Vai trò của Đoàn thanh niên trong phòng chống thuốc lá tại trường học
Tại nhà trường, Đoàn thanh niên đóng vai trò rất quan trọng để triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá tới học sinh.
Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục
Với hơn 1.000 học sinh đang theo học, Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) luôn coi việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng mỗi năm học.
Do đó, ban giám hiệu đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, trực tiếp là lực lượng Đoàn Thanh niên của trường lên kế hoạch, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá tới học sinh toàn trường.
Cô Đào Tố Hoa – Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Phúc Lợi chia sẻ, thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024, tháng 9 vừa qua, nhà trường đã cùng với Công an quận Long Biên tổ chức tuyên truyền về ATGT và phòng chống tệ nạn xã hội; trong đó có tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử.
Tại đây, học sinh đã được nghe các chuyên gia phân tích, cảnh báo về những tác hại của thuốc lá. Dù khác nhau về tên gọi, thuốc lá điện tử cũng nguy hiểm tương tự thuốc lá truyền thống. Độ tuổi của các em đang có xu hướng muốn thể hiện mình là người lớn nên sẽ muốn thử cảm giác cầm điếu thuốc trên tay.
Mỗi khi hít phải khói thuốc dù chủ động hay thụ động, các em đã nạp vào cơ thể hàng nghìn chất hóa học độc hại khác nhau. Từ đó kéo theo nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp làm suy giảm sức khỏe con người. Tư duy cho rằng thuốc lá điện tử "ít" độc hại hơn thuốc lá truyền thống là hết sức sai lầm.
"Nhà trường cử thầy cô giám thị có nhiệm vụ kiểm tra bất chợt ở các khu vực có nguy cơ học sinh lén lút hút thuốc lá. Việc này được thực hiện thường xuyên nên thời gian gần đây, tình trạng sử dụng thuốc lá trong nhà trường đã không xuất hiện. Các em cũng tự ý thức được tác hại của thuốc lá", cô Tố Hoa nói.
Ngoài giờ sinh hoạt dưới cờ, nhà trường cũng tổ chức lồng ghép nội dung phòng chống tác hại thuốc lá trong tiết Lịch sử địa phương, bài về các tệ nạn xã hội cần tránh cho học sinh. Khi dạy, thầy cô sẽ đưa ra những tình huống, đặt câu hỏi để các em cùng trao đổi, trả lời đúng sẽ có món quà động viên.
Sự phối hợp từ phụ huynh học sinh
Không chỉ vậy, Trường THPT Phúc Lợi cũng quán triệt tới các giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền về tác hại thuốc lá tới cả các bậc phụ huynh học sinh. Mỗi bậc cha mẹ cần làm gương cho chính con em mình và không sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá, nhất là trước mặt con trẻ để các em học tập.
Theo lãnh đạo nhà trường, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy cô - phụ huynh - Đoàn thanh niên và các lực lượng khác nên tình trạng học sinh hút thuốc lá trong trường học đã không còn. Đầu năm học, thầy cô chủ nhiệm đã họp thống nhất với phụ huynh và cho học sinh kí cam kết không sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục, nơi làm việc bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ngành Giáo dục Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, trường học triển khai bộ tài liệu hướng dẫn truyền thông của Bộ GD&ĐT về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông, bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp.
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), mỗi nhà trường cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý học đường trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh.
Mỗi trường cần phối hợp giáo dục, định hướng nhận thức để các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp. Các trường học cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức như “nội khóa” và “ngoại khóa”, nâng cao nhận thức về Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.