Vai trò của quân đội Pháp trong cuộc chiến chống Covid-19

Tối 16-3, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố: 'Nước Pháp đang có chiến tranh' và yêu cầu quân đội tham gia vào cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người dân.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhiều lần lặp đi lặp lại cụm từ “Nước Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh”, đối mặt với kẻ thù “vô hình, khó nắm bắt”. Người dân cần phải hành xử như "đồng minh chiến tranh" để tham gia vào "cuộc chiến bảo vệ sức khỏe". Trong khi nêu ra một loạt biện pháp hạn chế người dân di chuyển và tiếp xúc nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19, Tổng thống Macron yêu cầu quân đội vào cuộc, theo đó, cấp thiết xây dựng bệnh viện dã chiến và sơ tán bệnh nhân nhằm giảm tải cho các bệnh viện ở vùng dịch.

Trước đó, ngày 4-3, khi được hỏi vai trò của quân đội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly nhấn mạnh rằng: "Việc này sẽ được thực hiện theo yêu cầu, nhưng quân đội sẵn sàng khi nhận lệnh”. Trên thực tế, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Không quân Pháp đã tham gia hỗ trợ hồi hương công dân nước này từ Vũ Hán về căn cứ ở Istres, Bouches-du-Rhône, vào ngày 31-1. Các máy bay sau khi tham gia hồi hương công dân đã được khử trùng tại căn cứ Cazaux ở Gironde.

 Hệ thống MORPHEE trên máy bay A330 Phénix. (Ảnh: meretmarine.com).

Hệ thống MORPHEE trên máy bay A330 Phénix. (Ảnh: meretmarine.com).

Do vậy, ngay khi nhận nhiệm vụ đột xuất này từ Tổng thống Macron, Bộ trưởng Florence Parly tuyên bố, Cơ quan y tế quân đội Pháp (SSA) sẽ sớm thành lập bệnh viện dã chiến với 30 giường chăm sóc đặc biệt và do các bác sĩ quân y đảm nhiệm. Trang bfmtv.com cho biết, bệnh viện dã chiến này sẽ được xây dựng ở Alsace, gần Bệnh viện Emile Muller, nơi có thể tiếp nhận bệnh nhân từ vùng Haut-Rhin. Đây là nơi có hơn 1.500 ca dương tính với Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát ở Pháp.

Liên quan đến nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân Covid-19 ra khỏi tâm dịch hoặc chuyển bệnh nhân từ bệnh viện quá tải tới một nơi khác trong lãnh thổ Pháp hoặc trong vùng hải ngoại của nước này, Bộ Quân đội cho biết, sẽ thiết lập hệ thống module hồi sức bệnh nhân trong quá trình vận chuyển đường dài (MORPHEE), cho phép mỗi lần vận chuyển từ 6 đến 12 bệnh nhân. Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho Lực lượng Không quân và SSA. Theo đó, máy bay Phoenix KC-135 hoặc A330 Phénix có thể chở đội ngũ y tế gồm có 4 bác sĩ và 8 y tá cùng với 12 bệnh nhân, trong đó có từ 4 đến 6 người phải sử dụng ống thở, trong một chuyến bay kéo dài 10 giờ. Theo kế hoạch, đợt vận chuyển bệnh nhân đầu tiên bằng MORPHEE diễn ra vào ngày 17-3, từ bệnh viện Mulhouse tới một cơ sở y tế ở Toulon (tỉnh Var).

Tùy thuộc vào yêu cầu, hệ thống MORPHEE có thể được sử dụng nhiều lần trong cuộc chiến chống Covid-19 cả ở Pháp và ở hải ngoại. Được triển khai từ năm 2006, hệ thống MORPHEE từng được kích hoạt nhiều lần để điều trị cho bệnh binh, trong đó có thể kể đến lần sơ tán binh sĩ bị thương trong trận phục kích ở Thung lũng Uzbin (Afghanistan) năm 2008.

 Đưa bệnh nhân từ bệnh viện Mulhouse tới bệnh viện khác bằng trực thăng ngày 17-3. (Ảnh: lavoixdunord.fr).

Đưa bệnh nhân từ bệnh viện Mulhouse tới bệnh viện khác bằng trực thăng ngày 17-3. (Ảnh: lavoixdunord.fr).

Tuy nhiên, cũng phải nói rõ là các phương tiện của SSA không quá lớn. Theo số liệu đăng trên tờ L'Opinion, nhân lực và trang thiết bị của bệnh viện quân đội chỉ chiếm 1% bệnh viện công. Cụ thể, SSA có 1.750 giường bệnh trong tổng số 250.000 giường bệnh và 2.300 bác sĩ trong tổng số 223.000 bác sĩ trên toàn nước Pháp. Do đó, các bác sĩ và y tá quân đội chỉ có thể hỗ trợ các đồng nghiệp dân sự ở mức hạn chế.

Trong khi đó, hải quân Pháp cũng đã sẵn sàng hỗ trợ hệ thống y tế khi cần thiết. Theo đó, máy bay trực thăng của lực lượng Hải quân (đặc biệt là NH90 Caïman và Dauphin) sẵn sàng tham gia vào việc vận chuyển và sơ tán bệnh nhân. Ngoài ra, lực lượng này còn tham gia tuyên truyền nhắc nhở người dân dừng mọi hoạt động giải trí trên biển (chèo thuyền, thể thao dưới nước, đi bộ trên bãi biển). Bên cạnh đó, các tàu sân bay của Pháp với hệ thống y tế hiện đại cũng có thể được huy động trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng.

Ngoài ra, hơn 100.000 cảnh sát và hiến binh cũng được huy động vào cuộc chiến chống Covid-19. Tại cuộc họp báo ngày 16-3, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Barshe Castaner cho biết, hơn 100.000 cảnh sát và hiến binh tại các chốt cố định và di động trên các trục đường quốc lộ và liên tỉnh nhằm kiểm tra việc thực hiện hạn chế di chuyển, trong bối cảnh số ca mắc bệnh Covid-19 ở nước này tiếp tục gia tăng. Tính đến hết ngày 17-3, dịch Covid-19 đã làm 175 người chết ở Pháp, trong đó 7% là người dưới 65 tuổi. Tờ Le Figaro dẫn lời Giáo sư Jérôme Salomon, Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp cho biết, hiện có 699 ca nặng trong tổng số 2.579 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, theo Giáo sư Salomon, 602 bệnh nhân dự kiến có thể xuất viện vào cuối tuần này.

PHƯƠNG LINH (theo Lexpress.fr, Liberatin.fr và opinion.fr)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vai-tro-cua-quan-doi-phap-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-612616