Vai trò của hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Bà Phan Bích Thiện - Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu - chia sẻ một số kinh nghiệm và kiến nghị trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác hội đoàn hiện nay.

XEM VIDEO:

Những năm gần đây cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và MTTQ quan tâm. Đặc biệt là sau Kết luận 12 của Bộ Chính trị khối kiều bào đã phát huy được nhiều hơn tiềm năng của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và công tác đối ngoại nhân dân cũng như trong hoạt động hướng về quê hương, đất nước.

Là một người đã và đang sinh sống ở nước ngoài 38 năm, được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của cộng đồng người Việt xa xứ, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, bà Phan Bích Thiện - Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary - chia sẻ một số kinh nghiệm và kiến nghị trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác hội đoàn hiện nay.

Xin bà cho biết tình hình của các hội đoàn của cộng đồng người Việt tại Hungary?

Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện nay có khoảng 8000 người, trong đó phần đông bà con đều đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Budapest. Hiện nay tổ chức hội đoàn tại Hungary có Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary và nhiều tổ chức hội đoàn theo từng đối tượng và lĩnh vực như Doanh nghiệp, Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Người cao tuổi, Hội Sinh viên, Hội Trí thức, Câu lạc bộ Cựu chiến binh, các CLB thể thao và các hội đồng hương.

Tuy là một cộng đồng không lớn về số lượng song cộng đồng người Việt Nam tại Hungary đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước cũng như trên mọi mặt của đời sống xã hội nước sở tại, được lãnh đạo nước bạn đánh giá là một cộng đồng người nước ngoài mạnh, đoàn kết và hội nhập tốt.

Bà Phan Bích Thiện phát biểu trong phiên thảo luận chuyên đề “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”. Ảnh: Phạm Hải

Bà Phan Bích Thiện phát biểu trong phiên thảo luận chuyên đề “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”. Ảnh: Phạm Hải

Để phát huy sâu hơn, hiệu quả hơn vai trò của các hội đoàn người Việt ở nước ngoài trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, theo bà chúng ta cần làm gì thời gian tới?

Trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và hoạt động đối ngoại nhân dân, vai trò của các hội đoàn người Việt rất quan trọng. Các hội đoàn là nơi kết nối, tập hợp sức mạnh của mọi người theo từng đối tượng, trong từng lĩnh vực, có những điểm chung. Xây dựng được các hội đoàn vững mạnh có nghĩa là sẽ tận dụng được tiềm năng của các tầng lớp và đối tượng người Việt trong cộng đồng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân hiệu quả hơn.

Trong thời đại hiện nay để công tác đối ngoại nhân dân hiệu quả hơn chúng ta cần có những đổi mới trong hình thức hoạt động. Tôi xin chia sẻ một số điều.

Kết nối, liên kết các hội đoàn trên phạm vi khu vực và châu lục: Bên cạnh các hoạt động trong giới hạn từng quốc gia chúng ta nên mở rộng các hoạt động hội đoàn ra phạm vi khu vực hoặc châu lục. Châu Âu là địa bàn khá thuận tiên cho việc này vì các nước trong khối Schengen có điều kiện đi lại dễ dàng. Khi chúng ta kết nối được các tổ chức hội đoàn thì sẽ cộng hưởng được sức mạnh và tầm ảnh hưởng sẽ được lan tỏa hơn.

Đơn cử như Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu được tổ chức lần đầu tiên tháng 6/2023 tại Budapest. Sau sự kiện thì mạng lưới các thành viên của Diễn đàn được hình thành và Diễn đàn trở thành một tổ chức có nhiều hoạt động chung tay hiệu quả và ý nghĩa với Ban điều hành gồm 68 thành viên từ 16 quốc gia.

Diễn đàn đã tổ chức được lần đầu tiên đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài tham gia Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2024. Sắp tới đây Diễn đàn cũng sẽ ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài toàn châu Âu và tại từng quốc gia nhằm quảng bá sâu rộng hơn cho giá trị văn hóa trang phục áo dài Việt Nam trên thế giới.

