Vai trò của phân bón hữu cơ đối với cây ăn quả ở ĐBSCL

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Vĩnh Long, cho rằng thời gian gần đây các nhà vườn ở Vĩnh Long có xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả. Đây là dấu hiệu chuyển biến tích cực trong quy trình sản xuất trái cây của các nhà vườn.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cổ vũ cho việc sản xuất phân bón hữu cơ hình thức thủ công - Ảnh: Đ.T

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cổ vũ cho việc sản xuất phân bón hữu cơ hình thức thủ công - Ảnh: Đ.T

Cũng theo ông Nguyễn Văn Liêm, Vĩnh Long là tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái khá lớn ở ĐBSCL. Trước đây, phần lớn nhà vườn trồng cây ăn trái sử dụng phân bón vô cơ. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ đã gây ra sự bạc màu của đất, sự phát triển của sâu bệnh. Sau thời gian dài sử dụng phân bón vô cơ đã có tác động tiêu cực đến cây trồng. Vì vậy, xu hướng hiện nay của các nhà vườn trong vùng là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả.

Nông dân Đồng Tháp thực nghiệm sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh: Đ.T

Nông dân Đồng Tháp thực nghiệm sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh: Đ.T

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, xu hướng nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm dần số lượng phân bón vô cơ trên cây ăn quả hiện nay khá mạnh mẽ. Điển hình là vùng trồng bưởi năm roi ở thị xã Bình Minh.

Thị xã Bình Minh có khoảng 2.000ha bưởi năm roi, tuy nhiên, cây bưởi năm roi hiện nay rất thăng trầm do giá cả bấp bênh, không cạnh tranh nổi với bưởi da xanh Bến Tre, Tiền Giang; vườn bưởi bị vàng lá, chết cây, giảm năng suất. Vùng lõi trồng bưởi năm roi là xã Mỹ Hòa nhưng hiện nay vùng này đang bị đô thị hóa. Cây bưởi năm roi Bình Minh một thời nổi tiếng cả nước nhưng qua những đợt bệnh vàng lá, thúi rễ, hiện nay phải từng bước phục hồi bằng phương pháp sử dụng phân hữu cơ.

Thời "vàng son" của bưởi năm roi đã qua - Ảnh: Internet

Thời "vàng son" của bưởi năm roi đã qua - Ảnh: Internet

Về nguyên nhân vùng bưởi năm roi Bình Minh suy thoái, các chuyên gia nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ cho rằng nhà vườn sử dụng giống bưởi bằng cách nhân giống ghép, chiết cành. Phương pháp này tạo cây giống nhanh nhưng nếu cây bố mẹ có sâu bệnh, bệnh vàng lá, thúi rễ thì hàng loạt cây giống được nhân ra cũng sẽ bị lây bệnh. Một thời gian dài hầu hết bà con sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa hóa học cho vườn bưởi năm roi khiến đất bạc màu, độ phì của đất bị suy giảm trầm trọng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học làm cho thiên địch của sâu bệnh bị tiêu diệt, côn trùng làm tơi xốp đất cũng biến mất. Tất cả những nguyên nhân này làm cho bệnh của cây bưởi phát triển nhanh, nhất là bệnh vàng lá, thúi rễ, chết cây.

Bệnh vàng lá, thúi rễ làm cho vùng bưởi năm roi suy giảm - Ảnh: Internet

Bệnh vàng lá, thúi rễ làm cho vùng bưởi năm roi suy giảm - Ảnh: Internet

Theo TS Nguyễn Bảo Vệ (Đại học Cần Thơ), thực trạng cây bưởi năm roi Bình Minh cũng là tình trạng chung của các vườn cây ăn quả ở ĐBSCL. Do nhà vườn một thời gian dài sử dụng phân bón vô cơ và thuốc hóa học cho mùa màng, điều này tác động làm cho vườn cây suy giảm khả năng chống chọi với sâu bệnh, bệnh vàng lá. Hậu quả của nó là đất bạc màu, nếu bệnh vàng lá, thúi rễ tấn công thì sẽ là nguy cơ cây ăn trái chết hàng loạt.

