'Ván bài' tốt của Thủ tướng Nhật

Thủ tướng Nhật Abe Shinzo được cho là đã chơi một 'ván bài tốt' trước Tổng thống Mỹ Donald Trump khi hai ông vừa ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York.

 Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên họp của Đại hội đồng Liênhiệp quốc ở New York.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên họp của Đại hội đồng Liênhiệp quốc ở New York.

Bình luận về kết quả và nội dung của thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật lần này, cây bút William Pesek của hãng Nikkei cho rằng, ông Donald Trump có thể nổi tiếng với cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán”, song “ván bài” vừa rồi, chính Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo mới là người biết cách để đạt được thỏa thuận có lợi.

Cuộc đàm phán giữa Washington và Tokyo diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng. Ở trong nước, Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với sự giận dữ của nông dân Mỹ về các vấn đề thuế quan, và đặc biệt là cuộc điều tra luận tội vừa được phát động chỉ vài giờ trước khi ông tới New York.

Phía Nhật Bản hiểu rằng, ông Trump đang rất khát khao “ghi bàn” trên các diễn đàn toàn cầu, để giành bất kỳ “chiến thắng” nào. Và thỏa thuận thương mại sơ bộ Mỹ - Nhật đã đạt được trong hoàn cảnh đó.

Đội ngũ cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản đã rất biết khai thác nỗi lo lắng và áp lực mà ông Trump đang phải gánh chịu, để thực hiện cú “bẻ ghi” tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Á. Trong lần đàm phán này, Tokyo còn có một quân bài nữa là động thái trả đũa của Trung Quốc áp thuế lên 75 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Mỹ. Vì vậy, phía Mỹ cũng phải “nhắm mắt” với một số đòi hỏi của Nhật.

Tổng thống Donald Trump, như thường lệ, gọi thỏa thuận vừa đạt được là “một hiện tượng”. Thủ tướng Nhật Bản, kiệm lời hơn, chỉ nói ông “hài lòng” với những gì đạt được.

“Sẽ có rất nhiều tiền tươi cho các nông dân và chủ trang trại của chúng ta”, ông Trump nói với các phóng viên khi ngồi cạnh Thủ tướng Abe. Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới sẽ loại bỏ hoặc giảm thuế quan cho 7,2 tỉ đô la Mỹ sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Mỹ vào thị trường Nhật, trong đó có thịt bò, bắp, thịt heo, phô mai, rượu vang...

Nhưng theo Wendy Cutler, một nhà đàm phán của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP), những thỏa thuận thương mại này không khác gì mấy so với những điều khoản và cam kết tiếp cận thị trường trong TPP trước đây mà Mỹ đã tự động rút khỏi.

Về các vấn đề nông nghiệp, theo chuyên gia Tobias Harris của công ty tư vấn chiến lược Teneo Intelligence, là “phần lớn giống với TPP”.

Việc mở cửa đối với các giao dịch kỹ thuật số, truyền tải các video, âm nhạc và phần mềm... được đánh giá là “y sì” TPP.

Trong khi đó, điều mà phía Nhật Bản lo ngại nhất, đó là việc Mỹ sẽ đánh thuế nhập khẩu 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô từ Nhật Bản, một ngành công nghiệp trị giá 50 tỉ đô la, đã không được nhắc tới trong lần đàm phán này.

Mức thuế 25% có thể khiến Toyota và các đại gia ô tô khác của Nhật Bản thiệt hại 4,64 tỉ đô la Mỹ. Kèm theo đó sự sụp đổ của chuỗi cung ứng ở châu Á sẽ khuếch đại thêm những thiệt hại về kinh tế.

Ông Abe mỉm cười và nhìn sang ông Trump khi nói với phóng viên: “Tôi khẳng định rõ với ngài Tổng thống rằng, trong nội dung thỏa thuận này sẽ không có việc đánh thuế bổ sung lên mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản và Tổng thống Donald Trump đã đồng ý với điều đó”, Bloomberg dân lời ông Abe.

Cần phải nhắc lại rằng, vấn đề thuế quan với ô tô Nhật là “nỗi ám ảnh” của ông Trump từ những năm 1980. Hồi đó, khi ông trở nên nổi tiếng với cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán”, ông đã phản đối chính sách thương mại của Nhật. Trong một lần xuất hiện trên truyền hình năm 1989, ông Trump phàn nàn rằng Nhật Bản đã “hút máu của Mỹ một cách có hệ thống”.

Nhắc lại vậy để thấy rằng, mặc dù ông Trump tỏ ra vui mừng với thỏa thuận vừa đạt được song người mừng hơn chính là Thủ tướng Nhật. Ông Abe đã giành được một lá bài thương lượng quan trọng và để cho Tổng thống Mỹ hưởng niềm vui chiến thắng giả tạo.

Cho đến nay, nhóm thương mại do Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi dẫn đầu đang âm thầm giành lợi thế so với phía Mỹ. Vào tháng 8, ông Motegi đã nói với Đại diện Thương mại Mỹ R. Lighthizer rằng: “Các ông muốn có một thỏa thuận nhanh chóng. Còn chúng tôi chỉ cung cấp những thứ mà mình có thể”.

Câu hỏi hiện nay là, khi nào ông Trump sẽ “trở lại”?. Ông có thể sẽ thực hiện những chính sách thương mại mạnh hơn đối với các nước châu Á, khi đặt cược cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294841/van-bai-tot-cua-thu-tuong-nhat-.html