Diễn đàn cũng ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai các hoạt động rất hiệu quả với các tổ chức trong nước như Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội nữ doanh nhân TP Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Kênh đối ngoại Đài tiếng nói Việt Nam. Diễn đàn cũng đang phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết văn thơ về người phụ nữ Việt nam nơi xa xứ. Diễn đàn cũng đã có rất nhiều đóng góp lớn trong các hoạt động thiện nguyện đối với quê hương, đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen.

Những thành tựu trên khó có thể đạt được trong khuôn khổ hội đoàn phạm vi một quốc gia, mà là kết quả của sự hợp tác, kết hợp tiềm năng của các tổ chức phụ nữ từ nhiều nước.

Hoạt động của hội đoàn cần đi vào chiều sâu, thực sự có ý nghĩa: Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu đạt được những kết quả trên chỉ trong thời gian hơn một năm là nhờ đã có những hoạt động mà chị em người Việt ở các nước cảm thấy thực sự có ý nghĩa và hiệu quả nên sẵn sàng hưởng ứng và đồng hành. Tham gia hội đoàn ở nước ngoài là tự nguyện nên hội đoàn chỉ có thể quy tụ được nhiều người tham gia nếu họ thấy việc tham gia là bổ ích và ý nghĩa, đặc biệt trong thời đại mới khi bà con trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài có nhiều lựa chọn cho bản thân.

Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu đã đạt được thành công là hiện nay không phải thuyết phục mọi người tham gia mà càng ngày càng có nhiều tổ chức phụ nữ và chị em xin gia nhập Diễn đàn.

Bên cạnh đó cần xây dựng và đa dạng hóa các tổ chức của người Việt phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để vận động được nhiều hơn bà con tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng.

Đưa các hoạt động hội đoàn vươn ra ngoài phạm vi cộng đồng người Việt, hướng tới nước sở tại và quốc tế.

Để hội nhập tốt bền vững và nâng vị thế của cộng đồng người Việt chúng ta cần đưa các hoạt động hội đoàn hướng tới nước sở tại và vươn ra quốc tế. Chúng ta nên vận động cả các bạn bè người bản xứ tham gia các hoạt động của người Việt để họ hiểu hơn về Việt Nam và góp phần làm cho mối quan hệ giữa người dân hai nước gần gũi hơn.

Xin dẫn một ví dụ, Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu được tổ chức tại phòng Thượng viện Nhà Quốc hội Hungary với sự tham gia của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Hungary. Đây là lần đầu tiên một sự kiện của người Việt ở nước ngoài được diễn ra tại trụ sở một cơ quan lập pháp cao nhất của nước sở tại. Qua sự kiện này vị thế của cộng đồng người Việt ở Hungary được nâng lên rất nhiều.

Việc Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu đã là thành viên chính thức của Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu cũng giúp chị em phụ nữ người Việt ở châu Âu bước ra sánh vai cùng phụ nữ các nước trên thế giới.

Mở rộng các hình thức đối ngoại nhân dân chủ động từ hai phía: Hiện nay các hoạt động quảng bá về Việt Nam ở nước ngoài phần lớn được thực hiện qua hình thức phía Việt Nam tổ chức giới thiệu, trưng bày, triển lãm về Việt Nam và mời bạn bè khách nước ngoài đến dự. Chúng ta nên triển khai thêm các hình thức quảng bá mà có thể tạo điều kiện, khuyến khích người dân nước sở tại chủ động tìm hiểu về Việt Nam như các cuộc thi hay phong trào tìm hiểu về Việt Nam.

Một ví dụ như cuộc thi vẽ tranh “Việt Nam ngày nay trong đôi mắt trẻ thơ” do Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary tổ chức cho học sinh các trường THCS trên toàn Hungary kết thúc dịp tháng 4/2024. Cuộc thi đã nhận được 364 bức tranh dự thi và 87687 lượt truy cập trên trang FB của cuộc thi. Các tác phẩm dự thi đã thể hiện việc các em học sinh Hungary đã tìm hiểu rất nghiêm túc về đất nước, văn hóa, các giá trị truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh hàng trăm các học sinh dự thi là hàng nghìn bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo cũng cùng các em nghiên cứu, khám phá về Việt Nam. Đây là một hình thức quảng bá về Việt Nam đi vào thực tế, gần gũi với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tại Hungary.

