Vai trò của Đảng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

* NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO - Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp, định hướng về công tác cán bộ trên toàn tỉnh cơ bản đã được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được dư luận đồng tình, có tác dụng, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện theo quy hoạch, quy định và thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh có tác dụng tốt. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hiện có 269 đồng chí. Trong đó, trình độ trên đại học 109 đồng chí (40,52%); đại học 159 đồng chí (59,10%); trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân có 258 đồng chí (95,91%), trung cấp 11 đồng chí (4,09%); trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên cao cấp và tương đương 21 đồng chí (7,80%), chuyên viên chính và tương đương 189 đồng chí (70,26%), chuyên viên và tương đương 59 đồng chí (21,94%). Cán bộ là trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và trưởng, phó phòng các cơ quan, đơn vị cấp huyện và tương đương: 985 đồng chí; trong đó trình độ chuyên môn trên đại học 228 đồng chí (23,14%); đại học 752 đồng chí (76,34%); cao đẳng, trung cấp 5 đồng chí (0,50%); trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 684 đồng chí (69,44%), trung cấp 275 đồng chí (27,92%); trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên cao cấp và tương đương 4 đồng chí (0,40%), chuyên viên chính và tương đương 313 đồng chí (31,78%), chuyên viên và tương đương 658 đồng chí (66,80%). Cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn (bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND): 653 đồng chí; trong đó trình độ chuyên môn trên đại học 24 đồng chí (3,67%); đại học 592 đồng chí (90,65%); cao đẳng, trung cấp 33 đồng chí (5,67%); trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 261 đồng chí (39,67%), trung cấp 389 đồng chí (59,57%); trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên chính và tương đương 21 đồng chí (3,20%), chuyên viên và tương đương 595 đồng chí, cán sự 30 đồng chí (4,60%)”1.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cán bộ của đảng bộ các cấp trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm: Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... một số nơi chưa được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để. Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược. Công tác quy hoạch cán bộ ở một số nơi còn khép kín, chưa bảo đảm sự liên thông, gắn kết. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương có nơi thực hiện chưa đạt yêu cầu. Như vậy, có thể nói chất lượng đội ngũ cán bộ không chỉ phụ thuộc vào công tác cán bộ mà còn là sự tự giác phấn đấu, rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ. Tuy nhiên, sự phấn đấu, rèn luyện của cán bộ lại phụ thuộc vào cách quyết định công tác cán bộ. Thực tế đã chứng minh, ở đâu công tác cán bộ được tiến hành một cách nghiêm túc, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, ở đó cán bộ hăng hái phấn đấu, động cơ phấn đấu của cán bộ mới đúng đắn. Ngược lại, ở đâu công tác cán bộ thực hiện không đúng nguyên tắc, quy trình, thiếu dân chủ, lãnh đạo độc đoán, có tiêu cực, thì các cán bộ tốt sẽ không muốn phấn đấu vươn lên, thậm chí không yên tâm công tác.

Vì vậy, thời gian tới, công tác cán bộ phải được triển khai thường xuyên, liên tục, phải quy định thành trách nhiệm của cấp ủy các cấp, tạo chuyển biến thực sự trong Đảng, đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng đã chỉ ra. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt. Do đó, việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh hiện nay là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa là công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài của toàn Đảng, của cấp ủy các cấp và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Nhìn từ góc độ thực tiễn từ khi tái lập tỉnh đến nay, công tác cán bộ của tỉnh đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực tiễn cho thấy, cơ quan, địa phương nào tiến hành tốt công tác cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có chất lượng tốt, thì nơi đó mọi phong trào đều tốt, chất lượng và hiệu quả các mặt công tác đều cao, ít có tiêu cực và ngược lại. Vì vậy, phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thật sát sao và thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp trên cơ sở các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác cán bộ của Tỉnh ủy đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 như sau:

Thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII thông qua xác định mục tiêu của công tác cán bộ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững độc lập tự chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Tiếp tục “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ”, đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Từng bước thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan hệ giữa quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; quan hệ giữa đức và tài; quan hệ giữa kế thừa và phát triển; quan hệ giữa sự quản lý thống nhất của Đảng và phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị toàn tỉnh; quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể; quan hệ giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát, kiểm soát để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong Đảng và hệ thống chính trị.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp...

Tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ... để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt, đủ bản lĩnh trực tiếp quán triệt, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, các chủ trương, kế hoạch công tác của từng cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần giữ vững vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị toàn tỉnh giai đoạn hiện nay.

(còn nữa)

1Nguồn tổng hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/133601/vai-tro-cua-dang-trong-viec-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo