Vai trò của thủ nhang trong việc phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu

Việc chính quyền bổ nhiệm các thanh đồng làm thủ nhang đền, phủ, tránh làm mai một giá trị văn hóa di sản được UNESCO ghi danh, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu.

UBND xã Hà Ngọc (Hà Trung, Thanh Hóa) và Ban quản lý Di tích đền Chầu Đệ tứ (đền Cây thị) vừa tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm đồng đền Trần Anh Tuấn làm thủ nhang đền Cây Thị.

Đại diện chính quyền xã Hà Ngọc trao quyết định bổ nhiệm đồng đền Trần Anh Tuấn làm thủ nhang đền Cây Thị. Ảnh: Vuong Dolphin

Đại diện chính quyền xã Hà Ngọc trao quyết định bổ nhiệm đồng đền Trần Anh Tuấn làm thủ nhang đền Cây Thị. Ảnh: Vuong Dolphin

Ông Trần Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc cho biết, đền Chầu Đệ tứ tọa lạc tại khu vực danh lam thắng cảnh của dãy núi Chung Chinh, thuộc thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một địa danh khí thiêng hội tụ, sơn thủy hữu tình mà tạo hóa đã ban tặng, cũng là nơi bút tích và phát tích của Chầu bà Đệ tứ khâm sai.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc nhấn mạnh, từ trước đến nay, ngôi đền chưa có thủ nhang nên việc thực hiện các nghi lễ tâm linh vào các dịp tuần tiết, lễ hội vẫn còn nhiều hạn chế. Để phát huy hết giá trị về tâm linh, thúc đẩy du lịch tâm linh, phát triển kinh tế cho địa phương, chính quyền địa phương cùng nhân dân xã Hà Ngọc mong muốn tìm được một người đủ tâm, đủ tầm, am hiểu sâu lĩnh vực tâm linh về làm thủ nhang.

Với những trăn trở phụng sự quê hương, ông Trần Văn Tuấn đã có nhân duyên lớn, công đức, xây dựng chính điện thờ Chầu bà Đệ tứ. Vì thế, Đảng ủy, chính quyền, BQL đền Chầu Đệ tứ, nhân dân xã Hà Ngọc nhất trí, đồng thuận giới thiệu và đề cử ông giữ chức vụ thủ nhang ngôi đền. Đây được coi là sự kiện dấu ấn của địa phương, qua đó, quảng bá văn hóa truyền thống để nhiều người trong và ngoài nước biết đến di tích, thúc đẩy du lịch tâm linh làm tiền đề cho phát triển kinh tế cho địa phương.

Thủ nhang Trần Anh Tuấn cho biết, từ nhỏ đã theo mẹ đi hầu Thánh, đến năm 20 tuổi mới được trình đồng mở phủ.

“Sinh thời, mẹ tôi đi khắp nơi hoằng dương Thánh đạo. Năm 2006, khi mẹ mất, để lại tâm nguyện xây dựng đền Chầu Đệ tứ. Năm 2009, tôi công đức xây lại đền như một cơ duyên, dù không ai giao trọng trách trông nom nhưng tôi luôn gìn giữ đền khang trang và hôm nay chính thức được làm thủ nhang. Thực hiện được tâm nguyện của mẹ tôi rất vui, vui hơn nữa là việc hoằng dương Thánh đạo đi vào quy củ, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương”, thủ nhang Trần Anh Tuấn bày tỏ.

Phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh

Chia sẻ với PV VietNamNet, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh cho biết, từ xưa đã có câu: “Bà Đệ tứ khâm sai, bà quyền cai 4 phủ”. Đó là Thiên phủ (trời), Địa phủ (đất), Thoải phủ (nước) và Nhạc phủ (rừng núi). Chầu Đệ tứ là một vị thánh trong đạo Mẫu Tứ phủ Việt Nam. Chầu Đệ Tứ được coi là người hầu cận bên thánh Mẫu.

"UNESCO đã ghi danh thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy vốn quý của dân tộc", Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh chia sẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh. Ảnh: T.Lê

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh. Ảnh: T.Lê

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, thủ nhang phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định) khẳng định với PV VietNamNet, bất kỳ một tín ngưỡng nào cũng đều bao hàm và mang yếu tố tâm linh và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt cũng vậy. Yếu tố tâm linh được thể hiện một cách rõ nét nhất là các nghi thức thực hành tín ngưỡng (dân gian còn gọi là hầu đồng).

Để kế thừa và phát huy được những giá trị văn hóa, những yếu tố tâm linh đặc sắc mang đậm hồn cốt của dân tộc, không thể thiếu những người đã và đang bảo vệ thực hành, truyền trao là những chủ thể của di sản, bao gồm các thanh đồng, pháp sư, cung văn, thủ nhang đồng đền. Đặc biệt các vị đồng trưởng, thanh đồng chính là những người trực tiếp thực hành nghi thức đó. Thông qua đó cũng có định hướng, hướng dẫn cộng đồng những người có niềm tin với tín ngưỡng đi đến sự phát triển tốt đẹp cả về thể chất, tinh thần phù hợp với giá trị văn hóa của dân tộc.

Các vị đồng trưởng, thanh đồng chính là chủ thể đóng vai trò then chốt, là yếu tố quyết định trong việc hình thành và phát triển của tín ngưỡng. Các vai trò đó được thể hiện một cách rõ nét trong các buổi lễ, trong các nghi thức thực hành tín ngưỡng. Việc tiếp thu học tập từ các thế hệ đi trước và trao truyền cho các thế hệ kế cận để đảm bảo việc duy trì và phát triển của tín ngưỡng tránh làm mai một mất đi giá trị văn hóa của di sản.

Trong xu thế phát triển của thời đại, Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh, trách nhiệm của các thanh đồng, thủ nhang đồng đền càng lớn lao hơn bao giờ hết. Ngoài việc thực hành duy trì bảo tồn và phát huy các giá trị tâm linh văn hóa của tín ngưỡng, còn phải kết hợp dung hòa với các yếu tố thời cuộc, nâng cao hiểu biết xây dựng hình ảnh của tín ngưỡng thờ mẫu trở thành một hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế và cũng như trong cộng đồng xã hội.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vai-tro-cua-thu-nhang-trong-viec-phat-huy-gia-tri-di-san-tin-nguong-tho-mau-2355936.html