Vai trò ngân hàng trong trung tâm tài chính quốc tế
Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu là cần thiết. Song để hiện thực hóa mục tiêu này, cần lưu ý vai trò của khối ngân hàng.

Nguồn: Thông tin tổng hợp từ Hiệp hội NH ASEAN; NH Phát triển châu Á; NH Trung ương các nước Indonesia, Malaysia, Philippine và Thái Lan; NH Nhà nước Việt Nam và Công ty Tài chính Quốc tế.
Sự hiện diện của các NH quốc tế
Trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng, sự hiện diện của các NH quốc tế đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao uy tín và kết nối với các thị trường tài chính hàng đầu thế giới. Bởi nhờ vào mạng lưới hoạt động rộng khắp, các NH toàn cầu có thể cải thiện thứ hạng của TTTC Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Chẳng hạn với kinh nghiệm thiết kế và vận hành hệ thống hạ tầng tài chính, các NH lớn như JP Morgan, Bank of America hay Deutsche Bank, có thể hỗ trợ phát triển hệ thống thanh toán bù trừ hiện đại, tạo nền tảng cho một TTTC đẳng cấp quốc tế.
Do hầu hết các NH quốc tế hoạt động theo mô hình Tập đoàn tài chính NH (Bank Holding Company), họ có thể thu hút các chi nhánh khác như NH đầu tư, quản lý tài sản và bảo hiểm, cũng như các sản phẩm tài chính mới như tài chính xanh, giao dịch tài sản số và mã hóa, để tham gia vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái tài chính thông minh, toàn diện và bền vững.
Hiệu ứng lan tỏa từ sự kết hợp với các NH quốc tế, sẽ củng cố vị thế của TTTC quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực về tài chính và đầu tư.
Hiện nay các NH nước ngoài vẫn gặp nhiều hạn chế về quy mô hoạt động, mạng lưới chi nhánh và khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ Việt Nam.
Khối NH này chủ yếu phục vụ doanh nghiệp (DN) lớn, trong khi việc mở rộng dịch vụ cho khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ rất cần thiết lại bị nhiều hạn chế.
Với quy định pháp lý chặt chẽ, đặc biệt là giới hạn sở hữu tối đa 30% cổ phần trong NH nội địa (tối đa 20% cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài), cũng làm giảm khả năng mở rộng ảnh hưởng của khối NH ngoại. Kể từ ngày 19-5-2025, NHNN cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 49%, nhưng quy định này chỉ áp dụng cho một số ít các NH nội đáp ứng đủ điều kiện.
Dựa trên phân tích dữ liệu hệ thống NH của các quốc gia trong khối ASEAN trong bảng dưới đây, chúng tôi đề xuất phương án mở rộng hơn nữa tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt là NH quốc tế tại các NH thương mại Việt Nam. Trước mắt, có thể áp dụng tỷ lệ 49% cho nhiều NH, và trong lộ trình dài hạn có thể xem xét điều chỉnh lên tới mức 60% hoặc cao hơn.
Việc nới lỏng biên độ sở hữu không chỉ kích hoạt làn sóng giao dịch sôi động trong giai đoạn đầu, mà còn tạo động lực phát triển lâu dài và bền vững cho thị trường tài chính Việt Nam, đưa hệ thống NH tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Trong ngắn hạn, việc cho phép NH quốc tế tiếp cận thị trường nội địa thông qua sở hữu cổ phần của các NH trong nước, có thể được sử dụng như một phương thức “trải thảm đỏ” để kêu gọi đầu tư vào TTTC.
Trong dài hạn, việc tăng tỷ lệ sở hữu của các đối tác chiến lược nước ngoài trong hệ thống NH Việt Nam, không chỉ giúp mở rộng quy mô mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời góp phần giảm chi phí vốn. Các NH nước ngoài có thể huy động vốn từ NH mẹ ở nước ngoài với lãi suất cạnh tranh, từ đó đầu tư hiệu quả vào Việt Nam cũng như các thị trường trong khu vực.
Mặt khác, các NH nội địa sẽ có cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn dồi dào, kinh nghiệm và các công nghệ quốc tế (về số hóa NH, ứng dụng fintech, blockchain, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ bảo mật), cũng như khả năng quản lý rủi ro minh bạch (tiêu chuẩn Basel III), giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu.
Bên cạnh lợi ích tài chính, sự tham gia sâu rộng hơn của các định chế tài chính quốc tế, còn tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính - NH.
