Vai trò của gia đình với sự hình thành nhân cách

Trong bối cảnh đất nước ta đã bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng hình thành nhân cách con người.

Nuôi dưỡng và giáo dục là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên năng lực và tính cách của mỗi con người. Sự nuôi dạy con trẻ trước hết và gần nhất, thường xuyên nhất là gia đình, tiếp đến là làng xóm và xã hội. Khoa học đã chứng minh, nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn tiếp tục được củng cố.

Trong gia đình vai trò của bố mẹ chiếm vị trí quan trọng số một. Theo truyền thống Việt Nam, người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Người mẹ là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương, là chỗ dựa, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Cho nên gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách và quan trọng nhất cho mỗi con người.

Nhân cách tốt hay xấu đều do giáo dục quyết định. Trong gia đình, giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà chủ yếu bằng những hành động, thái độ, lối sống của người lớn, có tác động trực quan quyết định tới việc hình thành, phát triển nhân cách. Trẻ em nảy sinh suy nghĩ không tôn trọng người lớn nếu chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Những bậc cha mẹ quan tâm đến giáo dục hình thành nhân cách cho con trẻ thì phải dạy con biết nghe lời ông bà, cha mẹ, không được nói dối, luôn thật thà và biết xin lỗi, nhận khuyết điểm, biết cảm ơn và đặc biệt bản thân cha mẹ phải là một tấm gương thực hiện. Thực tế cũng có nhiều gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục con cái, người lớn đối xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa, những hành động đó đã phản chiếu và được ghi nhận vào tâm hồn thơ ngây của trẻ và sẽ hình thành nhân cách xấu…

Do vậy, cha mẹ cần phải yêu thương, quan tâm, gần gũi trẻ để nắm bắt được tâm tư, tình cảm của trẻ. Nhưng yêu thương không có nghĩa là nuông chiều, nếu quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu, thói quen đòi gì được nấy sẽ khiến trẻ hình thành tính ỷ lại, lười nhác, không ý thức về trách nhiệm. Đến một lúc nào đó, khi gia đình không thỏa mãn được hoặc không có điều kiện phục vụ thì sinh tật bất mãn, thậm chí thù ghét bố mẹ, bỏ nhà đi hoang, tụ tập với bạn bè hư. Rồi trộm cắp tài sản của chính bố mẹ mình hoặc của người khác để thỏa mãn nhu cầu bản thân.

Trong thời đại ngày nay, bên cạnh mặt tích cực thì văn hóa gia đình đang có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Với ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững, việc giáo dục con cái không được quan tâm đúng mức. Vì vậy không ít những đứa trẻ bước vào đời có nhân cách, đạo đức kém, hành động gây tổn hại cho bản thân và xã hội.

Hơn lúc nào hết, các bậc làm cha mẹ cần phải cảnh tỉnh chăm lo xây dựng gia đình trở thành môi trường văn hóa tốt nhất, nơi mà mỗi cá nhân khi chào đời và quá trình phát triển, liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên để làm được điều đó, gia đình phải là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng. Các bậc cha mẹ cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình đồng thời thiết lập mạng lưới giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc hình thành nhân cách cho trẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa: No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và ban ngành đoàn thể ở Phú Yên đã hết sức chú trọng đến việc xây dựng gia đình văn hóa, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng nền văn hóa mới. Tỉ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu ngày càng cao đã trở thành hạt nhân xây dựng nhân cách con người mới.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày nhắc nhở, nhắn gửi mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/241570/vai-tro-cua-gia-dinh-voi-su-hinh-thanh-nhan-cach.html