Vai trò của công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành 18 nghị quyết chuyên đề, HÐND tỉnh đã ban hành 34 nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 75 kế hoạch và 145 quyết định để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành 18 nghị quyết chuyên đề, HÐND tỉnh đã ban hành 34 nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 75 kế hoạch và 145 quyết định để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, trong đó có cơ chế hỗ trợ và thưởng từ ngân sách tỉnh cho các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các quy định về huy động, quản lý vốn, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; cơ chế hỗ trợ xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải, xây dựng, nâng cấp chợ, trạm y tế; hỗ trợ cơ giới hóa, sản xuất cây vụ đông; cơ chế tăng tỷ lệ ngân sách xã được hưởng từ thu tiền sử dụng đất; quy định tỷ lệ điều tiết khoản thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất các khu đô thị tại thị trấn trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh; quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách địa phương; quy định một số tiêu chí xã nông thôn mới... Các sở, ngành ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới và các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí xã nông thôn mới, các tiêu chí huyện nông thôn mới, hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...

Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vụ Bản chuẩn bị tài liệu tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.

Ðể Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống, giữa cấp ủy, chính quyền và người dân có nhận thức đầy đủ, thống nhất về tư tưởng, tích cực và chủ động tham gia thì công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền tới các huyện, thành phố trong tỉnh Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 8-11-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-4-2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh (khóa XIX) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo hệ thống tuyên giáo từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đúng định hướng, với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, Ban Tuyên giáo các cấp đã tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng báo cáo viên các cấp trong tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Trên trang Website của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thông tin nội bộ thường xuyên đăng tải bài viết tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và địa phương về xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với mục tiêu, nhiệm vụ, chủ thể xây dựng nông thôn mới; coi việc xây dựng nông thôn mới vừa là yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Tăng cường nắm bắt dư luận xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, điều hành có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế từng địa phương.

Hàng tháng, hàng quý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động trong việc định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính sát thực, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Ðịnh kỳ hàng tháng tổ chức hội nghị giao ban báo chí, để cung cấp, định hướng thông tin về kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; biểu dương, cổ vũ, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến; giới thiệu cách làm hay hiệu quả; tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong 7 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức 6 hội nghị giao ban báo chí, trong đó mời 4 lượt lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc cung cấp thông tin về kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ðể thông tin rộng khắp về tình hình, kết quả, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến với bạn đọc cả nước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ký hợp đồng phối hợp tuyên truyền với 8 cơ quan báo chí của Trung ương gồm: Báo Nhân Dân, Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Ðại đoàn kết, Báo Công an nhân dân, Báo Ðại biểu nhân dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, Báo Nam Ðịnh, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thường trú các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn, các bản tin, trang thông tin điện tử của tỉnh đã tăng thời lượng phát sóng, mở các chuyên mục đăng tải các tin, bài, phóng sự phản ánh về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; biểu dương các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Công tác tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh cơ sở cũng được chú trọng, phản ánh kịp thời về vai trò của các hội đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới, mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, trong những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện rộng khắp, thu hút sự tham gia góp sức của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp toàn tỉnh. Nhận thức của người dân thay đổi, từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn mới là một dự án của Nhà nước” đến nhận thức “xây dựng nông thôn mới bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu”, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và đã tự nguyện góp công, góp sức, hiến đất, hiến kế, chỉnh trang nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống mới góp phần quan trọng tạo tiền đề xây dựng thành công nông thôn mới. Từ năm 2011 đến tháng 6-2019, các hộ nông dân trong tỉnh đã góp 2.897ha đất nông nghiệp, hiến 206ha đất thổ cư để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Tổng số vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 21.920 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 28,3%, tín dụng 35,9%, doanh nghiệp 11,9%, cộng đồng dân cư 15,1%... Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người năm 2010 lên 35 triệu đồng/người năm 2015 và 43 triệu đồng/người năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 5,47% năm 2015 xuống còn 2,15% năm 2018. Ðến năm 2016, có 100% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, năm 2017 có 100% số xã đạt tiêu chí thu nhập, năm 2018 có 100% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo. Ðến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 209/209 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã tăng 13,2 tiêu chí so với năm 2010. Ðến tháng 7-2019, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Ngày 6-6-2018, UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao để sớm đạt chuẩn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản hình thành 15 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 11 mô hình thôn, xóm nông thôn mới kiểu mẫu, 2 mô hình kiểu mẫu về xử lý rác thải thân thiện với môi trường và 2 mô hình tuyến đê nhân dân kiểu mẫu. Các xóm, thôn nông thôn mới kiểu mẫu tập trung vào các nội dung về cảnh quan, môi trường, văn hóa, phát triển sản xuất, an toàn về an ninh trật tự.

Phát huy thành tích, kết quả đã đạt được, để góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo hệ thống Tuyên giáo cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, gắn nội dung xây dựng nông thôn mới với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, không có điểm kết thúc; người dân nông thôn luôn là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; từ đó tạo sự đồng thuận cao, tích cực tham gia của mọi tầng lớp nhân dân xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5084/201908/vai-tro-cua-cong-tac-tuyen-truyen-trong-xay-dung-nong-thon-moi-2532301/