Vai trò của vật liệu truyền thống trong định hình bản sắc thiết kế Việt
Trong kiến trúc và thiết kế Việt Nam đương đại, vật liệu truyền thống như tre, gỗ, đất, đá ong... không chỉ là những chất liệu xây dựng thuần túy mà còn mang theo lớp trầm tích văn hóa và bản sắc địa phương.
Tuy nhiên, đưa vật liệu truyền thống vào thiết kế hiện đại sao cho phù hợp với công năng, thẩm mỹ và bối cảnh đương đại là một hành trình đòi hỏi sự tinh tế, am hiểu văn hóa và sáng tạo bản lĩnh.

Suối Hai Villa của KTS Nhâm Chí Kiên, Công ty CP Kiến trúc APDI nhận giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025.
Một trong những công trình tiêu biểu cho cách tiếp cận này là Suối Hai Villa của kiến trúc sư (KTS) Nhâm Chí Kiên, Công ty CP kiến trúc APDI, vừa giành giải Bạc - Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025.
Công trình gây ấn tượng bởi cách sử dụng đá ong tự nhiên loại vật liệu gắn liền với kiến trúc làng quê Bắc bộ, trong một ngôn ngữ thiết kế hiện đại, tối giản mà vẫn gợi cảm xúc gần gũi, ấm áp.
Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với KTS Nhâm Chí Kiên.
Vai trò đặc biệt của vật liệu truyền thống trong kiến trúc đương đại
KTS đánh giá như thế nào về vai trò của vật liệu truyền thống như: Gỗ, tre, đá, đất trong sáng tạo kiến trúc hiện nay?
Vật liệu truyền thống giữ một vai trò đặc biệt trong kiến trúc đương đại Việt Nam không chỉ vì giá trị vật lý hay thẩm mỹ, mà còn bởi lớp ký ức và văn hóa mà chúng mang theo.
Trong bối cảnh phát triển đô thị nhanh, việc sử dụng vật liệu truyền thống là một cách để cân bằng giữa hiện đại và bản sắc, giữa công nghệ và ký ức. Những chất liệu như: Tre, gỗ, đất, đá không chỉ giúp không gian "thở" theo cách riêng, mà còn gợi nên những cảm xúc gần gũi, nhân văn, điều mà nhiều vật liệu hiện đại khó thay thế.
Theo KTS, vì sao vật liệu truyền thống có thể tạo nên bản sắc riêng cho công trình, trong khi vật liệu hiện đại ngày càng đa dạng và tiện lợi?
Chính sự mộc mạc, không hoàn hảo tuyệt đối và tính địa phương cao của vật liệu truyền thống tạo nên bản sắc riêng biệt cho công trình. Mỗi viên đá ong, mỗi tấm gỗ cũ đều mang dấu vết của thời gian, của khí hậu, của con người bản địa.
Trong khi đó, vật liệu hiện đại thường được sản xuất công nghiệp, hướng đến sự đồng nhất và tiện dụng, nhưng đôi khi thiếu đi sự cá tính và chiều sâu văn hóa. Khi đưa vật liệu truyền thống vào không gian hiện đại, ta không chỉ xây dựng công trình mà ta đang kể lại câu chuyện của một vùng đất.
Từng vật liệu truyền thống đều mang tính địa phương rất rõ. Là một KTS, ông thường bắt đầu từ đâu để lựa chọn chất liệu phù hợp với không gian và thông điệp công trình?
Tôi thường bắt đầu từ chính bối cảnh, cả địa lý lẫn văn hóa. Vị trí xây dựng, khí hậu, chất liệu sẵn có tại địa phương là yếu tố nền tảng, nhưng điều quan trọng không kém là cảm xúc và ký ức mà công trình muốn truyền tải.
Có những nơi gợi về đá ong, có nơi lại cần đến tre, gỗ hay đá. Việc lựa chọn chất liệu với tôi luôn là một hành trình đối thoại giữa công năng và cảm xúc, giữa con người và thiên nhiên. Khi vật liệu đúng, không gian sẽ tự nó "nói lên" được tinh thần mà công trình hướng tới.
Vật liệu truyền thống cần được coi là tài nguyên văn hóa