Tận dụng chuyển đổi số trong các hoạt động: Trong thời đại cách mạng 4.0 chúng ta nên tận dụng các phương tiện trực tuyến trong các hoạt động quảng bá như thành lập các trang Web, Fanpage, các hội thảo trực tuyến trong các hoạt động quảng bá về Việt Nam. Trong hoạt động hội đoàn thì hình thức họp trực tuyến ngày càng cần lan rộng vì vừa thuận tiện, đỡ mất thời gian và hiệu quả.

Vận động thế hệ trẻ tham gia công tác hội đoàn: Để cộng đồng người Việt ở nước ngoài duy trì và phát triển bền vững vấn đề rất quan trọng là phải truyền được tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ tiếp theo. Đây là một quá trình dần dần, từ việc giữ gìn truyền thống dân tộc trong gia đình đến vận động các cháu tham gia hoạt động cộng đồng. Nếu chúng ta gây dựng được tình yêu đó cho các cháu thì các cháu sẽ có các hoạt động hướng về Việt Nam rất tự nhiên.

Trong công tác hội đoàn để hoạt động hiệu quả và hội nhập tốt hơn rất cần vận động các bạn trẻ tham gia. Lớp trẻ học được những kinh nghiệm từ thế hệ lớp trước, nhưng đồng thời thế hệ sau lại hỗ trợ được nhiều hơn trong việc cập nhập và tận dụng ưu thế của công nghệ trong các hoạt động của hội, đồng thời các bạn trẻ cũng thông thạo ngôn ngữ và hội nhập tốt hơn. Nhưng để lôi cuốn được thế hệ trẻ cũng cần đổi mới cách hoạt động và hình thức hài hòa, phù hợp với văn hóa nước sở tại nơi các bạn trẻ sinh ra và lớn lên.

Bà Phan Bích Thiện là Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary. Ảnh: Phạm Hải

Bà Phan Bích Thiện là Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary. Ảnh: Phạm Hải

Thế hệ đi trước cần mạnh dạn giao việc cho các bạn trẻ và khuyến khích, động viên, tôn trọng nghe ý kiến của các bạn. Đơn cử như Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary có riêng một ban là Ban vận động thế hệ trẻ do một bạn hơn 20 tuổi đứng đầu và trong BCH có cả các ủy viên 20 – 30 tuổi.

Để hỗ trợ kiều bào trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc, bà có những đề xuất gì với các cơ quan trong nước?

Tổ chức Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài: Để tạo điều kiện gắn kết cộng đồng cơ quan đại diện kết hợp với các hội đoàn có thể triển khai tổ chức thí điểm Ngày hội đại đoàn kết tại một số địa bàn có phong trào cộng đồng mạnh, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra trong khu vực.

Hỗ trợ về các cơ sở pháp lý cho kiều bào: Hiện nay vẫn còn một số vướng mắc về vấn đề nhập, trở lại quốc tịch VN đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Nhiều bà con trước đây phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam để nhập tịch nước ngoài theo quy định pháp luật sở tại, nay muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam, nhưng còn gặp khó khăn.

Xin kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét sửa đổi các văn bản pháp luật về quốc tịch theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời được giữ quốc tịch nước ngoài để người Việt Nam định cư ở nước ngoài cảm thấy mình là một bộ phận bình đẳng trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Cụ thể, người xin nhập quốc tịch VN đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài chỉ cần giữ một trong hai điều kiện ’’Có công lao đặc biệt” hoặc ’’Có lợi cho Nhà nước”; có hướng dẫn cụ thể thế nào là có công lao đặc biệt, có lợi cho Nhà nước Việt Nam; cho phép người xin nhập quốc tịch VN cam đoan, tuyên thệ đối với các loại giấy tờ chứng minh đáp ứng điều kiện để được coi là trường hợp đặc biệt.

Về vấn đề quốc tịch của trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, đề nghị xem xét sửa đổi quy định tại Điều 15, Điều 16 Luật Quốc tịch 2008 theo hướng chỉ cần một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, thì con được cấp quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Sáng ngày 22/8, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Tham dự Hội nghị có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ; lãnh đạo các địa phương và 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4 này có 4 phiên chuyên đề diễn ra song song vào chiều 22/8 gồm “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”, “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”, “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”, “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.

Thái An

Xuân Minh

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoi-doan-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-trong-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-dan-toc-2314678.html