Vai trò của nữ giới đối với xã hội nhìn từ Nobel kinh tế 2023

Vai trò và mức độ đóng góp của nữ giới đối với sự phát triển của nền kinh tế luôn là một câu hỏi được nhiều người quan tâm nhưng rất khó để có thể đánh giá một cách chính xác. Tuy nhiên, giải Nobel kinh tế năm nay đã cho chúng ta một câu trả lời toàn diện về vấn đề trên.

Ngày 9-10-2023, giải Nobel Kinh tế đã trao cho nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Goldin với công trình về vai trò của nữ giới trong lực lượng lao động. Bà đã sử dụng dữ liệu trong hơn 200 năm ở Mỹ để phân tích tại sao sự chênh lệch giới tính trong thị trường lao động tồn tại và tại sao sự khác biệt về tiền lương cũng như thời gian làm việc của nữ giới không chỉ xuất phát từ mặt sinh học.

Mức độ đóng góp theo đường cong chữ U (The U-shaped curve)

Trước khi cuốn sách “Understanding the Gender Gap: An Economic History of American Women” của GS Goldin được xuất bản vào năm 1990, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ thế kỷ 20 đã kết luận rằng có tồn tại mối tương quan dương giữa tăng trưởng kinh tế và số lượng phụ nữ làm việc chính thức. Nói cách khác, khi nền kinh tế phát triển, ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm hơn.

GS Goldin đã sử dụng dữ liệu từ cuối thế kỷ 18 để khám phá mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và mức độ tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong giai đoạn nền kinh tế nông nghiệp, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở mức cao. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa của thế kỷ 19 đã khiến tỷ lệ này sụt giảm, do ảnh hưởng từ hạn chế khi kết hôn và nhiều phụ nữ cần làm việc tại các nhà máy.

Goldin cũng chỉ ra rằng sự phát triển của ngành dịch vụ từ đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy tăng tỷ lệ phụ nữ trên thị trường lao động. Trong thế kỷ qua, tỷ lệ phụ nữ làm việc được trả lương tăng gấp 3 lần ở nhiều nước có thu nhập cao, cho thấy sự thay đổi cấu trúc và tiêu chuẩn xã hội đối với vai trò của phụ nữ ở gia đình và trên thị trường lao động.

Một điểm đáng chú ý ở đây là tăng trưởng kinh tế của Mỹ ổn định trong suốt thời kỳ này nên đường cong chữ U của Giáo sư Goldin chứng minh rằng không có mối liên hệ một cách nhất quán về mặt lịch sử giữa sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đường cong này không phải chỉ tồn tại ở Hoa Kỳ mà còn đúng ở nhiều quốc gia khác. Những hiểu biết sâu sắc này có thể giúp các nhà nghiên cứu lập được bản đồ và hiểu rõ hơn về vị trí của phụ nữ trên thị trường lao động toàn cầu.

Vai trò của trình độ học vấn, kỳ vọng về nghề nghiệp và… thuốc tránh thai

Vào đầu thế kỷ 20, tồn tại một sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ việc làm giữa phụ nữ đã kết hôn và chưa kết hôn. Trong số khoảng 20% phụ nữ làm việc chính thức thì tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn chỉ đạt mức 5%. Đây cũng là cột mốc đánh dấu giai đoạn lịch sử của Mỹ với sự gia tăng của phụ nữ tham gia vào thị trường lao động và đường cong hình chữ U bắt đầu tăng tốc hướng lên.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của trình độ học vấn và công nghệ đã tạo nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng lao động nữ giới. Nhưng những rào cản xã hội và hạn chế thể chế đã cản trở sự tham gia của phụ nữ. Những định kiến từ giữa cuối thế kỷ 19 đến những năm 1970 về việc phụ nữ không nên đi làm sau khi kết hôn khiến cho phụ nữ đã kết hôn bị loại khỏi thị trường lao động. Kỳ vọng của phụ nữ về nghề nghiệp tương lai cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động.

Theo đó, GS Goldin nghiên cứu sự thay đổi về việc tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động. Điều này cho thấy, sự tham gia của phụ nữ đã thay đổi theo thời gian và có mối quan hệ mức độ học vấn và kỳ vọng nghề nghiệp. Trong thập kỷ gần đây, phụ nữ đã tăng trình độ học vấn, dẫn đến thu hẹp khoảng cách giới tính về tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động.