KTS Nhâm Chí Kiên, Công ty CP kiến trúc APDI.
Theo KTS, làm thế nào để các vật liệu truyền thống được ứng dụng hiệu quả hơn trong thiết kế hiện đại, không chỉ là "trang trí" mà thực sự gắn với cấu trúc và công năng công trình?
Để vật liệu truyền thống không trở thành chi tiết trang trí mang tính mô phỏng hay hoài cổ, người KTS cần hiểu rõ đặc tính kỹ thuật và giới hạn của vật liệu đó, như: Từ khả năng chịu lực, cách thi công cho đến độ bền theo thời gian.
Khi hiểu sâu, ta mới có thể đưa vật liệu vào hệ kết cấu, vỏ công trình hoặc các yếu tố chức năng chính, thay vì chỉ dừng lại ở lớp "vỏ bọc" thẩm mỹ. Đồng thời, cần kết hợp tinh thần truyền thống với kỹ thuật hiện đại, tạo ra những giải pháp kiến trúc mới nhưng vẫn giữ được "hồn" cũ.
Thời tiết ở Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, khá khắc nghiệt với sự thay đổi rõ rệt giữa các mùa. Vì vậy, khi sử dụng vật liệu tự nhiên trong kiến trúc, đòi hỏi phải có những kỹ thuật và công nghệ xử lý phù hợp để đảm bảo độ bền, tính ổn định cũng như khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu đặc thù của khu vực.
Trong công trình Suối Hai Villa đạt giải Bạc - Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025, KTS đã chọn sử dụng đá ong tự nhiên. Điều gì khiến KTS tin rằng loại vật liệu này phù hợp với ngôn ngữ thiết kế mà KTS đang hướng tới?
Suối Hai Villa là công trình nằm giữa thiên nhiên, núi đồi, hồ nước và không gian thôn quê Bắc bộ. Tôi muốn công trình được hòa vào trong cảnh quan đó. Đá ong và gỗ tự nhiên, với vẻ ngoài thô mộc và màu sắc ấm áp, chính là chất liệu lý tưởng để tạo nên sự kết nối đó. Cùng với đó, hệ thống vườn trên mái giúp công trình hòa vào tự nhiên mà vẫn giữ được cá tính riêng.
Trong công trình Suối Hai Villa, chúng tôi nhìn nhận đá ong không chỉ là một vật liệu địa phương có giá trị thẩm mỹ, mà còn là một tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, vừa là lợi thế, vừa là giới hạn. Vì vậy, thay vì khai thác đá ong tự nhiên với quy mô lớn, chúng tôi chọn sử dụng nó ở những tỷ lệ nhỏ, nơi chất liệu quen thuộc này có thể phát huy tối đa cảm xúc và chiều sâu bản địa.
Ở những mảng diện tích lớn hơn, chúng tôi tái tạo lại chất cảm của đá ong (mầu sắc đỏ vàng và bề mặt gồ ghề lỗ rỗ) bằng cách kết hợp kỹ thuật đổ khuôn thủ công khổ lớn và pha màu gốc nước bằng tay, nhằm tạo nên các lớp màu tự nhiên, gần với sắc thái vốn có của đá ong.
Đây là quá trình đòi hỏi nhiều công sức và chi phí cao hơn so với việc sử dụng đá tự nhiên, nhưng đổi lại, nó giúp bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá và vẫn giữ được tinh thần mộc mạc, gần gũi mà chúng tôi mong muốn truyền tải qua công trình.

Suối Hai Villa một trong những công trình sử dụng vật liệu tự nhiên truyền thống trong thiết kế.
KTS có kỳ vọng gì về việc phát triển và bảo tồn các vật liệu truyền thống trong tương lai, nhất là trong bối cảnh kiến trúc Việt đang hội nhập sâu với thế giới?
Vật liệu truyền thống cần được coi là tài nguyên văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần là vật liệu xây dựng. Việc nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công trình hiện đại là cần thiết, nhưng không nên "công nghiệp hóa" làm mất đi tính nguyên bản.
Nhiều năm qua, chúng ta thường nhắc đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc và truyền thống trong kiến trúc, nhưng những giá trị này vẫn còn mơ hồ, thiếu rõ ràng và hệ thống. Chúng ta chưa thực sự hiểu rõ "tính dân tộc" là gì, bắt nguồn từ đâu và cần thể hiện ra sao trong bối cảnh hiện đại. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới, nâng cấp và phát triển tính dân tộc để nó không chỉ là hoài niệm mà còn song hành cùng thời đại.
Thay vì nói nhiều về truyền thống một cách lan man, điều quan trọng là làm tốt chuyên môn. Bản sắc được thể hiện qua chất lượng thiết kế, nơi truyền thống được nghiên cứu nghiêm túc, chuyển hóa bằng tư duy hiện đại và kỹ năng vững vàng. Khi đó, tính dân tộc mới có thể phát triển bền vững trong thời đại hôm nay.