Vẫn bộn bề nỗi lo
Hôm nay, gần 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2019 - 2020.
Một năm báo hiệu nhiều tín hiệu tích cực của ngành giáo dục. Điều hứa hẹn mang lại niềm vui trong lễ khai giảng năm nay là sẽ không còn "chủ nghĩa hình thức" ở ngày lễ trọng đại này mà khai giảng sẽ trở thành “ngày hội đến trường”.
Hy vọng sẽ không còn cảnh học sinh mệt mỏi, mướt mát mồ hôi ngồi nghe nhà trường báo cáo thành tích cùng những tràng vỗ tay không cảm xúc. Thương nhất là những đứa trẻ lớp 1 chân ướt, chân ráo bước vào trường đã phải ngồi nghe những triết lý giáo điều khó hiểu.
Có thể nói, sau nhiều năm được tổ chức rườm rà, tốn kém, khiến học sinh mệt mỏi, vài năm trở lại đây, chương trình khai giảng năm học mới đã gọn nhẹ, trang trọng được nhiều bậc phụ huynh và học sinh, thầy cô hưởng ứng. Một quyết tâm cao trong toàn hệ thống đã giúp học sinh có một lễ khai giảng ngắn gọn nhưng không mất đi ý nghĩa, đặc biệt là đối với những học sinh lớp đầu cấp.
Năm nay, một tín hiệu đáng mừng là ngay ở Thủ đô không còn tình trạng quá tải sĩ số học sinh. Những “điểm nóng” như một số trường ở Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân…, các em không phải nghẹt thở chen chân vào lớp học như năm trước.
Cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học ở tất cả các tuyến được cải thiện rõ rệt. Toàn TP đã thành lập mới được 77 trường, cải tạo, sửa chữa 427 trường và xây mới 2.450 phòng học. Đó là sự nỗ lực lớn của TP, của ngành giáo dục Thủ đô để sẵn sàng cho năm học mới.
Năm học 2019 - 2020 - năm bản lề trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Hà Nội cùng cả nước có những bước đổi thay vượt bậc nhưng phía trước vẫn bộn bề lo âu khi các em cắp sách đến trường. Đó là những trăn trở về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, an toàn trường học, bạo lực học đường.
Đặc biệt là vấn đề lạm thu, dù ngành giáo dục đã mạnh tay, cấm các khoản thu ngoài quy định nhưng vẫn còn những trường học tìm mọi cách để phụ huynh phải đóng các khoản “tự nguyện”. Rồi, ở những vùng miền khó khăn, đang chịu thiên tai bão lũ, phụ huynh, thầy cô giáo đang gồng gánh nỗi lo cơm áo, gạo tiền, cơ sở vật chất… để các con kịp đón ngày khai trường.
Theo lộ trình của ngành giáo dục, từ năm học 2020 - 2021, các trường phổ thông sẽ triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, chính những người trong cuộc cũng cảm thấy lo lắng, băn khoăn, chỉ còn một năm để chuẩn bị, liệu tất cả đã sẵn sàng vào guồng để đưa giáo dục lên một tầm cao mới?
Việc thực hiện chương trình giáo dục mới kỳ vọng sẽ có những đổi thay cơ bản với triển vọng môi trường học tập cởi mở, thân thiện, gắn với thực tiễn, trải nghiệm, lấy học sinh làm chủ thể. Nhưng để những điều này trở thành hiện thực, trước hết phải xóa được những nỗi lo cũ – những thách thức quả không hề nhỏ.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-bon-be-noi-lo-351727.html