Vai trò gìn giữ hòa bình của LHQ nhìn từ xung đột Nga - Ukraine
Liên Hợp Quốc vẫn là tổ chức lớn nhất và tích cực nhất trong thực hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột và dẫn dắt nỗ lực gìn giữ hòa bình thế giới.
Hôm 3-3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và yêu cầu nước này rút quân ngay lập tức. 141/193 nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ, năm quốc gia bỏ phiếu phản đối và 35 nước khác bỏ phiếu trắng.
Về mặt pháp lý, nghị quyết nói trên của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc thực thi, tuy nhiên nó có ý nghĩa quan trọng khi thể hiện sự nhất trí, sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề xung đột. Nó cũng thể hiện vai trò dẫn dắt và trung tâm của LHQ và các tổ chức trực thuộc trong nỗ lực tránh mâu thuẫn lợi ích leo thang thành mâu thuẫn quân sự.
Liên Hợp Quốc nỗ lực phát huy vai trò kiến tạo hòa bình
Hiện nay, xét về mặt quy mô thì LHQ hiện là tổ chức quốc tế lớn nhất với 193 thành viên, sáu cơ quan chính và hàng chục tổ chức chuyên môn phụ thuộc. Điều này tạo cho LHQ lợi thế rất lớn để trở thành trung tâm hòa giải, kiến tạo hợp tác và duy trì hòa bình trên toàn cầu.
Mục đích và tôn chỉ hoạt động trên cũng được nêu rõ trong nội dung Hiến chương LHQ, trong đó nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác, đồng thời phải nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
LHQ thông qua các cơ quan trực thuộc cũng có quyền đánh giá các mối đe dọa đối với hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.
Trên thực tế, kể từ khi thành lập vào năm 1945, LHQ đã trở thành tổ chức tiên phong loại hình ngoại giao mới mà ở những thế kỷ trước chưa từng xuất hiện: Tận dụng thế mạnh số đông của cộng đồng quốc tế để gây tác động tập thể nhằm mục đích duy trì hòa bình ở những khu vực có xung đột. Thế mạnh này cũng trở thành áp lực đè lên những nước vẫn còn cân nhắc và sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết mâu thuẫn với nước khác như trường hợp của Nga đối với Ukraine thời gian qua.
Nỗ lực gìn giữ hòa bình của tổ chức này cũng được thể hiện rõ ràng thông qua việc triển khai hơn 12 phái bộ hòa bình với hơn 90.000 nhân viên thực địa để giúp chấm dứt xung đột và hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều nước thành viên. Hàng loạt cuộc xung đột quân sự, phần lớn là nội chiến như ở Somalia, hay giữa Israel và Palestine đều được LHQ chú ý và hết sức thúc đẩy đàm phán giữa các bên liên quan. Đến nay, tình hình giữa Israel và Palestine đã được cải thiện với các đợt tiếp xúc tương đối thường xuyên giữa hai bên; còn Somalia đã tổ chức được một đợt tổng tuyển cử.
Nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ còn thể hiện qua công tác pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế. Các chuyên gia của tổ chức này đã đưa ra nhiều định hướng cho nhiều chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực pháp lý cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Đến nay, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết với sự hậu thuẫn của LHQ, xác lập chặt chẽ khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Vai trò của Liên Hợp Quốc khó thay thế
Trong một bài viết có tựa đề “Vai trò của LHQ hiện quan trọng hơn bao giờ hết” đăng tải trên tạp chí The National Interest, chuyên gia Raja Karthikeya làm việc cho Ban Thư ký LHQ khẳng định một câu hỏi được đặt ra rất nhiều lần trong giai đoạn hiện nay là với việc hàng loạt tổ chức quốc tế khác nhau ra đời như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), vai trò của LHQ như trụ cột dẫn dắt nỗ lực gìn giữ hòa bình có bị lu mờ hay không.
Theo chuyên gia này, câu trả lời là có. Ông cho rằng mục tiêu của LHQ trên thực tế là tạo ra một thế giới mà không cần đến LHQ, khi mà các nước tích cực và tự giác giải quyết vấn đề với nhau trên tinh thần hòa giải, hòa bình mà không cần phải có một bên thứ ba đứng ra thuyết phục hoặc gây áp lực. Tuy nhiên, thực tế là chừng nào thế giới vẫn còn xung đột và bạo lực thì LHQ vẫn sẽ còn tồn tại để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, trên thực tế thì khi công nghệ và khoa học quân sự ngày càng phát triển, các cuộc xung đột quân sự sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn và bên nào khi tham chiến cũng có thể gây thiệt hại quá sức cho đối phương, khiến kết quả cuối cùng là cả hai tự hủy diệt lẫn nhau. Trong tình huống đó, ngoại giao lại trở thành con đường được các bên quay về lựa chọn để giải quyết bất đồng và LHQ lúc đó sẽ là tổ chức đứng ra “đặt bàn” cho họ.
“Nói cách khác, LHQ trở thành một chiếc ô mà các bên dù có khác biệt đến mấy cũng có thể đứng chung bởi tổ chức này được tạo nên hoàn toàn vì các hoạt động và mục tiêu có lợi cho thế giới nói chung” - theo ông Karthikeya. Dĩ nhiên, việc thiết lập môi trường đàm phán vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là phải làm sao để bắt đầu cuộc đối thoại và phải bắt đầu đúng thời điểm, đây là điểm mà ông cũng đồng ý là LHQ phải cải thiện.
Theo chuyên gia Karthikeya, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đang nỗ lực cải cách hệ thống của tổ chức này về lâu dài. Tuy nhiên, để có hiệu quả, các chính phủ sẽ phải làm tốt hơn nữa để duy trì tầm quan trọng của LHQ và trên thực tế thì tới lúc này tổ chức này vẫn là lựa chọn hiệu quả nhất để theo đuổi việc khôi phục và duy trì hòa bình.•
Quốc hội Ukraine hôm 3-3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi LHQ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới hỗ trợ nước này, đồng thời thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine và mở hành lang xanh cho hoạt động cứu trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế.
Theo hãng tin Reuters
Việt Nam kỳ vọng tiếp tục được LHQ hỗ trợ
Theo thông tin từ phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang ngày 3-3 đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 - ông Abdulla Shahid.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chia sẻ những ưu tiên sẽ thúc đẩy trong thời gian tới, trong đó có một số cuộc thảo luận cấp cao về xúc tiến du lịch, bảo vệ môi trường và các phiên tham vấn về Báo cáo Chương trình hành động chung của Việt Nam. Ông cũng mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Việt Nam đối với các sự kiện trên cũng như các hoạt động của LHQ nói chung.
Về phần mình, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, trách nhiệm của LHQ, trong đó có các hoạt động quan trọng của Đại hội đồng. Đại sứ cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy sự tham gia và đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam trong công việc chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đồng thời mong muốn LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế.