm 2023, thôn trồng mới 20 ha quế, nâng tổng diện tích quế cả thôn lên 200 ha.
Bí thư Chi bộ thôn Đặng Thanh Toàn cho biết: Chi bộ thôn xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các đảng viên, đẩy mạnh tuyên truyền để truyền tải chủ trương, định hướng của địa phương đến người dân; tuyên truyền cách trồng và chăm sóc cây. Cùng với đó, chi bộ thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình phát triển kinh tế ở thôn để kịp thời định hướng, tháo gỡ khó khăn.
Tại thôn Ná Lùng, những năm gần đây, nhiều cây trồng mới xuất hiện và được người dân tin tưởng, kỳ vọng để nâng cao thu nhập. Những ngày này, trên khắp đồng đất trong thôn, bà con bận rộn trồng khoai môn. Trước đây, cây trồng này chỉ được trồng rải rác ở một số hộ phục vụ nhu cầu gia đình nhưng 2 năm gần đây, nông sản này được mùa, được giá và được nhân rộng ở hầu hết các hộ. Gia đình chị Lý Thị Sen là một trong số đó.
Trên diện tích trồng chuối, sắn kém hiệu quả, gia đình chị thay thế bằng cây khoai môn. Giá của loại nông sản này dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhu cầu thị trường cao, cầu vượt cung. Nhẩm tính sau vụ khoai môn năm 2023, chị Lý Thị Sen bảo gia đình thu hoạch 4 tấn khoai, thu về khoảng 50 triệu đồng.
Khoai môn là nông sản mà xã Cốc Mỳ lựa chọn xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương và thôn Ná Lùng là địa bàn thuận lợi để hình thành vùng sản xuất.
Để thực hiện được điều này, Chi bộ thôn Ná Lùng triển khai sâu rộng đến các đảng viên, người dân, khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng khoai môn. Năm 2023, thôn có 17 ha khoai môn và năm 2024 dự kiến tăng lên 20 ha. Ngoài ra, Chi bộ thôn xác định tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế từ các cây trồng khác để nâng cao thu nhập cho bà con.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cốc Mỳ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định trong cơ cấu kinh tế ở địa phương thì nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm phần lớn, ở mức 52%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 20%; thương mại - dịch vụ chiếm 28%. Đến năm 2025, địa phương phấn đấu nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác lên 80 - 90 triệu đồng và thu nhập bình quân đạt 55 - 60 triệu đồng/người.
Đảng ủy xã tăng cường chỉ đạo UBND xã và các đoàn thể, các chi bộ trực thuộc tích cực tuyên truyền để người dân nắm rõ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã. Chủ trương và định hướng của Đảng ủy xã được cụ thể hóa bằng kế hoạch của từng năm.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cốc Mỳ.
Riêng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp hiện là chủ lực trong cơ cấu kinh tế, Đảng ủy xã chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở một số cây trồng chính như dứa, chuối, quế, khoai môn...; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Các thôn phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng. Khuyến khích người dân đưa các cây trồng và vật nuôi mới, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương vào sản xuất. Trong chăn nuôi, đẩy mạnh tăng trưởng đàn gia súc, chăn nuôi thủy sản theo hướng thâm canh.
Xã Cốc Mỳ lựa chọn “4 cây, 2 con” chủ lực để tập trung phát triển kinh tế, trong đó “4 cây” gồm quế (596 ha), dứa (61,5 ha), chuối (151 ha), khoai môn (17 ha) và “2 con” gồm ngựa, lợn.
Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng xã Cốc Mỳ đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng đến gần với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố niềm tin và khơi dậy sự vươn lên, quyết tâm của đồng bào các dân tộc cùng địa phương thực hiện thắng lợi nghị quyết đề ra.