Quýt hồng thời "vàng son" - Ảnh: Internet

Quýt hồng thời "vàng son" - Ảnh: Internet

Đây là bài học từ những vườn cây có múi ở Bình Minh, Tam Bình (Vĩnh Long) và Lai Vung (Đồng Tháp). Tại Lai Vung năm 2019 có đến hơn 90% vườn quýt hồng bị vàng lá, thúi rễ và lụi tàn là một dẫn chứng. Từ cao điểm 802ha quýt hồng năm 2017-2018, sau đợt bệnh vàng lá, thúi rễ và các bệnh khác trên cây quýt, tổng diện tích quýt hồng trên toàn huyện Lai Vung sau năm 2019 chỉ còn lại 19,8ha. Sau đợt bệnh vàng lá, thúi rễ từ cây quýt hồng, những cuộc hội thảo rút kinh nghiệm về dịch bệnh trên cây quýt hồng có sự hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp từ Trường đại học Cần Thơ với đề án khôi phục 220ha quýt hồng Lai Vung được xúc tiến.

Sau năm 2019, nhiều vườn quýt hồng lụi tàn vì bệnh thúi rễ, vàng lá - Ảnh: Internet

Sau năm 2019, nhiều vườn quýt hồng lụi tàn vì bệnh thúi rễ, vàng lá - Ảnh: Internet

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết, đề án khôi phục 220ha quýt hồng Lai Vung đến nay đã có kết quả tốt. Chủ trì đề tài khoa học này là Trường đại học Cần Thơ kết hợp với ngành NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp và huyện Lai Vung. Chính quyền tỉnh Đồng Tháp và huyện Lai Vung hỗ trợ mạnh mẽ chương trình khôi phục cây quýt hồng. Nông dân tham gia đề án này phải sử dụng phân hữu cơ cho cây quýt hồng theo hướng dẫn và quy định của các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ. Phân hữu cơ sử dụng cho vườn quýt hồng theo tiêu chuẩn của đề án là 1,5 tấn/1.000m2. Bên cạnh đó, phân bón vô cơ vẫn được sử dụng cho vườn quýt hồng thực hiện đề án, tuy nhiên nông dân chỉ sử dụng 70% phân bón vô cơ so với trước đây.

Từ khảo sát của Khoa Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ cho thấy, những thí nghiệm từ việc nhà vườn bón phân hữu cơ có bổ sung nấm Trichoderma giúp vườn cây như cam, quýt, sầu riêng giảm tỷ lệ bệnh Phythopthora rất tốt, năng suất quả sầu riêng gia tăng và chất lượng quả được cải thiện. Kết quả thí nghiệm trên quýt đường ở tỉnh Hậu Giang cho thấy nhà vườn có bón bùn kết hợp bã mía và nấm Trichoderma đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so vườn quýt không bón phân như trên.

Quýt hồng bị bệnh vàng lá, thúi rễ

Quýt hồng bị bệnh vàng lá, thúi rễ

Theo TS Nguyễn Bảo Vệ, ĐBSCL có nhiều nguồn cung cấp phân hữu cơ mà bà con nông dân có thể sử dụng dễ dàng như: rơm rạ (trên 25 triệu tấn/năm), bã bùn và bã mía (trên 120 ngàn tấn bã bùn và trên 1,2 triệu tấn bã mía/năm), phân chuồng,... Phân hữu cơ được bón vào đầu mùa nắng để tránh sự cạnh tranh oxy giữa vi sinh vật phân hủy hữu cơ và rễ cây ăn quả. Liều lượng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả tùy thuộc vào loại phân, loại cây và đặc tính của đất, thông thường nên bón từ 10-20 tấn/ha. Trước khi bón, nông dân phải dùng cuốc răng xới đất nhằm cải thiện cấu trúc của đất, làm đất có nhiều lỗ rỗng hơn để đất trở nên thông thoáng, giúp sự di chuyển của nước trong đất dễ dàng, đất giữ được nhiều nước hơn. Phương pháp này cũng làm tăng mật độ vi sinh vật trong đất, bao gồm cả vi sinh vật có lợi. Ngoài ra, mùn còn có vai trò kích thích cho cây trồng phát triển. Đặc tính này là do sự hiện diện của phân bón hữu cơ, những chất có chức năng như chất điều hòa sinh trưởng thực vật có trong mùn hữu cơ, giúp cho cây ăn quả phát triển tốt, bền vững. Việc nhà vườn tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp cho cây ăn quả vượt qua những bệnh phổ biến như vàng lá, thúi rễ, cây chậm phát triển do đất bạc màu sau thời gian dài nông dân sử dụng phân bón vô cơ.

Văn Kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vai-tro-cua-phan-bon-huu-co-doi-voi-cay-an-qua-o-dbscl-224653.html