Vai trò 'đầu tàu' của cán bộ, đảng viên

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp cách mạng. Đây cũng được xem là điều kiện tiên quyết, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thực hiện nghiêm túc sự gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi, thật sự làm gương, “đầu tàu” cho quần chúng Nhân dân noi theo.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, ban hành ngày 30/10/2016 đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân...

Những quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương được thực hiện đồng bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương; nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trước Nhân dân... Đối với người đứng đầu phải trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân, kịp thời đối thoại với Nhân dân khi cần thiết; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Người đứng đầu cũng phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân...

Từ những nhiệm vụ, giải pháp trên cho thấy, việc nêu gương, “đầu tàu” là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, được cụ thể hóa trên các mặt công tác, qua đó đề ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã minh chứng vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy để phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, thì càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương, ý thức trách nhiệm, luôn nỗ lực phát huy tinh thần gương mẫu để dẫn dắt quần chúng cùng gắng sức thực hiện nhiệm vụ cách mạng chung của Đảng, của đất nước.

Mỗi cán bộ, đảng viên khi tự giác nêu gương thì có thể thúc đẩy, tạo sự lan tỏa các phong trào phát triển đi lên. Đảng ta cũng có những giải pháp để khuyến khích, tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên phát huy sự tiên phong, gương mẫu của mình, đó là việc khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm mà như trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Đảng ta cũng có cơ chế phù hợp để khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Gia Bảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vai-tro-dau-tau-nbsp-cua-can-bo-dang-vien-254729.htm