Vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò quản lý, điều hành, dẫn dắt, đồng thời chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tại nơi mình phụ trách. Việc nêu gương của người đứng đầu luôn có vai trò to lớn đối với sự thành công hay thất bại của đơn vị. Nếu người lãnh đạo gương mẫu, chính trực có thể giúp tập thể đoàn kết, phát triển vững mạnh. Song nếu người lãnh đạo suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống không phát huy vai trò nêu gương có thể khiến nội bộ lục đục, suy yếu.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò quản lý, điều hành, dẫn dắt, đồng thời chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tại nơi mình phụ trách. Việc nêu gương của người đứng đầu luôn có vai trò to lớn đối với sự thành công hay thất bại của đơn vị. Nếu người lãnh đạo gương mẫu, chính trực có thể giúp tập thể đoàn kết, phát triển vững mạnh. Song nếu người lãnh đạo suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống không phát huy vai trò nêu gương có thể khiến nội bộ lục đục, suy yếu.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra tháo gỡ khó khăn dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra tháo gỡ khó khăn dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6.

Sau 5 năm thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), người đứng đầu, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, tăng cường vai trò nêu gương của CB,ĐV. Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện các Quy định của Đảng về công tác nêu gương gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Qua thực hiện Quy định, nhiều CB,ĐV, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý đã nâng cao nhận thức, thực hiện tốt hơn trách nhiệm nêu gương, gương mẫu trong công tác và quan hệ xã hội. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được chú trọng. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới công tác cán bộ; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình được chú trọng. Tỉnh ủy lãnh đạo tăng cường kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân... Những việc làm trên đã góp phần đẩy mạnh công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy, việc thực hiện các quy định nêu gương chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được sức lan tỏa sâu, rộng trong CB,ĐV. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, CB,ĐV nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của trách nhiệm nêu gương. Một số địa phương, người đứng đầu chưa nghiêm túc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thật sự quyết tâm giải quyết những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, vấn đề bức xúc của nhân dân. Tinh thần, trách nhiệm của nhiều CB,ĐV trong tự phê bình và phê bình chưa cao...

Ngày 8/5/2024, BCH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kết luận số 1017-KL/TU về tiếp tục thực hiện trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV, người đứng đầu, trước hết là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh. Xác định công tác nêu gương phải thật sự trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả. BCH Đảng bộ tỉnh yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, CB,ĐV tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CB,ĐV, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; là trung tâm đoàn kết trong nội bộ; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của cơ quan, đơn vị phải đảm bảo công tâm, công khai, minh bạch, khách quan.

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt thể hiện: Cán bộ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu; cấp trên và người đứng đầu phải thực sự làm gương cho cấp dưới và Nhân dân trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống. Việc nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ; phải thực sự gương mẫu; tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh; chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao; phải có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, tận tâm, trung thực, làm việc có nguyên tắc, kỷ cương; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Thực hiện tốt công tác đánh giá xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp phải coi trọng việc giải quyết các vấn đề mà Nhân dân phản ánh, đặt mình dưới sự giám sát của Đảng và Nhân dân. Chú trọng biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp CB,ĐV thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu gương mẫu, thậm chí vi phạm khuyết điểm; kiên quyết thay thế, chuyển công tác khác những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải coi trọng việc giải quyết các vấn đề mà Nhân dân phản ánh…

Thực tiễn đã chứng minh, "cán bộ nào, phong trào nấy". Do đó, ở nơi nào người đứng đầu tiên phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm thì nơi đó nội bộ đoàn kết, tập thể vững mạnh, hoạt động nền nếp, hiệu quả, bảo đảm được kỷ cương, kỷ luật.

Như vậy việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu hết sức cần thiết trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Bởi ở lĩnh vực nào, thời gian nào thì việc nêu gương của người đứng đầu luôn có vai trò to lớn đối với sự thành công hay thất bại của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/189825/vai-tro,-trach-nhiem-neu-guong-cua-nguoi-dung-dau.htm