Điều này không chỉ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hạ tầng tài chính, mà còn gia tăng khả năng kết nối của Việt Nam với chuỗi giá trị tài chính toàn cầu, giúp hệ thống NH vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Nâng cao vai trò QTTC, tạo hàng hóa cho thị trường
Hệ thống DN, đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển 2 TTTC quốc tế của Việt Nam tại TPHCM và Đà Nẵng. Chứng khoán do các DN này phát hành như cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính phái sinh liên quan đến DN (thí dụ như hợp đồng kỳ hạn, tương lai, hay quyền chọn), sẽ chính là những “hàng hóa” chủ lực được giao dịch trên thị trường.
Chất lượng của các “hàng hóa” này không chỉ phản ánh tình hình tài chính và mức độ minh bạch của DN, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính thanh khoản và độ sâu của thị trường.
Do đó, việc nâng cao chất lượng “hàng hóa” trên thị trường thông qua việc cải thiện năng lực QTTC và hiệu quả hoạt động của DN, là một trong những yếu tố cốt lõi giúp nâng cao tính minh bạch của thông tin, tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới cho thấy, một hệ thống QTTC hiệu quả, sẽ giúp cải thiện chất lượng quản lý và vận hành DN, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó giúp DN nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh. Ở góc độ vĩ mô, QTTC cũng giúp cải thiện tính minh bạch thông tin, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị TTCK, thu hút dòng vốn bền vững và góp phần xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh và ổn định.
Bên cạnh đó, một hệ thống QTTC tốt, không chỉ tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, mà còn thúc đẩy trách nhiệm xã hội của DN, góp phần tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng và môi trường. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển mô hình DN và thị trường tài chính bền vững, phù hợp với các xu hướng toàn cầu về phát triển xanh và đầu tư có trách nhiệm.
Tuy nhiên, hiện tại chất lượng QTTC của các DN niêm yết tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát “Thẻ điểm quản trị Đông Nam Á” gần đây, Việt Nam hiện đang đứng cuối trong 6 nước Đông Nam Á về chất lượng QTTC.
Một trong những trở ngại lớn là sự thiếu vắng các tổ chức đầu tư quốc tế chuyên nghiệp - đây là các tổ chức có kinh nghiệm và năng lực giám sát và tư vấn cao, giúp nâng cao QTTC theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các vấn đề tồn đọng bao gồm sự hạn chế trong việc thực thi trách nhiệm, năng lực giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT), thiếu tính độc lập, thiếu bộ quy tắc đạo đức, hạn chế trong quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.
Ngoài ra, nhiều hoạt động quan trọng của HĐQT chưa được thực hiện theo thông lệ quốc tế, như việc công bố giao dịch với bên liên quan, chi trả cổ tức, cơ chế tìm kiếm thành viên HĐQT, xây dựng khung thù lao và đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐQT và ban điều hành.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển TTTC quốc tế, những hạn chế nêu trên sẽ có thể gây cản trở cho việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài cũng như ảnh hưởng tới chất lượng các chứng khoán giao dịch trên thị trường. Do vậy, việc nâng cao chất lượng QTTC là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng DN.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc xây dựng và thực thi quyết liệt các quy định nhằm thúc đẩy áp dụng thông lệ quốc tế về QTTC là hết sức cần thiết để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của TTCK và các TTTC quốc tế. Điều này đòi hỏi một hệ thống chính sách nhất quán, phù hợp với chuẩn mực toàn cầu, nhưng đồng thời phải được điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Một thí dụ điển hình là Thông tư 68/2024/TT-BTC, được ban hành vào tháng 9-2024, yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường, qua đó nâng cao sức hấp dẫn và khả năng hội nhập của TTTC.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi lộ trình này bằng cách đẩy nhanh tiến trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, từ đó từng bước nâng cao chất lượng báo cáo tài chính DN, tăng tính so sánh, minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Đối với các công ty niêm yết đại chúng, cần chủ động nghiên cứu và nâng cao chất lượng hệ thống QTTC theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, cần nâng cao trách nhiệm và năng lực giám sát của HĐQT, bằng cách thành lập các ủy ban chuyên trách như Ủy ban Kiểm toán, Ủy ban Nhân sự - Lương thưởng, và Ủy ban Phát triển bền vững, với các thành viên có chuyên môn và kinh nghiệm giám sát tốt.
Bên cạnh đó, cần tăng tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và nâng cao chất lượng QTTC.
Các DN niêm yết cần chủ động hướng đến các chuẩn mực phát triển bền vững quốc tế, xây dựng chiến lược hoạt động và hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với xu thế này. Việc cam kết minh bạch thông tin cần được thực hiện thông qua sử dụng song song tiếng Anh và tiếng Việt trong các hoạt động và báo cáo của DN, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế.