Vai trò của vị 'nhạc trưởng' trong điều hành thảo luận

Trong phiên thảo luận tại Viện Đại biểu (Hạ viện), Chủ tịch Hạ viện là người chủ tọa phiên họp và không được phép tham gia phát biểu tranh luận. Thời gian phát biểu của từng nghị sĩ trong quá trình thảo luận không bị Hạ viện khống chế, mà tùy thuộc vào sự điều hành của Chủ tịch Hạ viện. Vì thế có thể nói, ở vị trí này, người chủ tọa đóng vai trò như một vị 'nhạc trưởng' chỉ huy dàn nhạc, điều khiển tiết tấu của cuộc thảo luận.

. Tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả

. Quyền lực của Quốc hội qua các bản Hiến pháp

Một phiên họp toàn thể tại Hạ viện Nhật Bản được xem là hợp lệ khi có đủ 1/3 tổng số thành viên của Hạ viện tham dự. Bắt đầu phiên họp xem xét dự án luật của Hạ viện, Chủ nhiệm ủy ban sẽ báo cáo về quy trình xem xét dự án luật tại ủy ban và quá trình đi đến quyết định của ủy ban. Sau đó, các hạ nghị sĩ có ý kiến thiểu số sẽ trình bày quan điểm của mình. Chủ nhiệm ủy ban cũng như các thành viên có ý kiến thiểu số không được phép bổ sung quan điểm riêng vào các bản báo cáo đã được gửi đến Chủ tịch Hạ viện.

Trong trường hợp Hạ viện đã quyết định bỏ qua giai đoạn xem xét dự án luật tại ủy ban thì vào thời điểm này, thay cho các báo cáo của ủy ban, chủ thể trình dự án luật sẽ phải giải trình về mục đích và các giải pháp lập pháp được đưa ra. Sau khi Chủ nhiệm hoặc thành viên của nhóm thiểu số đã hoàn thành báo cáo của mình, theo chủ tọa của Chủ tịch Hạ viện, các nghị sĩ sẽ tiến hành tranh luận về dự án luật. Trước hết, các nghị sĩ có thể yêu cầu chủ thể trình dự án, Chủ nhiệm ủy ban, hoặc những người có quan điểm thiểu số giải thích thêm về những vấn đề có liên quan đến báo cáo của các chủ thể này. Sau đó, các hạ nghị sĩ sẽ tranh luận về các giải pháp lập pháp có liên quan. Vào thời điểm này, Chủ nhiệm ủy ban, những người đã trình bày ý kiến thiểu số cũng có thể phát biểu bổ sung để làm rõ hơn các báo cáo của mình.

 Hạ viện Nhật Bản triệu tập phiên họp bất thường vào ngày 28.11. Ảnh: Kyodo

Hạ viện Nhật Bản triệu tập phiên họp bất thường vào ngày 28.11. Ảnh: Kyodo

Trong quá trình chủ tọa phiên thảo luận, Chủ tịch Hạ viện chú ý đến nguyên tắc cho phép người phản đối vấn đề được phép phát biểu trước và tạo ra sự xen kẽ giữa các ý kiến phản đối và ủng hộ. Các nghị sĩ chỉ được phép phát biểu tối đa là ba lần về một vấn đề. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với những nghị sĩ được chỉ định là đại diện của ủy ban tham gia tranh luận về dự án luật. Thời gian phát biểu của từng nghị sĩ trong quá trình thảo luận không bị Hạ viện khống chế, mà tùy thuộc vào sự điều hành của Chủ tịch Hạ viện.

Trong phiên thảo luận, Chủ tịch Hạ viện thực hiện vai trò chủ tọa phiên họp và không tham gia phát biểu tranh luận. Tuy nhiên, nếu muốn trình bày chính kiến cá nhân, Chủ tịch Hạ viện phải thông báo trước với Hạ viện và phải rời vị trí chủ tọa để ngồi vào ghế nghị sĩ của mình tại Hội trường cho đến khi kết thúc việc biểu quyết.

Trong quá trình xem xét dự án luật tại phiên họp toàn thể của Hạ viện, các nghị sĩ có thể kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung về dự án luật. Trường hợp các kiến nghị có dẫn đến việc làm tăng ngân sách hoặc cần có bảo đảm về mặt tài chính thì kèm theo bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung phải có bản giải trình chi tiết về các vấn đề này.

Quá trình thảo luận về dự án luật thường kết thúc khi không còn nghị sĩ nào có thêm ý kiến tranh luận. Sau khi kết thúc thảo luận, các nghị sĩ có mặt tiến hành biểu quyết. Nghị viện Nhật Bản không chấp nhận hình thức biểu quyết thay kể cả trường hợp người vắng mặt đã ủy quyền bằng văn bản. Nghị viện có nhiều cách thức khác nhau để tiến hành biểu quyết như bằng cách hô to; đứng dậy; bỏ phiếu ghi danh bằng lá phiếu màu trắng hoặc xanh.

Toàn bộ quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể để xem xét dự án luật sẽ được ghi vào biên bản. Nội dung của biên bản có thể được sửa đổi theo yêu cầu của các nghị sĩ, thường chỉ là những chú thích ngắn để làm rõ thêm về ý kiến của nghị sĩ hoặc để hiệu đính những từ, ngữ trong bài phát biểu. Việc hiệu đính không được phép thay đổi những ý chính đã được ghi trong biên bản. Biên bản phải được Chủ tịch Hạ viện cùng Tổng Thư ký hoặc Phó Tổng thư ký xác thực và công bố trên Công báo.

Trong cuộc họp vào tháng 11.2024, ông Nukaga Fukushiro của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã được tái bầu giữ chức Chủ tịch Hạ viện. Trước đó, ông đã giữ chức vụ này từ tháng 10.2023. Là một thành viên của LDP, ông được bầu vào Hạ viện từ năm 1983. Ông từng giữ ghế Bộ trưởng Tài chính từ năm 2007 đến năm 2008 và từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Cơ quan Quốc phòng Nhật Bản và hai lần giữ chức Phó Chánh văn phòng Nội các.

Theo quy định, lương của Chủ tịch hai viện là 2.170.000 yên/tháng; của Phó chủ tịch là 1.584.000 yên/tháng và của các nghị sĩ là 1.294.000 yên/tháng.

Vũ Quỳnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vai-tro-cua-vi-nhac-truong-trong-dieu-hanh-thao-luan-post397944.html