Vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Cách đây 52 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lập nên chiến công vang dội, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngay từ tháng 6-1967, trước thời cơ cách mạng mới, Bộ Chính trị tiến hành họp thông qua quyết tâm chiến lược, trong đó xác định ta phải giành thắng lợi quyết định (dự kiến trong năm 1968), buộc Mỹ phải thua về quân sự, tạo sự chuyển biến nhảy vọt về cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Tháng 1-1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 14, nhất trí thông qua quyết tâm của Bộ Chính trị. Hội nghị nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Thực hiện Nghị quyết lần thứ 14 của Trung ương Đảng, trên cả hai miền Nam-Bắc đều khẩn trương làm công tác chuẩn bị về mọi mặt.
Ngay sau khi Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược giành thắng lợi quyết định, QUTƯ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chuẩn bị lực lượng, đặc biệt là huấn luyện, nâng cao trình độ của lực lượng chủ lực. Lực lượng chủ lực của bộ (các sư đoàn 308, 304, 320, 312) được kiện toàn về tổ chức biên chế, bổ sung vũ khí trang bị. Sau lớp tập huấn của bộ (tháng 7-1967) về phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng, các đơn vị chủ lực mở đợt sinh hoạt chính trị và tập huấn quân sự cho cán bộ các cấp. Tiếp đó, các đơn vị chủ lực và một số đơn vị binh chủng đẩy mạnh huấn luyện về phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, nâng cao trình độ chiến đấu trong thành phố, thị xã và sẵn sàng cơ động vào chiến trường miền Nam khi có lệnh. Đến đầu năm 1968, trên tất cả chiến trường ở miền Nam, mọi công tác chuẩn bị, trong đó có sự chuẩn bị các lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 về cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm yếu tố mật, sẵn sàng chờ giờ G để phối hợp tiến công tiêu diệt địch.
Đêm 29 rạng sáng 30-1-1968 (đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968), các LLVT của ta ở miền Nam đồng loạt tiến công, kết hợp với nổi dậy của quần chúng ở 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trọng điểm là các thành phố lớn, như: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Tại nội thành Sài Gòn, lực lượng biệt động đồng loạt, bất ngờ tiến công vào Dinh Độc Lập, bộ tổng tham mưu ngụy, bộ tư lệnh hải quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ. Phối hợp với lực lượng biệt động, LLVT, bán vũ trang của các ngành, các giới đánh địch tại chỗ và phát động quần chúng nổi dậy, giành quyền làm chủ ở một số khu vực nội thành; đồng thời LLVT của các phân khu 1, 2, 3, 4 và 5 ở các vùng ven đô và lân cận tiến công đánh chiếm một số mục tiêu địch. Ở vòng ngoài, lực lượng chủ lực Miền phối hợp với LLVT địa phương đánh vào các sở chỉ huy, kho tàng và các căn cứ xuất phát tiến công của địch, không cho địch đưa lực lượng từ ngoài vào ứng cứu nội thành. Tại Huế, sau khi lực lượng pháo binh bắn đồng loạt vào các vị trí địch, LLVT ta trên hai cánh Bắc và Nam đồng loạt đánh vào 40 mục tiêu địch trong và ngoại thành Huế. Ở Đà Nẵng, sau khi lực lượng pháo binh ta bắn phá các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn và lực lượng biệt động, tự vệ đánh chiếm một số mục tiêu ở nội thành ngày 30-1, thì ở phía Bắc, lực lượng bộ binh, công binh và LLVT Khu 1 tiến công đồn Nhất và đánh chiếm thị xã Nam Ô. Ở phía Nam, lực lượng đặc công và LLVT Khu 2 tiến công sở chỉ huy trung đoàn 51 quân ngụy Sài Gòn.
Phối hợp với ba trọng điểm lớn là Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng, LLVT ta trên khắp các chiến trường tổ chức tiến công vào nhiều thành phố, thị xã, quận lỵ, căn cứ quân sự, sân bay, kho tàng của địch. Ở miền Đông Nam bộ, bộ đội chủ lực, đặc công và biệt động phối hợp tiến công sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình, bộ chỉ huy dã chiến 2 của Mỹ ở Biên Hòa, tòa hành chính Thủ Dầu Một, ty cảnh sát…
Tại Tây Nguyên, các lực lượng của ta phối hợp tiến công địch, làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột trong 6 ngày, làm chủ một phần các thị xã Kon Tum, Pleiku và chiếm giữ căn cứ Tân Cảnh. Ở đồng bằng Khu 5 và Quân khu 6, các lực lượng của ta phối hợp đồng loạt tiến công vào các thành phố: Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, các thị xã Hội An, Tuy Hòa, Phan Thiết… gây cho địch một số thiệt hại.
Có thể nói, mặc dù còn một số hạn chế, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa hết sức quan trọng và để lại những bài học quý giá. Trong đó, phải kể đến sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, mang tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, trực tiếp là Bộ Chính trị, QUTƯ. Ngoài ra, chiến dịch này cũng để lại nhiều bài học quý về công tác chuẩn bị lực lượng, nghệ thuật phối hợp tác chiến giữa các lực lượng trong quá trình tác chiến đánh địch, có thể nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo trong công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện bộ đội, nâng cao sức chiến đấu của quân đội trong tình hình mới.