Văn bản tốt, thực thi cũng phải tốt!
'Văn bản tốt mà thực thi không tốt thì không thể hiệu quả', TS. NGUYỄN MINH THẢO, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói về việc triển khai Nghị quyết số 01 năm 2023 của Chính phủ, trong bối cảnh tâm lý sợ sai đang là vấn đề nhức nhối.
Tiếp tục thúc đẩy cải cách
- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (Nghị quyết số 01), trong đó lồng ghép nội dung về cải cách môi trường kinh doanh (thay vì tách riêng và đưa vào Nghị quyết số 02 như các năm trước). Bà đánh giá thế nào về sự thay đổi này?
- Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, cải cách môi trường kinh doanh là nội dung quan trọng trong điều hành của Chính phủ.
Theo thông lệ hàng năm, Nghị quyết số 02 riêng về cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2022, Nghị quyết đặt mục tiêu dài hạn đến năm 2025. Đặc biệt, trong năm 2023, Chính phủ đã lồng ghép cải cách môi trường kinh doanh vào Nghị quyết số 01 về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có khẳng định là tiếp tục thực hiện theo các mục tiêu của Nghị quyết số 02/2022/NĐ-CP. Tôi cho rằng việc lồng ghép này là cách làm rất hợp lý, tích cực.
- Có ý kiến lo ngại việc lồng ghép này khiến nội dung về cải cách môi trường kinh doanh sẽ bị thu hẹp so với việc ban hành nghị quyết riêng như trước, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện. Bà nghĩ sao?
- Điều này không đáng ngại. Bởi lẽ, điểm đặc biệt của Nghị quyết số 01 đối với môi trường kinh doanh là Chính phủ tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, Chính phủ tiếp tục khẳng định cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Từ năm 2015 – 2019, Chính phủ tập trung khá nhiều vào điều kiện kinh doanh và đã đạt một số kết quả rất tích cực. Trong giai đoạn này, cải cách đã giúp cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn, các điều kiện can thiệp sâu hoặc chung chung đã giảm bớt nhiều.
Tuy nhiên, cải cách này mới tập trung vào điều kiện kinh doanh trong ngành nghề. Năm 2023 tập trung cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện - tiếp nối trọng tâm của năm 2022.
Về số lượng, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm bớt từ 276 năm 2014 còn 243 năm 2016 và còn 227 ngành nghề vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế lại không giảm! Minh chứng là khi rà soát sơ bộ 2 lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã gấp 3 lần danh mục. Điều đó cho thấy, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thực sự được quan tâm, dường như mới chỉ cải cách theo hướng làm đẹp con số nhiều hơn là thực chất doanh nghiệp được hưởng.
Hai là, Nghị quyết khẳng định thúc đẩy cải cách trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Thời gian qua, mặc dù có thay đổi tích cực song mới chỉ tập trung vào lĩnh vực an toàn thực phẩm, chưa mở rộng ra các lĩnh vực khác. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành tạo chi phí xã hội rất lớn. Nó trực tiếp gắn với xuất nhập khẩu – động lực quan trọng của tăng trưởng, nên cải cách này đóng vai trò rất quan trọng.
Ba là, chấn chỉnh công tác thanh kiểm tra. Trong giai đoạn 2020 – 2021, có thể do dịch bệnh mà hoạt động này giảm bớt song có xu hướng bùng phát, tràn lan trong năm 2022 ở khắp các lĩnh vực, nhất là liên quan môi trường, phòng cháy chữa cháy. Có doanh nghiệp sản xuất hoạt động trên 20 năm với hàng trăm công nhân, khi bị áp dụng các tiêu chuẩn chung về phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp này bị đóng cửa, kéo theo nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Do đó, tới đây, cần phân loại rủi ro để áp tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy khác nhau cho các doanh nghiệp.
Bốn là, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua không được chú trọng, dẫn đến khi có vướng mắc cần hỗ trợ thì doanh nghiệp không biết hỏi ai, cơ quan nào, trong khi hầu như bộ ngành, sở nào cũng có đường dây nóng thì không liên hệ được hoặc rất khó để tiếp cận.
Việc xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm này rất trúng và đúng mà nếu làm được sẽ tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp!
Tạo động lực cho cán bộ thực thi
- Theo bà, mấu chốt để triển khai Nghị quyết số 01 là gì?
- Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng. Để thực hiện tốt, trước tiên cần sự quan tâm sát sao của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương với cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Kinh nghiệm hơn 10 năm qua cho thấy, chỉ khi nào lãnh đạo thực sự quan tâm tới cải cách thì mới đạt hiệu quả.
Tiếp đến, cần thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng. Họ không chỉ nêu vấn đề mà còn gợi ý giải pháp cải cách phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực của mình.
Bên cạnh đó, cần sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thủ tướng, Chính phủ để tạo ra áp lực cải cách. Bởi nếu không có áp lực sẽ không có động lực để thay đổi.
Cùng với đó, cần tạo ra động lực cho cán bộ thực thi. Nếu văn bản tốt mà thực thi không tốt sẽ không thể hiệu quả.
Điểm quan trọng nữa là cần sự giám sát độc lập của các bên để đánh giá cải cách đó. Đó có thể là CIEM, hoặc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Chỉ khi có sự đánh giá độc lập mới tạo ra đối trọng để xem cải cách của các bộ, ngành, địa phương có thực sự hiệu quả.
Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của truyền thông để truyền tải thông điệp cải cách, chia sẻ kinh nghiệm tốt…
- Như bà vừa nói, cần tạo động lực cho cán bộ thực thi, song vấn đề khá nhức nhối hiện nay là có tâm lý sợ làm sai nên họ ngại làm, thậm chí là không làm gì. Cách nào để gỡ vấn đề này?
- Đây đúng là một vấn đề khá nhức nhối. Nguyên nhân phải thừa nhận là hiện có rất nhiều văn bản pháp luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn, khác biệt. Trước đây, cán bộ có thể linh hoạt bằng cách họ tuân thủ pháp luật này nhưng lại không đúng pháp luật khác. Tuy nhiên, bây giờ họ sợ bị liên đới trách nhiệm nên không dám linh hoạt nữa.
Do đó, để cán bộ có động lực cải cách, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho họ theo hướng nếu họ tuân thủ một văn bản pháp luật sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự so với việc không tuân thủ quy định nào. Gốc rễ vẫn là phải khắc phục điểm mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản pháp luật, đặc biệt trong đầu tư, đất đai, môi trường - những vấn đề gai góc và gây ra nhiều bất an cho doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn bà!