Văn Bàn phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023
Ngày 17/2, tại xã Võ Lao, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Văn Bàn tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua 'Chung sức xây dựng nông thôn mới' và phong trào thi đua 'Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050' năm 2023.
Năm 2023, huyện Văn Bàn phấn đấu có 14/21 xã duy trì và được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, duy trì 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu hết năm 2023, bình quân mỗi xã đạt 14,05 tiêu chí nông thôn mới. Đối với thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, phấn đấu đến hết năm 2023 xây dựng được các liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị về ngành hàng quế, măng trên địa bàn huyện, đảm bảo bền vững, hiệu quả.
Để đạt được các mục tiêu năm 2023 đề ra, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Văn Bàn yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đề án 01-ĐA/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Bàn về phát triển nông - lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 13 ngày 9/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện Văn Bàn đạt 5,5 - 6%; giá trị sản phẩm thu hoạch đạt hơn 96 triệu đồng/ha; trồng mới hơn 1.900 ha rừng sản xuất; 10/21 xã hoàn thành nông thôn mới (chiếm 47,6%); 11 thôn kiểu mẫu, 27 thôn nông thôn mới, hoàn thành 229 tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn 21 xã, bình quân 10,9 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đạt hơn 54 triệu đồng/người/năm.
Bám sát các chủ trương, chiến lược, định hướng về xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hàng hóa, trọng tâm là nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua; tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân xuất sắc trong các phong trào thi đua; nhân rộng các tập thể, cá nhân, mô hình tiêu biểu, cách làm hay, ý tưởng sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở, nhà máy chế biến nông - lâm sản; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiếp thị đối với các hàng hóa chủ lực, tiềm năng trên địa bàn thông qua sàn giao dịch điện tử, kênh mua bán, phân phối trong và ngoài tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Ưu tiên đầu tư đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ của người lao động, đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn.
Lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho khu vực nông thôn, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực từ xã hội hóa, nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.