Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác bầu cử

Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có vai trò, trách nhiệm hết sức quan trọng trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được pháp luật quy định.

Ủy ban nhân dân phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên tổ bầu cử.

Ủy ban nhân dân phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên tổ bầu cử.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tích cực, công tâm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong chuẩn bị bầu cử, bảo đảm các bước, các khâu giới thiệu đại biểu, hiệp thương, tham gia chuẩn bị dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của Trung ương, Hội đồng Bầu cử quốc gia; tích cực tham gia tiếp nhận, xử lý khiếu nại tố cáo và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ngày bầu cử.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, từ nay tới ngày 23/5 và sau đó, nhiệm vụ của MTTQ vẫn rất nặng nề. “Tôi đề nghị MTTQ các cấp tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu vận động tranh cử theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bầu cử. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, đơn vị trong các hoạt động bảo đảm phục vụ công tác bầu cử. Đẩy mạnh công tác nắm bắt dư luận xã hội về công tác bầu cử để tuyên truyền về bầu cử; kiến nghị, phản ánh tới các cấp ủy, chính quyền xử lý các vụ việc phát sinh để kịp thời giải quyết trước ngày bầu cử”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo bà Nghiêm Thị Đoan Trang, Vụ Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong công tác tổ chức bầu cử nói chung (gồm cả bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND), vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp rất lớn và đã được quy định cụ thể hóa trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật MTTQ Việt Nam và nhiều văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Nhìn lại kết quả các cuộc hiệp thương bầu cử, có thể nói, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQ các cấp từ Trung ương đến địa phương với các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp mà quyền ứng cử, quyền bầu cử của công dân được bảo đảm và thực thi. Vai trò đó được thể hiện trong từng khâu, từng giai đoạn.

Trong việc dự kiến thành phần, cơ cấu số lượng ĐBQH, trên cơ sở Đề án về phương hướng bầu cử mỗi khóa, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự, dự kiến phân bổ cơ cấu người tham gia ứng cử để đảm bảo đến khi trúng cử có được tỉ lệ đại diện tối thiểu, đảm bảo được cơ cấu, thành phần, số lượng đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công việc này đòi hỏi phải có tầm nhìn bao quát, toàn diện, tổng thể.

Theo ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cử đại diện tham gia Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, tham gia các Tiểu ban để trực tiếp tham mưu Hội đồng bầu cử quốc gia. Ở địa phương, Ủy ban MTTQ các cấp cử đại diện tham gia các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, tham gia vào quá trình thành lập Tổ bầu cử trong cả nước, góp phần đảm bảo các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập đúng trình tự, đảm bảo đúng tiến độ, số lượng, thành phần.

Trong công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH ở Trung ương và hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương tổ chức các Hội nghị hiệp thương, Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử ở địa phương, đảm bảo đúng yêu cầu thời gian, trình tự, thủ tục và thành phần, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ. Chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt các bước quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, đảm bảo về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử.

Kết quả quan trọng này là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cuộc bầu cử và chất lượng của đại biểu. Thực tế trong quá trình hiệp thương, nhiều trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật hay không đủ tín nhiệm, không đủ tiêu chuẩn về năng lực và phẩm chất đạo đức đã xem xét đưa ra khỏi danh sách. Trong việc tổ chức để người ứng cử vận động bầu cử, với vai trò chủ trì, với kinh nghiệm tổ chức chu đáo, MTTQ Việt Nam đã tạo điều kiện tối đa để người ứng cử đều có cơ hội như nhau trong việc thể hiện quyết tâm và chương trình hành động của mình, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân, cử tri tìm hiểu về người ứng cử.

Trong công tác giám sát, kiểm tra bầu cử, MTTQ các cấp tham gia nhiều đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức. Đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát tất cả các khâu trong cuộc bầu cử từ cấp huyện tới cơ sở, vừa để hướng dẫn, kiểm tra, vừa để theo dõi, giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình, phát hiện sớm khó khăn, vướng mắc để xử lý.

Nhiều nơi đã kịp thời phát hiện được những sai sót như: Hồ sơ ứng cử chưa đúng theo mẫu quy định; phiếu bầu, danh sách cử tri không đóng dấu của UBND xã,… đã kịp thời báo cáo, đề xuất với các tổ chức phụ trách bầu cử để xử lý trước ngày bầu cử, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ và đúng pháp luật.

Trong công tác tuyên truyền, vận động cử tri đi bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai công tác tuyên truyền, vận động, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng cường tin bài, tổ chức trả lời phỏng vấn, tọa đảm trực tuyến... để cử tri và nhân dân hiểu rõ vai trò, vị trí của Quốc hội, tiêu chuẩn ĐBQH, hiểu rõ quy định pháp luật về bầu cử để thực hiện đúng.

Với 90.000 tổ bầu cử trên 184 đơn vị bầu cử của cả nước, việc kiểm tra bảo đảm các khâu, công việc diễn ra đúng luật, thuận lợi cũng là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và Ủy ban Bầu cử các địa phương, cần được nêu cao. Các địa phương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cần thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, trao đổi, thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp quyết định tổ chức số lượng cuộc tiếp xúc cử tri phù hợp để vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Bài và ảnh: V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-trong-cong-tac-bau-cu-20210515225133968.htm