Vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định là một đảng cách mạng chân chính, đội tiên phong của giai cấp và dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục là lực lượng chính trị duy nhất khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới vì mục tiêu 'dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình đất nước, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đề ra Đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu bước ngoặt trên hành trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước những thử thách gay gắt do sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng vẫn chủ trương tiếp tục vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể và đặc điểm của Việt Nam. Bởi lẽ: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử” (1).
Trong thời kỳ đổi mới, quá trình không ngừng bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, cùng với sự chỉ đạo sáng tạo, linh hoạt của Đảng và ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc trong gần 40 năm đổi mới, là nhân tố căn bản tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là cơ sở, nền tảng để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” (2).
Cùng với việc xác định các đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa, Đảng chỉ rõ, phải nhận thức và giải quyết tốt những mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới về chính trị; quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Bên cạnh đó, nhằm phát triển đất nước phát triển nhanh, bền vững, theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ trương: Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng (chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh), kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, kiên định các nguyên tắc đổi mới.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trên cơ sở những thành tựu đạt được sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (3), phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong chỉ đạo thực tiễn, một mặt, Đảng chỉ đạo công cuộc đổi mới theo phương châm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; mặt khác, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, trong đó: Xác định mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đó là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển con người toàn diện.
Thực hiện chính sách xã hội vì con người, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội và thực hiện chính sách phát triển bao trùm "để không ai bị bỏ lại phía sau". Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thực hiện chính sách đối ngoại, theo phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc quốc tế”, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về chính trị-tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ; tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, cùng sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc, đến nay, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được kết quả nổi bật: “Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới” (5).
Quốc phòng - an ninh luôn được củng cố, tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định luôn luôn được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội luôn luôn được bảo đảm; Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được chăm lo đầu tư, xây dựng ngày càng tinh, gọn, mạnh cả về chính trị, tư tưởng và vũ khí, trang thiết bị (6). Trên lĩnh vực đối ngoại: “Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác” (7).
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 1991, tr.8.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.70.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.111.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.30.
(5) (6) (7) Xem: Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 1/2/2024.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng