Văn Bàn nỗ lực vì sự phát triển của phụ nữ

Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu đã tạo ra những thay đổi từ tư duy đến hành động của phụ nữ nhiều nơi, trong đó có chị em các địa phương ở Văn Bàn.

Song song với các nhiệm vụ thường xuyên, Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn đã chỉ đạo các cấp hội từng bước hoàn thành các mục tiêu của dự án bằng nhiều giải pháp cụ thể như xây dựng kế hoạch định hướng công tác trọng tâm năm 2023 ngay từ đầu năm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ chuyên trách thực hiện dự án; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai dự án…

Trong năm 2023, Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn đã thành lập 63 tổ truyền thông cộng đồng tại 17 xã, thị trấn, thu hút gần 600 người tham gia, đạt 100% kế hoạch. Các tổ truyền thông cộng đồng đã kiện toàn và duy trì việc tuyên truyền bằng nhiều phương thức như qua hệ thống phát thanh của xã, các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chi hội, từ đó tổ chức 14 cuộc truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới tại 14 xã, thu hút 1.400 người tham gia; 3 hội nghị đối thoại chính sách về bình đẳng giới, một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại các xã Dần Thàng, Nậm Xé, Nậm Chày, thu hút hơn 200 người tham gia; tổ chức giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông cộng đồng, với sự góp mặt của 170 đại biểu…

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8. Tại Văn Bàn, 13 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã được thành lập tại 9 trường THCS và 1 thôn thuộc các xã Nậm Xây, Nậm Xé, Minh Lương, Dần Thàng. Thông qua các câu lạc bộ này, các cấp hội đã tổ chức 15 buổi truyền thông “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, tạo ra nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi trong trường học, nâng cao nhận thức cho học sinh.

Đặc biệt, cuối năm 2023, Hội Phụ nữ huyện đã ra mắt 7 mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại các xã Thẳm Dương, Nậm xé, Dương Quỳ, Nậm Chày, Sơn Thủy, Minh Lương; tích cực truyền thông và tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho thành viên các mô hình nhằm đẩy mạnh chăm lo đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò xây dựng, phát triển cộng đồng, xây dựng quê hương, đất nước. “Chúng tôi hy vọng các địa chỉ tin cậy tại địa phương sẽ giúp chị em, những người yếu thế có nơi để tin tưởng, giãi bày và tìm sự giúp đỡ khi gặp phải các vấn đề khó khăn trong gia đình hoặc xã hội, đặc biệt là có thể phòng, chống bạo lực gia đình”, chị Lù Thị Chương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dương Quỳ cho biết.

Giữa tháng 12 vừa qua, Hội Phụ nữ huyện phối hợp tổ chức thành công hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phòng, chống bạo lực gia đình, với sự tham gia của 100 tuyên truyền viên thuộc 10 đội thi đến từ các tổ truyền thông cộng đồng của 10 xã, thị trấn, đại diện cho 63 tổ truyền thông cộng đồng trong toàn huyện. Hội thi đã giúp các tuyên truyền viên, thành viên tổ truyền thông cộng đồng 17 xã, thị trấn của huyện Văn Bàn thể hiện khả năng tuyên truyền; tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng, giúp đội ngũ tuyên truyền viên làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, góp phần thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/van-ban-no-luc-vi-su-phat-trien-cua-phu-nu-post378552.html