Vai trò của hợp tác xã trong tái cơ cấu nông nghiệp
Những năm qua, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở Quảng Trị gặp không ít khó khăn, thách thức do thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Thế nhưng, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Đạt được điều đó có sự đóng góp không nhỏ của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) và Tổ hợp tác.
Ở huyện Hải Lăng, hiện có 12 HTX cùng nhau thành lập Liên hiệp HTX Nông sản an toàn, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra nông sản sạch. Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết, mô hình này mang lại hiệu quả cả 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể. Nhờ có chất lượng tốt nên hiện nay gạo Hải Lăng đã có mặt rộng rãi trên thị trường, được người tiêu dùng ưa thích. Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các HTX mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên 8.290,5 ha, tích tụ ruộng đất được 14,1 ha, xây dựng cánh đồng lớn 1.364 ha, diện tích tối thiểu 20 ha/cánh đồng. Đối với vùng cát, chỉ đạo các HTX và người dân lựa chọn các loại cây trồng phù hợp và đến nay đưa vào sản xuất một số cây chủ lực mang lại thu nhập cao như lạc, ớt, ném, mướp đắng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất đất canh tác 1 ha năm 2019 đạt 88,7 triệu đồng, tăng 14,38 triệu đồng so với năm 2018. Đặc biệt, xây dựng vùng chuyên canh trồng cam ở vùng gò đồi với diện tích 71,1 ha, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch, 1 ha thu về 300- 400 triệu đồng/ năm.
Không chỉ ở Hải Lăng, tùy theo đặc điểm của từng nơi, các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tổ chức sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Ông Hoàng Đình Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Giang 2, thành phố Đông Hà cho hay, cùng với hoàn thành dồn điền, đổi thửa, sử dụng các loại giống mới vào sản xuất, thâm canh cây lúa cho năng suất cao, HTX đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình tận dụng đất vườn trồng các loại rau màu có giá trị cung cấp cho thị trường đem lại thu nhập 1 ha từ 120- 150 triệu đồng/ năm. Đặc biệt, đã chuyển những diện tích trồng trọt kém hiệu quả và tận dụng diện tích ao hồ chuyển sang nuôi tôm cộng đồng theo hình thức bán thâm canh với 26 ha, có 50 hộ tham gia. HTX tổ chức các lớp tập huấn, các thành viên đều tuân thủ thực hiện quy trình kĩ thuật đồng bộ từ khâu chọn giống, thả nuôi cho đến chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đưa các loại chế phẩm sinh học vào xử lí, bảo vệ môi trường. Do vậy, tôm sinh trưởng tốt, sản lượng đạt cao, mang lại thu nhập cho 1 hộ 1 vụ nuôi bình quân 140- 150 triệu đồng. Còn ở huyện Hướng Hóa, những năm trở lại đây đã xuất hiện 1 số HTX, Tổ hợp tác tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế các loại sản phẩm chủ lực của địa phương.
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây Bắc Hướng Hóa chia sẻ, để đưa hương vị đặc trưng cà phê của địa phương đến với mọi miền đất nước và xuất khẩu, tháng 3/ 2018, HTX được thành lập gồm 14 thành viên, có sự tham gia của doanh nghiệp Shin Coffee với tư cách thành viên đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm, cam kết thu mua cà phê quả tươi với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 2.000 đồng/kg. Nhờ tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm thân thiện với môi trường, được các ngành chức năng kiểm định, cấp mã vạch, công bố chất lượng và người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện tại HTX đang tiếp tục tìm chọn, đưa vào thử nghiệm trồng các giống cà phê mới và sản xuất theo hướng hữu cơ để thay thế dần giống cà phê đang ngày một già cỗi, thoái hóa.
Ông Cáp Kim Thánh, Chủ tịch Liên minh HTX nhấn mạnh: Hiện nay tỉnh Quảng Trị đang tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên trong thực tế cho thấy việc thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất còn gặp không ít khó khăn, nhất là yêu cầu các xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết ổn định. Trong lúc đó, tại huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa nhiều nơi chưa có HTX nông nghiệp và phần lớn các HTX còn hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu, số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp còn ít. Vì vậy, Liên minh HTX tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ truyền thống sang làm đầu mối liên kết nhiều nhà, cốt lõi là nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nhằm giúp nhà nông tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm và tiêu thụ được nông sản hàng hóa làm ra. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cho các HTX, kiến nghị với các cấp, các ngành có cơ chế bảo lãnh vay vốn thông qua nguồn quỹ hỗ trợ phát triển, hỗ trợ sau đầu tư để các HTX tiếp cận được các nguồn tín dụng. Đồng thời, khuyến khích thành lập thêm Tổ hợp tác và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới cũng như có chính sách riêng để phát triển HTX tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc hỗ trợ HTX tham gia hội thảo kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm, xây dựng website riêng của tỉnh để quảng bá các mặt hàng nông sản và dữ liệu các đơn vị hợp tác tiềm năng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145436