Tổng quát lại, trong phần lớn thế kỷ 20, phụ nữ đã đánh giá thấp khối lượng công việc họ có thể làm, dẫn đến việc họ ít có sự đầu tư vào học vấn của mình. Những thập kỷ gần đây, phụ nữ ngày càng có xu hướng đi học nhiều hơn (Biểu đồ 2) và ở các nước có thu nhập cao, phụ nữ thường có trình độ học vấn cao hơn nam giới, dẫn tới khoảng cách về giới tính trong tỷ trọng lao động đang ngày càng được thu hẹp.

Kỳ vọng của phụ nữ đối với thị trường lao động đã thay đổi một cách đáng kể vào cuối những năm 1960, đánh dấu sự ra đời của thuốc tránh thai, một phương pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình giúp phụ nữ kiểm soát độc lập việc quyết định về việc sinh con.

Sử dụng dữ liệu thực tế từ phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai tại các tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ, Giáo sư Goldin và Lawrence Katz đã chứng minh rằng thuốc tránh thai đã làm thay đổi khả năng phụ nữ lập kế hoạch cho việc kết hôn và sinh con, tạo ra lựa chọn và khả năng lên kế hoạch sự phát triển nghề nghiệp. Thuốc tránh thai đã giúp phụ nữ có khả năng lên kế hoạch cho tương lai của họ một cách hiệu quả hơn, cung cấp động lực mới để đầu tư vào giáo dục và sự nghiệp của họ.

Tuy nhiên, ngay cả khi biện pháp tránh thai có tác động tới sự lựa chọn về giáo dục và nghề nghiệp, điều này không có nghĩa là khoảng cách thu nhập giữa nữ giới và nam giới hoàn toàn biến mất, mặc dù nó đã được thu hẹp đáng kể kể từ những năm 1970.

Khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ

Giáo sư Goldin chỉ ra rằng luôn luôn tồn tại khoảng cách thu nhập giữa nữ giới và nam giới ở tất cả các ngành nghề và ở mọi giai đoạn lịch sử (mặc dù khoảng cách này có thể được thu hẹp tại một số giai đoạn nhất định). Do đó, khoảng cách thu nhập theo giới đã giảm mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp (1820-1850) và giai đoạn tăng cầu về dịch vụ hành chính và văn thư (1890-1930).

Cả hai thời kỳ này đánh dấu sự mở cửa cơ hội nghề nghiệp mới cho phụ nữ và sự nổi lên của phong trào xã hội đòi hỏi công bằng thu nhập cho nữ giới. Mặc dù kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trình độ học vấn của phụ nữ và tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tăng lên đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ vẫn duy trì ở mức cao từ năm 1930 đến năm 1980.

GS Goldin chỉ ra nguyên nhân dẫn tới nghịch lý này là hiệu ứng làm cha mẹ. GS Claudia Goldin và đồng nghiệp đã nghiên cứu sự khác biệt về thu nhập giữa các vợ chồng theo thời gian. Họ kết luận rằng sự khác biệt ban đầu là nhỏ, nhưng thay đổi khi có con.

Điều này dẫn đến việc thu nhập của người vợ giảm mạnh và không tăng theo tốc độ tương tự với thu nhập của chồng, ngay cả khi họ có trình độ học vấn và nghề nghiệp tương đương. Nghiên cứu đã xác nhận rằng hiệu ứng làm cha mẹ là một phần quan trọng giải thích sự khác biệt về thu nhập giữa nam và nữ ở các nước có thu nhập cao.

Giáo sư Goldin thể hiện rằng mô hình làm việc hiện đại đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng của nhân viên, ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ vì trách nhiệm chăm sóc trẻ em thường rơi vào nữ giới. Goldin kết luận rằng khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ không xuất phát từ yếu tố sinh học, mà từ những hạn chế được đặt ra bởi việc kết hôn và trách nhiệm gia đình.

Nghiên cứu của GS Goldin có một ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội khi giúp hiểu rõ hơn nguồn gốc của sự chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ, nó xuất phát từ sự hy sinh trong vai trò của nhau đối với gia đình và bác bỏ các quan niệm rằng nó là do yếu tố sinh học. Điều này đặt ra tầm quan trọng về việc cung cấp hỗ trợ, sự linh hoạt cho phụ nữ trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình để ghi nhận những đóng góp của phụ nữ đối với sự phát triển chung của xã hội.

(*) Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng

PGS. TS. Trần Việt Dũng - Nguyễn Nhật Minh - Lê Hoài Ân (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vai-tro-cua-nu-gioi-doi-voi-xa-hoi-nhin-tu-nobel-kinh-te-2023/